Công trình có dấu hiệu bị “rút ruột” tại Kiên Giang: Vì sao cứ phải chờ ý kiến liên ngành tư pháp Trung ương?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Giải quyết tin tố giác tội phạm, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Kiên Giang đã đưa ra họp liên ngành tư pháp cấp tỉnh để thống nhất hướng xử lý, sau đó xin ý kiến liên ngành tư pháp Trung ương. Vì vậy, vụ việc kéo dài nhiều năm dù VKSNDTC từng có ý kiến “có dấu hiệu để lọt tội phạm”.

Công trình có nhiều sai phạm của nhà thầu thi công

Nhằm phát triển y học cổ truyền tại địa phương, năm 2009, UBND Kiên Giang chọn Cty TNHH Quốc Lâm làm chủ đầu tư dự án "Trung tâm châm cứu, an dưỡng Quốc Lâm" tại TP Rạch Giá. Dự án có 41,96% vốn từ Quỹ Đầu tư & Phát triển tỉnh (tương đương 4 tỷ đồng). Phần vốn còn lại là của Quốc Lâm.

Ngày 15/9/2009, Quốc Lâm ký hợp đồng giao nhận thầu xây dựng với Cty TNHH Đại Phát (số 5 Nguyễn Trung Trực, TP Rạch Giá; Giám đốc là ông Thái Minh Hải; Chỉ huy trưởng công trình là ông Thái Minh Tân).

Hợp đồng xây dựng gồm 3 hạng mục: Xây mới Trung tâm, cổng, hàng rào (trị giá trên 7,6 tỷ); Nhà ăn tập thể bệnh nhân (trên 1 tỷ); Đường nội bộ, nhà vệ sinh, nhà để xe, bể nước chữa cháy, hệ thống thoát nước (trị giá trên 818 triệu).

Ngày 16/9/2009, Quốc Lâm ký hợp đồng giám sát, quản lý chất lượng công trình, tiến độ thi công với Cty Huy Thắng (do ông Ngô Văn Lành làm Giám đốc), giá trị hợp đồng trên 186 triệu đồng.

Sau gần 2 năm thi công, Quốc Lâm đã trả cho Cty Đại Phát gần 8,9 tỷ đồng. Quá trình hoàn thiện hồ sơ quyết toán, Quốc Lâm thuê Cty Kiến Việt kiểm tra chất lượng công trình. Kiến Việt cho rằng bên thi công tự ý thay đổi cấp phối xi măng, tôn lợp không đúng chủng loại, cửa nhôm sai thiết kế không đúng hồ sơ dự thầu, giá trần thạch cao tăng khác thường, nhiều vật tư thanh toán khống…

Công trình Trung tâm châm cứu, an dưỡng Quốc Lâm.

Công trình Trung tâm châm cứu, an dưỡng Quốc Lâm.

Từ kết quả kiểm tra này, ông Huỳnh Quốc Lâm (đại diện Cty Quốc Lâm) có đơn tố giác tội phạm đến Công an Kiên Giang.

Giải quyết đơn tố giác, Cơ quan CSĐT Công an Kiên Giang trưng cầu giám định (và giám định lại) chất lượng công trình, khả năng chịu lực an toàn khi hoàn công đưa công trình vào sử dụng.

Kết luận giám định (KLGĐ) ngày 29/7/2014 của Sở Xây dựng Kiên Giang chỉ ra có 14 sai phạm của nhà thầu thi công, giám sát không đúng thiết kế, hồ sơ thanh quyết toán không đúng với thực tế. Còn KLGĐ ngày 28/8/2014 của Trung tâm kiểm định & dịch vụ xây dựng (Sở Xây dựng) kết luận các phần móng trục 14A và 20K bị lệch tâm nhưng vẫn đảm bảo an toàn chịu lực, đảm bảo an toàn cho người và tài sản khi đưa vào sử dụng.

Trong khi đó, KLGĐ ngày 14/4/2016 của Trung Tâm thông tin & dịch vụ thuộc Sở Xây dựng TP HCM đã chỉ ra gần 30 vi phạm và sai phạm của bên nhận thi công từ giai đoạn xét thầu đến thiết kế, thi công, giám sát như: vật tư đưa vào sử dụng không đúng chủng loại; tự ý thay đổi thiết kế không có biên bản xử lý kỹ thuật... đưa vào thanh, quyết toán công trình làm phát sinh tăng gây thiệt hại cho chủ đầu tư tổng số thiệt hại hơn 3,9 tỷ. Công trình không đảm bảo yêu cầu về an toàn chịu lực theo quy định.

