Công ty Hanel bị “tố” nhiều sai phạm khi thực hiện thoái vốn nhà nước

(PLO) - Không thực hiện cổ phần hóa đúng thời hạn, không thực hiện đăng ký công ty đại chúng thời hạn 90 ngày sau khi cổ phần hóa, không lên sàn upcom trong thời hạn 1 năm theo quy định niêm yết bắt buộc về niêm yết với công ty Nhà nước cổ phần hóa, không công bố báo cáo thường niên, không chia cổ tức. Đó là những vi phạm đang diễn ra tại Công ty cổ phần Hanel bị cổ đông phản ánh đến Báo Pháp luật Việt Nam.
Văn phòng Thường trực của Hanel tại số 2 Chùa Bộc, phường Trung Tự, quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Văn phòng Thường trực của Hanel tại số 2 Chùa Bộc, phường Trung Tự, quận Đống Đa, TP. Hà Nội

Theo cổ đông phản ánh, cách đây 2 năm khi công ty Hanel đấu giá cổ phần hóa, có nhiều cán bộ công nhân viên của công ty Hanel và các công ty Chứng khoán ở bên ngoài tham gia mua cổ phần để trở thành cổ đông của Hanel.

Nhưng cho đến nay, Công ty Hanel có rất nhiều sai phạm trong quá trình thoái vốn, như: quyền lợi của cổ đông không được chia cổ tức, không nắm được thông tin hoạt động của công ty, không lên sàn upcom theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, không thực hiện cổ phần hóa đúng thời hạn, không thực hiện đăng ký công ty đại chúng theo quy định.

Trụ sở công ty Cổ phần Hanel
Trụ sở công ty Cổ phần Hanel 

Nhiều cổ đông cho rằng, trước đây Hanel lựa chọn hai nhà đầu tư chiến lược là công ty Cổ phần công nghệ Tiến Việt đăng ký mua 36% tổng số cổ phần và công ty Sebrina Holdings Ltd đăng ký mua 25% trong tổng số cổ phần của Hanel có dấu hiệu bất thường. Bởi tại thời điểm đó công ty Tiến Việt mới thành lập được một năm và dường như chưa có hoạt động gì nổi bật. Hơn nữa, theo quy định nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo về năng lực tài chính và hoạt động trong nhiều năm có doanh thu phải có lãi.  

Trao đổi với phóng viên, về những vấn đề mà cổ đông phản ánh, ông Nguyễn Quốc Bình, Chủ tịch HĐQT, Công ty Cổ phần Hanel, cho rằng:“lý do chậm cổ phần hóa là do chưa chọn được đối tác đầu tư chiến lược và chưa đủ 100 cổ đông mua cổ phần nên chưa lên sàn upcom. Vì theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội cần thoái 100% vốn nhà nước tại doanh nghiệp này. Do vậy càng lên sàn chậm thì càng tốt, vì đã lên sàn rồi thì mỗi lần thoái vốn chỉ được tối đa 35%”.

Nhưng theo pháp luật quy định, tại Điểm a, Khoản 1, Điều 14, Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg về việc đăng ký giao dịch và niêm yết thì trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp cổ phần hóa phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, đăng ký cổ phiếu để lưu ký tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Như vậy, giải thích từ phía đại diện Công ty Hanel liệu đã thuyết phục?

Còn về vấn đề cổ đông phản ánh Công ty Hanel không chịu chia cổ tức và báo cáo thường niên, ông Bình giải thích:“Cuối tháng 4 vừa rồi, Đại hội đồng cổ đông Công ty đã ra Nghị quyết về chia cổ tức nhưng do công việc bận quá nên có thể trong tháng 7 hoặc tháng 8 chúng tôi sẽ chia cổ tức theo Nghị quyết của phiên họp Đại hội đồng cổ đông. Hơn nữa theo Luật sau khi có Đại hội cổ đông thì trong vòng 6 tháng phải chuyển tiền cho cổ đông, tức là đến tháng 10 mới hết hạn.

Được biết, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2014 có vốn điều lệ 1.926 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay kiểm toán Nhà nước đang vào cuộc thẩm định lại toàn bộ giá trị tài sản của công ty Hanel tính đến thời điểm hiện tại. 

Về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Hanel cho biết, kiểm toán Nhà nước đang kiểm tra, thẩm định lại toàn bộ tài sản của Hanel tính đến thời điểm hiện tại để lựa chọn lại đơn vị tư vấn xác định giá và đơn vị tư vấn bán cổ phần, để cấp có thẩm quyền phê duyệt lại (tức là làm lại từ đầu). Hơn nữa, do phát sinh thêm số tiền đặt cọc của Công ty Sebrina Holdings Ltd không tham gia mua nên bị nhà nước thu hồi kiểm toán cũng sẽ làm rõ luôn.

Đối với vấn đề vì sao đến nay công ty vẫn chậm trễ trong việc thoái vốn, ông Bình giải thích là do UBND thành phố Hà Nội mới phê duyệt các đơn vị tư vấn để vào làm thoái vốn.

Được biết, ngày 22/5/2018, UBND thành phố Hà Nội có Văn bản về việc lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá khởi điểm và đơn vị tư vấn xây dựng phương án chuyển nhượng toàn bộ vốn nhà nước đầu tư tại công ty Cổ phần Hanel gửi Sở Tài chính, Công ty Cổ phần Hanel và người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty Hanel. Theo đó, UBND thành phố Hà Nội chấp thuận đề xuất của Sở Tài chính và người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty Cổ phần Hanel lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá khởi điểm là công ty TNHH Kiểm toán CPA Việt Nam và công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt và đơn vị tư vấn xây dựng phương án và thực hiện các thủ tục chuyển nhượng vốn nhà nước theo quy định.

Được biết, hiện nay chính thức cổ phần của ông ty Cổ phần Hanel bán ra mới chỉ xấp xỉ 2%. Trong đó, người mua có cả cán bộ nhân viên công ty và các công ty Chứng khoán ở bên ngoài, còn lại 97,93% là của nhà nước.

Như vậy, sau lần thất bại trong việc lựa chọn, thẩm định các nhà đầu tư chiến lươc trước, Hanel sẽ rút ra bài học và chịu trách nhiệm như thế nào?

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.

Đọc thêm