Theo số liệu tổng hợp thông tin từ báo cáo của các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh (từ ngày 01/10/2016 đến ngày 30/9/2017), các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã thụ lý, giải quyết tổng số 109 vụ việc, trong đó có 54 vụ việc thụ lý mới, đã giải quyết xong 40/109 vụ việc, đạt tỉ lệ 36,6% (giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2016) với số tiền Nhà nước phải bồi thường trong các quyết định giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật là 29 tỷ 141 triệu 607 nghìn đồng, còn 69 vụ việc đang tiếp tục giải quyết.
Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý giải quyết 23 vụ án dân sự đối với các vụ việc người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan có trách nhiệm bồi thường và khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường, có 13 vụ án thụ lý mới (giảm 04 vụ án so với năm 2016). Đã giải quyết xong 09 vụ, đạt tỷ lệ 39,1% (giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2016) với số tiền Nhà nước phải bồi thường là 3 tỷ 684 triệu 072 nghìn đồng (giảm 23 tỷ 614 triệu 420 nghìn đồng), còn 14 vụ đang tiếp tục giải quyết.
Như vậy, tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường được xác định trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định của Tòa án giải quyết các vụ án dân sự về bồi thường nhà nước có hiệu lực pháp luật là 32 tỷ 825 triệu 679 nghìn đồng (giảm gần 21 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016).
Một số vụ việc phức tạp đã được các cơ quan tố tụng giải quyết dứt điểm như: vụ việc ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận); vụ việc ông Trần Sam Sái (Sóc Trăng); một số vụ án oan sai có tính chất nghiêm trọng đều được các cơ quan tố tụng khẩn trương tổ chức xin lỗi công khai và tiến hành các thủ tục thương lượng bồi thường thiệt hại được nhân dân và dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ.
Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với TANDTC, VKSNDTC và các bộ, ngành có liên quan chỉnh lý, hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua Luật TNBTCNN năm 2017 (Luật số 10/2017/QH14); công tác triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2017 đã được Bộ Tư pháp đặc biệt chú trọng, kịp thời xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật và tổ chức quán triệt, triển khai Luật sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các bộ, ngành, địa phương kịp thời nắm bắt và bước đầu triển khai thực hiện trong phạm vi quản lý của ngành, địa phương mình.
Các cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước cũng đã tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường đối với những vụ việc phức tạp; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được quan tâm và tăng cường thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai công tác bồi thường nhà nước trong năm 2017 còn một số hạn chế, vướng mắc. Chỉ rõ nguyên nhân, Bộ Tư pháp cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh thực hiện một số nội dung cụ thể sau: Tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 25/8/2017 về triển khai thi hành Luật TNBTCNN năm 2017, bảo đảm Luật sớm đi vào cuộc sống nhằm đảm bảo tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại và nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của công chức trong thực thi công vụ, phòng ngừa sai phạm làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
Chủ động quán triệt thực hiện đúng quy định của Luật TNBTCNN trong giải quyết bồi thường, tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương mình; Phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật TNBTCNN năm 2017. Rà soát các quy định của Luật giao để đề xuất xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành trong phạm vi thuộc ngành, lĩnh vực của mình. Đồng thời rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài.
Bộ Tư pháp cũng đề nghị TANDTC, VKSNDTC tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật TNBTCNN năm 2017 trong phạm vi do mình quản lý; chỉ đạo TAND, VKSND các cấp rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, thụ lý mới theo Luật TNBTCNN năm 2009 trước khi Luật TNBTCNN năm 2017 có hiệu lực vào ngày 01/7/2018.
Các bộ, ngành, địa phương quan tâm, sắp xếp bố trí biên chế hiện có để bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác bồi thường, giải quyết bồi thường theo yêu cầu mới của Luật TNBTCNN năm 2017.
Năm 2018, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Tư pháp xác định là tổ chức triển khai thi hành Luật TNBTCNN năm 2017 với những nội dung được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 25/8/2017. Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án, trong đó tập trung rà soát, lập danh sách các vụ việc yêu cầu bồi thường còn tồn đọng để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc giải quyết theo quy định của pháp luật...