VKSNDTC đánh giá “dấu hiệu bỏ lọt tội phạm”

Tuy KLGĐ đều thể hiện vi phạm nhưng ngày 7/10/2016, CQĐT đã có Quyết định không khởi tố vụ án, lý do “những sai phạm đó đều thực hiện thông qua hợp đồng kinh tế, tại hợp đồng thể hiện trách nhiệm các bên, nếu có tranh chấp không thỏa thuận được thì giải quyết tại Tòa Kinh tế - TAND tỉnh Kiên Giang. Theo KLGĐ, công trình vẫn đảm bảo an toàn khi sử dụng cho người và tài sản, nên các vi phạm trên không cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Cùng quan điểm, ngày 24/11/2016, VKSND Kiên Giang ra Quyết định 296/QĐ-VKS bác đơn khiếu nại của ông Lâm.

Giải quyết khiếu nại, VKSNDTC ra Quyết định 48/QĐ-VKSTC ngày 7/2/2018; hủy bỏ Quyết định 296/QĐ-VKS và chỉ ra “các vi phạm sai phạm từ giai đoạn xét thầu đến thiết kế, thi công, giám sát, vật tư đưa vào công trình không đúng chủng loại, tự ý thay đổi thiết kế, nâng khống khối lượng... gây thiệt hại cho chủ đầu tư 3,944 tỷ đồng là hành vi gian dối; thực hiện do lỗi cố ý nhằm chiếm đoạt tài sản bằng hình thức "rút ruột công trình". Công trình chưa thể hoàn công để đưa vào sử dụng nhiều năm, tiếp tục gây thiệt hại đến quyền lợi của Nhà nước và chủ đầu tư”.

“Các vi phạm này không thuộc phạm vi điều chỉnh của hợp đồng nên không phải là tranh chấp trong hợp đồng kinh tế như kết luận của CQĐT Công an Kiên Giang… Cơ quan CSĐT công an tỉnh và VKSND tỉnh không có kết luận đánh giá kết quả giám định nào có cơ sở hoặc tiến hành trưng cầu giám định cơ quan thứ ba theo Bộ luật TTHS là chưa triệt để. Quyết định không khởi tố vụ án hình sự của CQĐT và Quyết định bác đơn khiếu nại của ông Lâm của VKSND Kiên Giang là chưa đảm bảo tính khách quan, toàn diện, có dấu hiệu để lọt tội phạm”.

Từ nhận định trên, VKSNDTC yêu cầu Viện trưởng VKSND Kiên Giang hủy bỏ Quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Kiên Giang, yêu cầu giải quyết lại từ tố giác, tin báo về tội phạm theo đúng pháp luật.

Sau đó, Cơ quan CSĐT ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết tố giác tội phạm để chờ giám định từ 2018. Trả lời ông Lâm tháng 5/2019, Cơ quan CSĐT Công an Kiên Giang cho biết "chưa ra Quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự để chờ Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an tổ chức cuộc họp liên ngành tư pháp Trung ương".

Ông Lâm nêu ý kiến: “Theo quy định về giải quyết tin báo tội phạm thì không có quy định nào cho CQĐT trì hoãn vụ việc để xin ý kiến liên ngành tư pháp Trung ương; cũng không có quy định nào buộc liên ngành tư pháp Trung ương phải trả lời việc khởi tố hay không một vụ án cụ thể”.

“Trong khi đó, tôi đã nhận được 2 phiếu chuyển đơn của Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đã chuyển đơn đến Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Kiên Giang để xem xét, giải quyết theo pháp luật”.

"Với lý do Công an Kiên Giang đưa ra, không biết đến khi nào thì đơn của tôi mới được giải quyết? Trong khi đó, công trình có dấu hiệu bị rút ruột đang xuống cấp trầm trọng, gây thiệt hại cho Nhà nước và Cty Quốc Lâm”, ông Lâm nói.

Đọc thêm