Công trình vi phạm tại số 20 ngõ 69, Thụy Khuê: Đã ra quyết định, nhưng yêu cầu cưỡng chế vẫn chỉ… nằm trên giấy

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Công trình xây dựng tại số 20, ngõ 69 Thụy Khuê, phường Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) đã bị chính quyền chỉ ra hàng loạt vi phạm và ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ phần xây dựng sai phép. Nhưng hơn 1 năm trôi qua, quyết định này dường như vẫn chỉ có hiệu lực “trên giấy”. Và chủ đầu tư vẫn tiếp tục hoàn thiện, chỉnh trang những phần xây dựng sai phép.
Công trình tiếp tục hoàn thiện tuy đã có Quyết định cưỡng chế cả năm nay.

Công trình tiếp tục hoàn thiện tuy đã có Quyết định cưỡng chế cả năm nay.

Vi phạm tồn tại dai dẳng

Công trình “nhà ở gia đình” tại số 20 ngõ 69 Thụy Khuê (chủ đầu tư là vợ chồng ông Phạm Tuấn Dũng và bà Nguyễn Thu Hà) xuất hiện sai phạm ngay ở tầng lửng; nhưng không hiểu sao, khi chủ đầu tư xây dựng đến phần kỹ thuật thang máy (trên nóc tầng 6) mới bị kiểm tra, phát hiện; sau khi liên tiếp có đơn thư tố cáo của công dân.

Tháng 8/2020, sau khi kiểm tra, UBND phường Thụy Khuê có kết luận tố cáo, khẳng định rõ “chủ đầu tư xây dựng công trình nhà ở sai so với giấy phép xây dựng: Sai diện tích xây dựng tầng lửng, sai phần ban công lô gia tầng 2, 3, 4, 5 và sai diện tích xây dựng tầng tum; xây dựng sai phần tum kỹ thuật thang máy”.

Hơn 2 tháng sau khi có kết luận trên, UBND quận Tây Hồ có Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả số 106/QĐ-KPHQ nhằm xử lý sai phạm về xây dựng của chủ đầu tư.

Triển khai quyết định trên, ngày 4/12/2020, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng tiếp tục ra Quyết định “cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả” với ông Phạm Tuấn Dũng và bà Nguyễn Thu Hà vì đã tổ chức thi công xây dựng nhà ở gia đình riêng lẻ sai Giấy phép xây dựng được cấp; Buộc chủ đầu tư phải thực hiện tháo dỡ phần xây dựng vi phạm, gồm: tầng lửng mở rộng thành tầng, xây sai vượt khoảng 39m2; tầng tum xây dựng sai mở rộng diện tích khoảng 38m2 và xây dựng thêm phần kỹ thuật thang máy, thang bộ. Từ tầng 2 đến tầng 5 xây dựng ban công lô gia khoảng 1,4 m không có trong giấy phép xây dựng và hồ sơ thiết kế được cấp phép.

Về việc triển khai thực hiện, Quyết định cưỡng chế nêu rõ: “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định, ông Phạm Tuấn Dũng và bà Nguyễn Thu Hà có trách nhiệm thực hiện quyết định. Nếu quá thời hạn này, ông Dũng và bà Hà không tự nguyện chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật”; “Giao đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Tây Hồ phối hợp UBND phường Thụy Khuê tổ chức tháo dỡ phần công trình vi phạm, đảm bảo đúng quy định của pháp luật”.

Trao đổi với PV vào thời điểm đầu năm 2021, ông Vũ Bá Đông, Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê cho biết, cùng với việc vận động chủ đầu tư tự nguyện tháo dỡ phần vi phạm thì phường cũng đã có kế hoạch mời đơn vị thẩm định phương án tháo dỡ nhằm đảm bảo an toàn.

Sai phạm được “chống lưng”?

Tuy nhiên, đã hơn 1 năm trôi qua kể từ khi có Quyết định cưỡng chế của UBND quận Tây Hồ, phần vi phạm tại công trình đã không bị phá dỡ, mà còn được hoàn thiện khá “hoành tráng”.

Bức xúc trước những vi phạm trên, ông Nhữ Đình Thanh (ngụ nhà 16, ngõ 69 Thụy Khuê) cho biết, trong suốt thời gian qua, chủ đầu tư vẫn tiếp tục cho nhân công đến hoàn thiện công trình và hoàn thiện cả những phần xây dựng sai phép như: sơn, ốp đá, lắp cửa kính, dựng lan can, trồng cây… ở tầng 6 (tầng bị cho là xây vượt 38 m2) và tầng 7 (tầng không có trong giấy phép).

Thậm chí, ở tầng 7 xây “lố” này, ngoài phần diện tích xây dựng vi phạm rộng hàng chục mét vuông (trong Quyết định cưỡng chế gọi là phần “kỹ thuật thang máy”) thì chủ nhà còn cho dựng nhiều cột kiểu “giàn treo” rất kiên cố.

Cũng theo ông Thanh, mỗi lần phát hiện chủ đầu tư gia cố, hoàn thiện phần vi phạm hoặc có vi phạm xây dựng mới, ông đều chụp ảnh và gửi tin nhắn thông báo cho ông Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê. Ông Ngọc được cho là có hứa cho cán bộ xuống kiểm tra, giải quyết. Tuy nhiên, kết quả xử lý ra sao thì ông Thanh không được thông báo lại. Trong khi đó, nhiều dấu hiệu chủ nhà sắp đưa công trình vào sử dụng (cho thuê và để ở).

Cho rằng những vi phạm trên là ngang nhiên, thách thức pháp luật, ông Thanh cho rằng, ngoài việc phải xử lý cưỡng chế dứt điểm theo Quyết định của UBND quận Tây Hồ; thì cần phải làm rõ và xử lý những cá nhân đã không ngăn chặn vi phạm kịp thời, không kiên quyết thực hiện quyết định cưỡng chế, có dấu hiệu bao che trong vụ việc này. “Vi phạm này không chỉ gây nên tình trạng “nhờn luật”, mất lòng tin mà còn gây ra thiệt hại không nhỏ cho cả chủ đầu tư và Nhà nước”, ông Thanh nói.

Vi phạm tồn tại qua 2 năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” của Hà Nội

Mới đây, tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII, Bí Thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2022, TP tiếp tục thực hiện chủ đề công tác là năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Qua đó, sẽ tập trung khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém, tạo sự chuyển biến căn bản trong lĩnh vực quy hoạch, trật tự xây dựng, đất đai và khoáng sản…

Thành ủy Hà Nội nhìn nhận, công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng còn nhiều hạn chế, yếu kém, phát sinh nhiều vụ việc vi phạm. Để khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, đất đai và khoáng sản, Ban Thường vụ Thành ủy đã giao Ban cán sự đảng UBND TP xây dựng 2 Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, công tác quản lý trật tự đô thị và trật tự xây dựng; về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong công tác quản lý đất đai và khai thác khoáng sản.

Đọc thêm