Ước mơ xa vời
Muốn một chỗ gửi con an toàn mà sao khó thế, chị Đỗ Hồng Lan, công nhân thuê trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) thốt lên. Cũng bởi chị và anh Lê Văn Tiến lấy nhau, bốn năm sau mới có một đứa con nên chị “nâng như nâng trứng”. “Nhưng thương con thì bố mẹ cũng phải đi làm thì mới có ăn. Tìm và nhờ các kiểu, nhưng chẳng thể nào đưa con vào gửi ở trường mầm non công lập. Bên ngoài nhiều chỗ gửi lắm, nhưng toàn tự phát, tin sao được anh!”, chị Lan thổ lộ.
Khi con trai được 18 tháng, chị Lan đã từng gửi ở một nhóm trẻ, nhưng về nhà thấy con quấy khóc bất thường, đêm hay giật mình. Lo ngại chỗ gửi không an toàn, chị đã về Thái Nguyên đón mẹ đẻ ra trông giúp. Anh Tiến, chồng chị Lan cho hay: “Nếu không nhờ được bà thì mẹ cháu phải nghỉ, chứ gửi con vào những cơ sở tự phát, biết thế nào. Chẳng may con có mệnh hệ gì… Mà tiền gửi thì cũng quá tội anh ạ”.
Cùng xóm trọ với chị Lan có năm chị sinh con thì hai chị phải nghỉ ở nhà, hai chị đón mẹ ra trông con giúp. Cách dãy nhà chị Lan thuê trọ là một khu gần 20 phòng tiếp nối nhau cũng có ba em nhỏ không được đến trường. Bà Hồ Thị Hà, quê ở Đô Lương (Nghệ An) ra trông cháu cho con đi làm công nhân, bộc bạch: “Tôi bảo vợ chồng nó gửi con về lúc được 16 tháng. Được một tháng, nó bảo nhớ không chịu được. Với lại, con vẫn còn bú, thiếu mẹ tội nghiệp. Thế là tôi phải theo ra đây trông cháu. Sao ở ngoài này gửi con lại khổ thế hả giời?”.
Mang những tâm sự của nữ công nhân gặp cán bộ cơ sở, ông Hoàng Đức Khang, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung cho hay: “Trẻ em độ tuổi mầm mon của công nhân lớn hơn rất nhiều so với trẻ em cùng tuổi ở địa phương. Hiện chúng tôi thống kê được, có 1.800/3.200 cháu được học trên địa bàn. Còn các cháu khác hoặc gia đình trông nom, hoặc học ở nhóm trẻ bên ngoài, có khi là ở xã bên cạnh”.
Ông Khang cũng cho biết thêm, địa phương vẫn đang tiếp tục kiến nghị với các cơ quan chức năng tiếp tục đầu tư xây dựng trường mầm non, mẫu giáo đáp ứng nhu cầu của công nhân đang thuê trọ tại địa phương. Những năm qua, Công ty TNHH KCN Bắc Thăng Long mới chỉ xây được 18 phòng, sau này huyện Đông Anh đầu tư xây dựng thêm được 10 phòng.
Nhiều công nhân thuê trọ ở xã Phương Liễu (Bắc Ninh) trở thành vú nuôi |
Không thể kiểm soát nổi?
Nhá nhem tối, sau giờ tan ca, công nhân thuê trọ tại thôn Giang Liễu, xã Phương Liễu (Quế Võ, Bắc Ninh) lại tất tưởi đi đón con. Hỏi ra, đa số họ gửi con vào những nhóm trẻ tự phát. Bà Dương Thị Nương, một người dân trong thôn cho hay, do nhu cầu cao mà không có nhà trẻ nên nhiều người dân đã tự liên hệ, nhận trông nom hai trẻ, với giá 1.500.000 đồng/trẻ/tháng. Một số khác nhận trông một trẻ, giá 2.500.000 đồng/trẻ/tháng.
Chị Trần Thị Ánh Hồng tâm sự: “Vợ chồng em bàn nhau là em nghỉ ở nhà trông con. Nhưng làm như thế thì chồng em không kham nổi, mà em cũng không thể bị mất việc được. Phải giữ chân, vì làm đến năm thứ tư rồi lương cũng khá hơn lương người mới đi làm. Vậy là em phải gửi con cho một bác, nghe người ta nói thì bác ấy chu đáo. Nhưng biết vậy chứ chu đáo làm sao bằng người được học hành tử tế”.
Xác nhận thực trạng này, đồng thời cũng đồng cảm với công nhân, ông Nguyễn Viết Lý, Trưởng thôn Giang Liễu thốt lên: “Thôn thiếu nhiều chỗ tiếp nhận trẻ em quá. Chỉ có một trường, tiếp nhận 330 cháu, còn các nhóm tự phát thì không thể kiểm soát nổi. Chỗ gửi con ở địa phương đã bức thiết lắm rồi. Với hơn 8.000 công nhân thuê trọ mà chúng tôi có danh sách quản lý là rất lớn. Để giúp họ có động lực làm việc lâu dài thì không còn cách nào khác là phải đáp ứng chỗ gửi con của họ”.
Còn ông Nguyễn Đức Cao, Phó trưởng BQL các KCN Bắc Ninh bày tỏ: “Phương Liễu chỉ là một trong rất nhiều xã ở các huyện có khu công nghiệp thiếu nhà trẻ mầm non. Tình trạng khẩn thiết lắm rồi. Tỉnh nộp ngân sách nhiều nhưng cơ chế thì chưa gợi mở để có thể thực hiện rốt ráo”.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có tới 1.444 nhóm trẻ độc lập tư thục, trong đó chỉ có 85 nhóm được cấp phép, số chưa có giấy phép là 1.359. Trước những vấn đề bức xúc, UBND tỉnh Bắc Ninh đã giao Hội Liên hiệp Phụ nữ Bắc Ninh làm thường trực Đề án “Hỗ trợ, phát triểm nhóm trẻ độc lập tư thục ở các KCN-KCX”.
Bà Nguyễn Thị Kim Nhung, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Bắc Ninh cho biết: “Việc ra đời các nhóm trẻ tự phát, không bảo đảm các tiêu chuẩn về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ. Địa phương và ngành Giáo dục và Đào tạo cũng khó kiểm soát, dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em”.
Chị Trần Thu Phương, Ban nữ công (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng: “Chúng ta cần phải nhìn nhận lại, sự nghiệp “trồng người” phải bắt đầu từ gốc rễ. Nhưng chúng ta đang không đi theo quy luật chung đó mà coi trọng phần ngọn, thiếu quan tâm phần gốc.
Giáo dục, chăm sóc trẻ em ở bậc mầm non chính là đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho các cấp học sau này. Việc đầu tư, xây dựng trường mẫu giáo, nhà trẻ và cả các trường tiểu học trong các KCN, KCX là một đòi hỏi cấp thiết để các em nhỏ phát triển tốt. Nhưng khi nhu cầu tăng cao thì sự quan tâm vẫn còn quá hạn chế."
Ở nhiều địa phương có nhóm trẻ không phép cao như TP Hồ Chí Minh lên đến hàng nghìn, Bình Dương là 347 và Đồng Nai trên 179. Tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hải Phòng, con số này cũng lên đến hàng trăm.