Báo cáo với Hội đồng, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực Nguyễn Công Khanh cho biết: Sau gần 9 năm triển khai thực hiện, Nghị định 78 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2014/NĐ-CP) đã tạo cơ sở pháp lý để cụ thể hóa và tăng cường quản lý nhà nước, thống nhất quy trình giải quyết các hồ sơ quốc tịch.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị định số 78/2009/NĐ-CP đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế cơ bản. Trong đó, đáng chú ý là một số quy định mang tính nguyên tắc của Luật Quốc tịch Việt Nam chưa được hướng dẫn, cụ thể hóa trong Nghị định 78 nên dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau, nhất là quy định về “trường hợp đặc biệt” theo khoản 3 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam.
Khoản 3 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam quy định: “Người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người quy định tại khoản 2 Điều này, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép”.
Có điều, do chưa có quy định hướng dẫn chi tiết nên dẫn đến cách hiểu khác nhau (nhiều người cho rằng chỉ cần thuộc trường hợp “có vợ, chồng, cha, mẹ, con là công dân Việt Nam” thì được coi là “trường hợp đặc biệt” để được Chủ tịch nước cho giữ quốc tịch nước ngoài khi nhập quốc tịch Việt Nam). Thậm chí đã có khiếu nại, khiếu kiện xảy ra.
Vì vậy, để bảo đảm thống nhất cách hiểu và áp dụng các quy định về điều kiện đối với người xin nhập quốc tịch Việt Nam và xin giữ quốc tịch nước ngoài, theo ông Khanh, dự thảo Nghị định bổ sung quy định nhằm hướng dẫn chi tiết hơn về điều kiện xin nhập quốc tịch Việt Nam và xin giữ quốc tịch nước ngoài theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam.
Cụ thể, dự thảo bổ sung 1 điều (Điều 9) về trường hợp đặc biệt có thể được xem xét cho giữ quốc tịch nước ngoài khi nhập quốc tịch Việt Nam theo khoản 3 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam.
Theo đó, để được Bộ Tư pháp trình Chủ tịch nước xem xét cho nhập quốc tịch Việt Nam và giữ quốc tịch nước ngoài, người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải đủ điều kiện nhập quốc tịch, thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam và thuộc trường hợp đặc biệt theo quy định tại khoản 2 Điều 9 của Nghị định này (phương án 1).
Trường hợp đặc biệt phải có đủ các điều kiện như tiếp tục có đóng góp lớn, lâu dài cho Nhà nước CHXHCN Việt Nam sau khi được nhập quốc tịch Việt Nam; có cam kết thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam và không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam, xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước CHXHCN Việt Nam… Quy định này cũng được áp dụng đối với người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài.
Còn phương án 2 xác định đây là thẩm quyền đặc biệt của Chủ tịch nước (giống một số nhiệm vụ khác như đặc xá, xét đơn xin ân xá…), Chủ tịch nước sẽ quyết định cho phép một người được nhập quốc tịch Việt Nam mà vẫn được giữ quốc tịch nước ngoài.
Với phương án 2 thì dự thảo Nghị định không quy định thế nào là trường hợp đặc biệt mà chỉ làm rõ hơn việc công dân nước ngoài xin nhập nhập quốc tịch Việt Nam và giữ quốc tịch nước ngoài phải hội đủ 3 điều kiện: thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam; trong trường hợp đặc biệt; được Chủ tịch nước cho phép.
Nội dung trên được các thành viên Hội đồng thẩm định đặc biệt quan tâm góp ý. Đa số thành viên Hội đồng nhất trí với phương án 1 nhưng cần sửa đổi một số từ ngữ để đảm bảo sự rõ ràng, rành mạch.
Tán thành sửa đổi theo phương án 1, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) Bạch Quốc An nêu hệ quả pháp lý của trường hợp có quốc tịch Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài mà rõ nhất là cùng một người, khi đầu tư vào nước ta thì lấy quốc tịch nước ngoài để được hưởng ưu đãi đầu tư; khi mua nhà thì lấy quốc tịch Việt Nam nhưng khi phát sinh vướng mắc lại lấy quốc tịch nước ngoài để cho rằng nước ta không tôn trọng quyền sở hữu của họ. “Như vậy có đảm bảo sự ổn định hay không?” – ông An trăn trở.