Công ty CP Mai Linh Đông Đô nợ tiền tỷ BHXH, BHYT: Cần xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu

(PLO) - Đây là ý kiến của Luật sư Vi Văn Diện xung quanh vấn đề Công ty CP Mai Linh Đông Đô nợ BHXH, BHYT của hàng trăm người lao động.
Công ty CP Mai Linh Đông Đô nợ tiền tỷ BHXH, BHYT của hàng trăm người lao động. Ảnh minh hoạ

Bị bêu tên nhiều lần...

Sau khi bị Bảo hiểm xã hội Hà Nội "bêu tên" vì nợ tiền tỷ BHXH, BHYT của hàng trăm người lao động trong tháng 9/2017. Mới đây, theo thông tin từ BHXH Hà Nội Công ty CP Mai Linh Đông Đô (địa chỉ 499 đường Lương Thế Vinh, Phường Mễ Trì, Quận Nam Từ Liêm) lại tiếp tục góp mặt trong danh sách 500 doanh nghiệp chây ì đóng BHXH, BHYT cho người lao động.

Theo đó, tính đến ngày 30/11/2017 Công ty CP Mai Linh Đông Đô 3,9 tỷ đồng tiền BHXH, BHYT của 333 người lao động với số nợ 7 tháng.

Trước đó, tính đến ngày 30/9/2017 Công ty CP Mai Linh Đông Đô còn nợ gần 5 tỷ đồng tiền BHXH, BHYT của 434 người lao động, với số tháng nợ là 7 tháng.

Như vậy sau nhiều tháng bị BHXH Hà Nội nhắc nhở Công ty CP Mai Linh Đông Đô vẫn chưa trả đủ nợ tiền BHXH, BHYT cho người lao động.

Trước đó, trao đổi qua điện thoại với phóng viên Pháp Luật Plus ông Nguyễn Công Hùng - Phó tổng Giám đốc phụ trách vận tải Công ty CP Mai Linh Đông Đô cho biết: Hiện Công ty mới tách ra nên gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh, đơn vị cũng đã có công văn và làm việc với Bảo hiểm xã hội quận Hoàng Mai, hiện bên Công ty cũng đang huy động nguồn tiền để thanh toán khoản nợ BHXH này.

Cần xem xét xử lý nghiêm

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp luật, luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: "Xét về góc độ luật pháp, pháp nhân thương mại có hành vi không đóng hoặc không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động với mức định lượng vi phạm về thời gian là 06 tháng trở lên và “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” thì đã có dấu hiệu cấu thành tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Trường hợp Công ty CP Mai Linh Đông Đô mặc dù đã nợ 3,9 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của 333 người lao động, tính đến 30/11/2017 với thời gian nợ đã là 7 tháng, nhưng công ty này đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi này hay chưa? Cần phải làm rõ. Do đó, công ty chưa bị xem xét, khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015.

Tuy nhiên, xét mức độ vi phạm là nghiêm trọng, các cơ quan chức năng như thanh tra cần thiết phải vào cuộc xác minh, điều tra và cần có quyết định xử lý buộc đơn vị này phải nộp BHXH, BHYT cho người lao động và nộp phạt vi phạm hành chính.Trong trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi nợ bảo hiểm mà công ty vẫn còn tái phạm thì căn cứ vào Điều 216, công ty sẽ bị xử lý theo mức xử phạt đối với pháp nhân thương mại tại điểm c, khoản 5 Điều này, với số tiền là 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.

Người đại diện theo pháp luật của công ty còn có thể bị xử phạt theo quy định tại khoản 4 Điều này: “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Trong trường hợp pháp nhân thương mại bị truy cứu trách nhiệm theo Điều 216 BLHS thì :Đối với hình phạt xử phạt vi phạm hành chính thì Công ty Cổ phần Mai LinhĐông Đô phải dùng tài sản của công ty để chấp hành hình phạt. Đối với hình phạt tù (nếu có) thì người phạm tội phải chấp hành hình phạt đó".

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến BHXH, BHYT tháng 11/2017, ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó BHXH, Bộ LĐ-TB-XH cho biết: Để lách luật không phải đóng BHXH, BHYT đã xuất hiện tình trạng các hãng taxi khoán xe cho tài xế và không có hợp đồng lao động. Về vấn đề này, để lách luật không phải đóng BHXH cho người lao động, một số doanh nghiệp chuyển hình thức từ hợp đồng lao động sang hình thức hợp đồng kinh tế, thuê khoán. Rõ nhất là các doanh nghiệp taxi. Như vậy, doanh nghiệp không phải đóng BH cho người lao động mà vẫn thu được lãi suất cao.

Cũng tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, theo quy định mới của Bộ luật Hình sự, hành vi trốn đóng BHXH sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Từ 1/1/2018, khi Bộ luật Hình sự có hiệu lực thì các doanh nghiệp cố tình vi phạm sẽ phải chuyển hồ sơ cho cơ quan công an và tòa án xử lý.

Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi nợ BHXH, BHYT của người lao động để đảm bảo quyền lợi người lao động và an sinh xã hội.

Điều 216. Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động

1. Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

c) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người;

d) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;

c) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.

Đọc thêm