Công ty du lịch chật vật cầm cự giữa mùa dịch

0:00 / 0:00
0:00
Mọi năm thời điểm này là cao điểm ngành du lịch, nhưng khoảng 2 năm trở lại đây do ảnh hưởng dịch Covid-19, lượng khách giảm, trong khi vẫn phải trang trải chi phí duy trì khiến các doanh nghiệp du lịch chật vật cầm chừng.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Khách vắng, doanh thu giảm, cổ đông thoái vốn

Bốn năm trước, anh Bùi Văn Vinh (37 tuổi) cùng 2 người bạn mở công ty du lịch ở TP Việt Trì (tỉnh Phú Thọ). Mỗi lần anh nhận khách đoàn khá lớn có đoàn 70 người, đoàn nhiều lên tới 120 khách.

Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 xuất hiện, không chỉ 1 lần khiến doanh nghiệp của anh gặp nhiều khó khăn. Anh Vinh cho biết, nhiều đoàn đặt tour nay đã hủy hàng loạt và yêu cầu hoàn tiền. Trường hợp huỷ tour, không thương lượng được với đối tác (khách sạn, nhà hàng, xe…), anh Vinh cho biết khách phải chịu thiệt phần đặt cọc. “Đối tác bên công ty làm việc thì họ cho bảo lưu tiền, nếu có đoàn sau họ sẽ trừ vào khoản đó”, anh chia sẻ.

Khó khăn do khách huỷ tour, các đoàn khách đã đặt vé máy bay nay phải dời ngày nhưng các hãng hàng không lại hỗ trợ chậm. Không chỉ vậy, thời gian dịch bệnh, công ty của anh Vinh không phát sinh đoàn mới vì tâm lý khách bị dao động khiến nguồn thu nhỏ giọt.

Khách vắng, doanh thu giảm nhưng hàng tháng công ty du lịch vẫn phải tốn kém chi phí duy trì như tiền thuê mặt bằng, trả lương nhân viên, vay ngân hàng khiến công ty của anh Vinh đã khó càng khó hơn. Thậm chí có cổ đông đã thoái vốn.

Thời gian tới, anh Vinh cho biết sẽ tập trung xử lý các đoàn còn tồn, chờ diễn biến của dịch để tiếp tục kinh doanh. Trong khi đó, anh cho biết cũng phải kiếm tiền để duy trì cuộc sống. Thế nhưng dự định đi buôn vải thiều của anh cũng không thành khi Bắc Giang đang là điểm nóng của đợt dịch lần này. Anh mong nhà nước có chính sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp du lịch như của anh.

Trong khi đó, một công ty du lịch tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) trước đây chủ yếu là nhận khách nước ngoài đi tour. Nay tình hình dịch bệnh ảnh hưởng nhiều đến doanh thu, thậm chí công ty hoạt động cầm chừng khi cắt giảm 80% nhân sự, chỉ giữ lại những người chủ chốt và trả lương gốc. Còn khi nào có khách đặt công ty mới gọi hướng dẫn viên và trả tiền tiền theo tour.

Theo khảo sát mới đây của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), khoảng 18% doanh nghiệp trong ngành du lịch đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc, 48% doanh nghiệp cho 50-80% nhân viên nghỉ việc và 75% doanh nghiệp có hình thức hỗ trợ tài chính đối với số người lao động mất việc.

Thay đổi để thích nghi

Cũng bị ảnh hưởng do tình hình dịch COVID-19 nhưng công ty Hanoi Tourism lại quan niệm phải thay đổi mới phát triển được.

Chị Nhữ Thị Ngần – Tổng giám đốc công ty Hanoi Tourism cho biết dịch bệnh công ty gặp khó khăn về tài chính để duy trì hoạt động và giữ nhân sự. Đợt dịch trước đó, công ty bỏ tiền đầu tư vé và dịch vụ nhưng khi dịch lần này bùng phát trở lại tiền vốn bị bảo lưu, không được rút ra, công ty cũng không có doanh thu.

Đã gần 2 năm công ty phải bỏ tiền túi trả lương cho nhân viên, theo chị Ngần, nhân sự ngày càng nản, có nhiều người bỏ nghề. “Lần trước, công ty thuyết phục và động viên nhân viên mới đồng ý làm, còn lần này họ nản nên bỏ làm nghề khác. Tiền đã khó, không có nhân sự giỏi thì càng khó mà làm tốt”, nữ doanh nhân nói.

Dù khó khăn nhưng chị Ngần chia sẻ, công ty phải thay đổi để thích nghi với tình hình mới. Hiện nay công ty tập trung đào tạo nâng cấp và cải tạo hế thống dữ liệu, các ứng dụng 4.0 để thay các cách thức thủ công cũ. Đây là hướng duy nhất để công ty tiếp tục tồn tại.

Về kế hoạch thời gian tới, chị Ngần cho biết công ty phát triển 3 mảng: Lữ hành- trải nghiệm dịch vụ du lịch xanh, thân thiện với môi trường; đào tạo nghề thực hành cho sinh viên ngành du lịch và dự án du lịch cộng đồng trải nghiệm bảo vệ môi trường tự nhiên, văn hóa bản địa, sản phẩm du lịch kết hợp giáo dục kĩ năng mềm cho các nhóm học sinh, sinh viên giai đoạn hè.

“Công ty cũng xác định phải tìm cách giữ chân nhân sự giỏi để hoạt động ổn định. Dịch còn nhiều thì làm nội địa xanh, chuẩn bị sẵn sàng cho sản phẩm quốc tế, làm mới lại hết sản phẩm để kịp đón khách khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Doanh nghiệp buộc phải vận động không ngừng để thích nghi. Theo tôi khi nhân viên thấy công ty năng động, chuyển đổi linh hoạt và hiệu quả thì họ sẽ tin cậy và an tâm gắn bó”, Tổng giám đốc công ty Hanoi Tourism khẳng định.

Đọc thêm