Bỗng dưng bị thu đất
Năm 1996, khi việc trồng, sản xuất chè trên địa bàn huyện Thanh Sơn không đạt hiệu quả kinh tế, Công ty chè Phú Sơn (nay là Công ty chè Phú Đa) đã quyết định bán và giao khoán cho 8.980m2 đất chè cho ông Nguyễn Hùng Sơn (xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ). Hai bên cùng ký kết Hợp đồng giao khoán đất đã trồng cây lâu năm số 323/HĐKT ngày 16/11/1996 có thời hạn giao đất 50 năm.
Hợp đồng nêu rõ, quyền lợi và trách nhiệm của các bên, trong đó nêu rõ quyền lợi, nghĩa vụ của bên nhận khoán (ông Sơn) được sản xuất, được trồng xen, được làm công trình phụ vụ cho sản xuất trên đất… và không phải giao nộp sản phẩm cho bên giao khoán. Thay vào đó, ông Sơn phải thực hiện việc mua lại toàn bộ số cây chè đang tồn tại trên đất được giao.
Vì vậy, sau khi ký kết, ông Nguyễn Hùng Sơn đã nộp cho Công ty chè Phú Sơn 6.295.080 đồng, tương ứng với giá trị của tài sản trên đất. Công ty này cũng thực hiện việc bàn giao đất và tài sản trên đất cho gia đình ông Sơn quản lý, sử dụng.
Sau khi ông Sơn mất, bà Cao Thị Hà (vợ ông Sơn) được thừa kế, tiếp nhận quyền sử dụng tài sản và 8.980m2 đất nêu trên từ đó cho đến nay. Năm 2016, khi nhận thấy diện tích chè trồng từ những năm 70 đã quá cỗi, năng suất kém, gia đình bà Hà đã tiến hành nhổ bỏ và trồng mới.
Tuy nhiên, khi vừa trồng mới được một thời gian thì gia đình bà Hà bị Công ty chè Phú Đa (Công ty Phú Đa) khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Thanh Sơn, yêu cầu gia đình bà Hà phải trao trả đất và đền bù thiệt hại vì tự ý phá dỡ vườn chè cũ. Sau khi tiếp nhận vụ án, TAND huyện Thanh Sơn đưa ra xét xử và ra Bản án số 01/2019/DS-ST tước bỏ quyền sử dụng 8.980m2 đất trồng chè của gia đình bà Hà, khiến bà Hà vô cùng sửng sốt…
Không đền bù vẫn đòi quyền sở hữu
Theo tìm hiểu của phóng viên, để có nguồn nguyên liệu phục vụ cho việc liên doanh chế biến, sản xuất chè, UBND tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định số 570/QĐ-UB ngày 5/2/2002 về việc thu hồi toàn bộ diện tích đất của công ty chè Phú Sơn, xí nghiệp chè Tân Phú, xí nghiệp chè Thanh Niên để giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Phú Đa.
Thực hiện quyết định này, UBND tỉnh Phú Thọ, Tổng Công ty Chè Việt Nam đã có các văn bản hướng dẫn Công ty Phú Đa thực hiện các thủ tục thu hồi, đền bù, giao khoán lại cho các hộ dân đã được giao khoán theo Nghị định 01/CP năm 1995. Đặc biệt, các hộ đã trả 1 lần hết các giá trị khoán phải thỏa thuận hợp tình, hợp lý.
Thế nhưng, Công ty Phú Đa đã không thực hiện việc thông báo, đền bù, giao khoán lại hợp đồng với gia đình bà Cao Thị Hà. Tại phiên tòa sơ thẩm dân sự TAND huyện Thanh Sơn, mặc dù không có tài liệu chứng minh, đại diện Công ty chè Phú Đa cho rằng gia đình bà Cao Thị Hà không chịu nhận tiền đền bù và cũng không ký lại hợp đồng giao khoán. Do gia đình vẫn thực hiện bán chè búp tươi cho Công ty Phú Đa nên Công ty không có ý kiến. Thế nhưng, Hội đồng xét xử (HĐXX) vẫn nhận định lời kể của Công ty chè Phú Đa là có căn cứ, cơ sở pháp lý.
Bình luận về việc, ông Đoàn Duy Hưng - (Người thừa ủy quyền của bà Cao Thị Hà) cho biết: “Đó là sự bịa đặt trắng trợn, thực tế, suốt từ khi Công ty Phú Đa được thành lập cho đến nay, gia đình tôi không thực hiện trao đổi, mua bán theo hợp đồng giao khoán. Bởi gia đình tôi không có nghĩa vụ phải cung cấp, bán chè búp cho Công ty Phú Đa. Điều đó thể hiện rõ trong việc Công ty Phú Đa không có hồ sơ, hóa đơn thể hiện việc mua bán chè với gia đình tôi. Như vậy, lời trình bày tại tòa là bịa đặt, không có căn cứ pháp lý nhưng TAND huyện Thanh Sơn vẫn lấy đó làm căn cứ, nhận định tiến trình phát triển của sự việc. Điều đó dẫn đến những lý luận tai hại, tạo nên một bản án bất minh, không đảm bảo được được quyền lợi hợp pháp của bị đơn”.
Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Chương – Cố vấn Tổng Giám đốc Công ty Phú Đa cho biết: “Không phải công ty không thực hiện việc đền bù, thu hồi và giao khoán lại vườn chè, mà gia đình bà Cao Thị Hà không chịu nhận tiền khấu hao, không bàn giao vườn chè lại cho công ty. Thời điểm đó, có nhiều vấn đề, các hộ dân vẫn trồng chè, bán chè cho công ty nên chúng tôi cũng không gắt gao, thực hiện triệt để việc thu hồi cũng như bàn giao lại việc thuê khoán”.
