Với chi phí lao động tăng lên nhanh chóng ở châu Á, buộc các nhà sản xuất phải đối mặt với những thách thức tương tự như các đối tác của họ ở châu Âu và Bắc Mỹ đã trải qua khoảng 50 năm trước.
Như là một kết quả tất yếu, tự động hóa đang và sẽ ngày càng trở nên quan trọng đối với ngành công nghiệp.
Tuy nhiên, theo bà Kasinee Phantteeranurak, Quản lý dự án của Công ty TNHH Reed Tradex, đơn vị tổ chức "Vietnam Manufacturing Expo (VME) 2017" vào cuối tháng tới tại Hà Nội cho rằng đầu tư công nghệ và hạ tầng không phải là một kế hoạch có thể thực hiện “một sớm một chiều”, đặc biệt là đối với nền kinh tế mới nổi như Việt Nam.
“Đơn cử như chi phí đầu tư ban đầu cho một robot công nghiệp (bao gồm cả hệ thống chi phí kỹ thuật) là khoảng 250.000 USD. Chi phí này là khá lớn đối với các nhà sản xuất khi họ chưa nhìn thấy giá trị hoàn vốn trong thời gian ngắn trước tình hình thị trường hiện tại, một số đơn vị cho rằng giải pháp đơn giản nhất là thuê thêm lao động”, bà Kasinee chia sẻ.
Từ cách nhìn của một DN, ông Rene De Kok, Giám đốc thương mại của Scancom cho rằng việc tăng số lượng người lao động sẽ là một giải pháp hữu hiệu để đối phó với những thách thức lâu dài của ngành công nghiệp, tuy nhiên,đầu tư vào công nghệ một cách thích hợp, đặc biệt là các thiết bị đo đạc độ chính xác, sau đó tối ưu hóa trong việc sử dụng các công nghệ này, đây sẽ là câu trả lời tối ưu nhất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Còn nhớ, cách đây 4 năm, ông Trần Thanh Thủy, cựu Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa đã chia sẻ rằng các nhà khoa học Việt Nam đã có những thành tựu đáng kể liên quan đến tự động hóa, điều khiển robot và hệ thống điều hành thông minh. Tuy nhiên, khi đó cơ sở hạ tầng vẫn còn lạc hậu và kích thước thị trường vẫn còn nhỏ, làm cho chi phí sản xuất vẫn còn cao.
Thừa nhận việc thay đổi trên quy mô lớn không phải là một sớm một chiều, song bà Kasinee Phantteeranurak lưu ý: “Điều quan trọng là nó đang thực sự diễn ra!”.
Theo bà Kasinee, trong một số trường hợp, để giảm thiểu chi phí cần sự đầu tư thích đáng. Đây không phải chỉ là đầu tư về tiền bạc, mà có thể nâng cấp hoặc bổ sung một số điều chỉnh công nghệ phù hợp cho hệ thống sản xuất hiện có.
“Việc đầu tư trang thiết bị và công nghệ để thúc đẩy quá trình sản xuất hiệu quả hơn, thực sự có thể làm giảm tổng chi phí trong thời gian dài. Đây chính là thời điểm để các nhà sản xuất Việt Nam bước đến một “nền sản xuất thông minh” - bà Kasinee khẳng định.