Ảnh hưởng của người nổi tiếng
Travel blogger giờ đây được cho là “nghề hot” trong giới trẻ, bởi vừa giúp người trẻ du lịch thỏa thích lại có thể kiếm tiền hay nổi tiếng. Tuy nhiên, đằng sau trào lưu này là nhiều câu chuyện dở khóc dở cười.
Mới đây, vụ việc hai nghệ sĩ Quang Vinh và Phạm Quỳnh Anh ngồi lên khối san hô tại bãi biển thuộc đảo Phú Quốc đã khiến dư luận cùng các tổ chức bảo vệ môi trường phải lên tiếng. Trong một clip quay lại chuyến du lịch của Quang Vinh có hình ảnh hai người ngồi trên một “tảng đá”. Tuy nhiên, khán giả tinh mắt đã phát hiện ra “tảng đá” ấy chính là một cụm san hô trên biển.
Khi clip này được chia sẻ rộng rãi trên mạng, hai nghệ sĩ không chỉ nhận sự chỉ trích từ khán giả mà ngay cả những tổ chức bảo vệ môi trường như Trung tâm Cứu hộ sinh vật biển thuộc nhóm Cứu hộ sinh vật biển hoang dã SASA (SST), Journey of Youth (JOY), một tổ chức phi lợi nhuận… cũng đã lên tiếng.
Tổ chức JOY đã đăng tải hình ảnh của hai nghệ sĩ trên Fanpage chính thức cùng bài viết: “Có thể hai nhân vật ở đây chỉ là nạn nhân của tour du lịch này, nhưng không thể bao biện cho sự thiếu hiểu biết. Hãy nói không với những hình thức du lịch phá hoại, vì sự an toàn của chính các bạn cũng như bảo tồn môi trường”. Trước sức mạnh dư luận, hai nghệ sĩ đã hạ clip trên, đồng thời xin lỗi vì hành động của mình.
Điều đáng nói, Quang Vinh chính là một Vlogger chuyên về trải nghiệm du lịch, đã có rất nhiều clip hướng dẫn cách đi du lịch trong và ngoài nước. Kênh Youtube của Quang Vinh có trên 200 ngàn lượt theo dõi, đồng thời anh cũng được bình chọn vào top những nhân vật có ảnh hưởng nhất về du lịch trên mạng xã hội.
Quang Vinh và Phạm Quỳnh Anh ngồi lên khối san hô trong một clip du lịch. |
Trước đó, Quang Vinh cũng từng tham gia vào một nhóm tình nguyện trồng san hô tại một bãi biển trong nước. Chính vì vậy, hành động của anh cũng như nhiều nghệ sĩ khác càng được dư luận quan tâm và các tổ chức bảo vệ môi trường e ngại sẽ có ảnh hưởng đến nhận thức của cộng đồng người đi du lịch.
Loạn “hướng dẫn viên online”
Việt Nam vẫn có những travel blogger cá tính, xây dựng riêng cho mình kênh du lịch có trách nhiệm, có chiều sâu, mở rộng phạm vi ra quốc tế như Tâm Bùi, Khoai Lang thang, Hằng Đinh, Trần Quang Đại, Lê Trung Kiên, Trần Lê Ngọc Thắng... Nhưng vẫn có những người mượn danh hướng dẫn du lịch để trục lợi, để theo đuổi ảo tưởng về một nghề “sang chảnh”.
Nhiều bạn trẻ “võ vẽ” chỉ có công cụ là điện thoại di động cùng tài khoản youtube đã nuôi mộng làm travel blogger. Họ cho rằng đây là một nghề có cuộc sống an nhàn, được đi nhiều trên thế giới, được ở những nơi sang trọng, diện những bộ trang phục lộng lẫy và chụp hình “sống ảo” ở khắp nơi.
Mượn danh làm “blog du lịch” cho “sang”, để được ăn ở miễn phí tại nhiều điểm đến, còn kiếm được tiền từ kênh mạng xã hội, đó là sức hút của blogger du lịch với nhiều người trẻ và là lý do khiến những người tự xưng travel blogger tràn lan trên mạng.
Nhiều bạn trẻ, thậm chí cả người nổi tiếng đã lao vào cuộc chơi “travel blogger” và không ít người thất bại nặng nề khi va chạm thực tế. Nhiều blogger du lịch hiện nay, thay vì cung cấp kiến thức, trải nghiệm điểm đến hấp dẫn cho người xem thì chỉ đưa vào nội dung clip những cách hưởng thụ thiếu văn hóa, bị ví như “nồi lẩu thập cẩm”.
Không có thông tin hữu ích, một số blogger đã chọn cách đăng tin “sốc” để “câu” người xem. Có người chuyên đăng ảnh “nóng” với bikini từ bãi biển đến bến sông. Có người đưa thông tin về các chuyện giật gân ở các vùng quê, ngõ xóm... Hay có người chỉ đăng những hành trình ăn chơi xa xỉ của cá nhân...
Mặt khác, tình trạng các blogger làm du lịch nhưng thiếu văn hóa ứng xử trong các nội dung “hướng dẫn” người xem cách đi du lịch đã gây phản cảm trong dư luận. K.P, một vlogger có tiếng trong nước chuyên về mảng du lịch cũng đã có những clip bị nhiều người xem trong nước và ngoài nước “ném đá” vì cách ứng xử của mình.
Trong một clip, anh này quay cảnh nữ nhân viên phục vụ tại một nhà hàng sushi, kèm theo những bình luận phản cảm. Một số clip khác quay cảnh anh này đi du lịch nhiều nơi với cách hành xử bị nhiều người đánh giá là “bỗ bã”, “cãi tay đôi” với nhân viên phục vụ hay “đốt tiền” khoe khoang mua sắm.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong thời đại mở của công nghệ thông tin, không thể cấm cản bất kì ai theo đuổi trào lưu travel blogger nếu không vi phạm pháp luật. Điều quan trọng là mỗi người tự có bộ lọc khi tiếp nhận các thông tin, lựa chọn những kênh thông tin hữu ích để không bị cuốn theo cách hành xử thiếu chuẩn mực của người khác.
Travel blogger Trần Lê Ngọc Thắng:
“Để trở thành blogger du lịch, phải làm, phải tự tìm tòi nghiên cứu trước mỗi chuyến đi, phải tìm hiểu về địa điểm, con người, văn hoá ở mỗi vùng đất họ định đến. Cạnh đó còn phải chuẩn bị cả đồ nghề như máy ảnh, máy quay, gopro flycam... để có thể lưu lại những hình ảnh đẹp nhất.
Muốn viết hay, thu hút người đọc, thì phải có vốn sống, có cái chất riêng, cái chất này nó được hình thành nên từ những chuyến đi đầy gian nan, khó khăn. Ngoài ra, để trở thành một blogger thì Thắng cũng đồng tình với mọi người đó là cần sự cam đảm và có đủ đam mê. Bởi blogger du lịch không chỉ chia sẻ kinh nghiệm du lịch, họ còn là người tiên phong khám phá những vùng đất mới, những nơi ít người dám đặt chân tới.
Cần đủ đam mê là để luôn nhắc nhở bản thân mình rằng mình không được lùi bước trước khó khăn, mình cần phải tự kiếm tiền nhiều hơn nữa để đi được nhiều hơn. Hãy coi việc trở thành một blogger du lịch sẽ giúp mình mở rộng tầm mắt, có nhiều vốn sống, chứ không phải để kiếm tiền từ cái nghề này”.