Như vậy, Công ty Phú Đa đã không thực hiện thành công việc thu hồi, đền bù, hay thực hiện giao khoán lại diện tích trồng chè của Công ty Phú Sơn đã giao khoán cho gia đình bà Cao Thị Hà từ năm 1996. Điều đó, đồng nghĩa với việc giá trị hợp đồng giao khoán năm 1996 vẫn có hiệu lực… Vì vậy, liệu Công ty chè Phú Đa có thật sự là đơn vị được quyền sở hữu vườn chè?
Có dấu hiệu sửa chữa hợp đồng?
Theo ông Đoàn Duy Hưng, tại phiên tòa, Công ty Phú Đa đã cung cấp bản phô-tô Hợp đồng giao khoán diện tích trồng chè năm 1996 giữa công ty chè Phú Sơn và ông Nguyễn Hùng Sơn. Đây là 1 trong 2 hợp đồng mà bên giao khoán và bên nhận khoán đã lập năm 1996. Tuy nhiên, điều đáng ngờ là Hợp đồng giao khoán của Công ty chè Phú Đa có nội dung khác biệt hoàn toàn bản sao hợp đồng của gia đình bà Cao Thị Hà.
Cụ thể, việc giao khoán của Công ty chè Phú Đa đối với ông Nguyễn Hùng Sơn có nội dung hàng năm gia đình ông phải có nghĩa vụ, trách nhiệm bán đủ số lượng chè búp cho công ty. Trong khi đó, hợp đồng của gia đình bà Cao Thị Hà lại có nội dung chỉ thanh toán 1 lần bằng tiền là hơn 6 triệu đồng.
Nghi ngờ có dấu hiệu làm giả hồ sơ, phía bị đơn Cao Thị Hà đã đề nghị Công ty chè Phú Đa mang giấu tờ gốc ra so sánh, đối chiếu. Tuy nhiên, Công ty chè Phú Đa không thực hiện được.
Điều đáng nói, HĐXX không hoãn phiên tòa để kiểm tra mà tiếp tục xét xử và tuyên án một cách vội vã. Điều này, không những làm ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của công dân, mà còn vi phạm nghiêm trọng quy tắc tố tụng.
Để làm rõ việc này, phóng viên Báo PLVN đã tiến hành kiểm tra Hợp đồng giao khoán gốc năm 1996 của ông Nguyễn Hùng Sơn và Công ty chè Phú Sơn. Qua đó nhận thấy, hợp đồng của gia đình bà Hà (vợ ông Sơn) lưu có nhiều điểm có nội dung khác với hợp đồng bản sao mà phía Công ty chè Phú Đa giao cho tòa án xem xét…
Cụ thể, tại mục C, Điều 3 Quyền và nghĩa vụ của bên nhận khoán mà Công ty chè Phú Đa nộp cho tòa án có nội dung sửa chữa, thêm thắt việc bán sản phẩm sản xuất trên đất nhận khoán cho bên giao khoán số lượng 6.708kg chè búp theo giá từng thời điểm. Tuy nhiên, trên hợp đồng gốc mà gia đình bà Cao Thị Hà giữ không có nội dung này.
“Điểm C bị sửa chữa trong phần ngoặc đơn từ nội dung đơn vị đo lường: (tấn, tạ, kg) nhưng Công ty chè Phú Đa đã lợi dụng việc giao nộp hồ sơ phô-tô để sửa chữa thành số liệu kg chè mà gia đình phải nộp, bán cho công ty. Điều này, chứng tỏ công ty chè Phú Đa đã lợi dụng sơ hở, cố tình làm giả hợp đồng nhằm chiếm đoạt diện tích đất trồng chè đã được giao khoán 50 năm”, bà Hà nhận định.
Về việc này, ông Nguyễn Mạnh Chương – Cố vấn Tổng Giám đốc Công ty chè Phú Đa cho rằng: “Không có chuyện sửa chữa hợp đồng. Hợp đồng có nội dung như thế nào là do Công ty chè Phú Sơn để lại, chúng tôi không thay đổi điều gì. Nếu có vấn đề gì thì tòa đã yêu cầu giám định.”
Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị được xem bản hợp đồng gốc, thì ông Chương nói rằng: Hợp đồng đã cất vào trong két, kế toán giữ chìa khóa nên không lấy ra được (!?).
Phó Chánh án TAND huyện Thanh Sơn thiếu hiểu biết pháp luật, cản trở báo chí tác nghiệp
Sau nhiều ngày liên hệ, ngày 26/3/2019, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Khắc Vĩnh - Phó Chánh án TAND huyện Thanh Sơn. Ông Vĩnh cũng chính là Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa vụ án nêu trên. Tại buổi làm việc, ông Vĩnh không cung cấp bất cứ thông tin nào với lý do phóng viên không có thẻ nhà báo thì không đủ điều kiện làm việc. Trong khi đó, phóng viên đã trình giấy giới thiệu với nội dung làm việc cụ thể từ trước đó, phía tòa án đã tiếp nhận và sắp xếp buổi làm việc hôm nay.
Việc này đã thể hiện việc nhận thức pháp luật của Phó Chánh án TAND huyện Thanh Sơn còn chưa đủ đầy, hay nói cách khác là thiếu hiểu biết pháp luật. Bởi, Nghị định 159/2013/NĐ-CP, ký ngày 12/11/2013, đã ghi nhận và bảo hộ quyền tác nghiệp của phóng viên chưa có thẻ Nhà báo. Điều 7 Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định rõ các mức xử phạt khi cản trở phóng viên, nhà báo tác nghiệp.