Công ty Mỹ muốn chi 12 tỉ USD dàn xếp các đơn kiện về thuốc giảm đau

(PLVN) - Hãng dược Mỹ Purdue Pharma và người sở hữu là gia đình Sackler đang thảo luận về việc chi từ 10 tỷ đến 12 tỷ USD để dàn xếp các đơn kiện chống lại công ty.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Reuters và AFP dẫn các nguồn tin cho biết, Purdue Pharma – hãng dược Mỹ chuyên sản xuất các loại thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid, trong đó có thuốc giảm đau Oxycotin từng là thuốc bán chạy nhất thế giới – hiện đang đối mặt với các đơn kiện cáo buộc công ty có trụ sở tại Stamford, bang Connecticut này đã tích cực tiếp thị theo hướng khiến những người kê đơn và người sử dụng các loại thuốc giảm đau nhóm oipoid bán theo toa hiểu lầm về rủi ro từ việc sử dụng kéo dài sản phẩm của hãng. 

Purdue trong một tuyên bố cho biết đang tích cực làm việc với chưởng lý và các nguyên đơn khác để đạt được một thỏa thuận nhằm giải quyết hàng nghìn đơn kiện yêu cầu công ty phải chịu trách nhiệm trong vấn nạn nghiện thuốc giảm đau tại Mỹ hiện nay.

Tuy hãng không nêu số tiền dự định bỏ ra cho việc dàn xếp nhưng theo một nguồn tin, đại diện của Purdue và gia đình Sackler hôm tuần trước đã tiến hành các cuộc thảo luận với các thành phố, quận và tiểu bang ở Mỹ về một thỏa thuận trị giá nhiều tỷ USD.

Việc thảo luận diễn ra tại thành phố Cleveland, bang Ohio. Một nguồn tin cho hay, Purdue đã đề xuất khoản bồi thường từ 10 - 12 tỷ USD. Nguồn tin cũng cho biết, các bên sẽ có hạn chót là ngày 30/8 tới để cập nhật cho thẩm phán liên bang về diễn tiến của việc thương thảo.

Trước đó, hồi tháng 3/2019, Purdue Pharma cũng đã bị buộc phải bồi thường 270 triệu USD cho bang Oklahoma của Mỹ sau khi bị cáo buộc góp phần làm bùng phát cuộc khủng hoảng lạm dụng thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid. Một thống kê cho biết, Purdue Pharma đang phải đối mặt tổng cộng hơn 700 vụ kiện liên quan tới việc quảng cáo, tiếp thị không trung thực, che giấu rủi ro việc điều trị những cơn đau mãn tính bằng thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid.

Trong đó, vào đầu tháng 5, 6 bang của Mỹ đã đâm đơn kiện công ty trên với cáo buộc hãng đã lừa dối người tiêu dùng khi thổi phồng những công dụng đặc trị, trong khi giảm nhẹ tác dụng phụ của thuốc giảm đau do công ty sản xuất, vi phạm các quy định về bảo vệ người tiêu dùng. Các đơn kiện cho rằng hành vi bất hợp pháp của công ty đã khiến cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid trên cả nước Mỹ ngày càng trầm trọng.

Purdue Pharma hồi tháng 2 đã thông báo ngừng các chiến dịch tiếp thị Oxycotin sau khi thực tế cho thấy phần lớn các bệnh nhân sử dụng thuốc của công ty để giảm đau đã nghiện thuốc như nghiện ma túy.

Theo Thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), trong vòng 20 năm qua, gần 400.000 người ở nước này đã tử vong vì dùng thuốc quá liều thuốc giảm đau nhóm opioid, bao gồm cả việc dùng thuốc theo đơn của bác sĩ hoặc dùng trái phép.

Trong năm 2017, theo thống kê của Viện Nghiên cứu lạm dụng dược phẩm Mỹ, hơn 70.000 người Mỹ đã tử vong do lạm dụng thuốc, trong đó có gần 48.000 người thiệt mạng vì sử dụng quá liều thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid.

Năm 2017, nước Mỹ đã phải chi 115 tỉ USD để điều trị cho những người nghiện opioid và chăm sóc những đứa trẻ có cha mẹ bị mất sức lao động hoặc tử vong vì opioid.

Mức độ nghiêm trọng của vấn đề thể hiện ở chỗ Tổng thống Donald Trump vào tháng 10/2018 đã phải ký một dự luật nhằm ngăn chặn đại dịch opioid.

Thẩm phán Thad Balkman ở bang Oklahoma, Mỹ ngày 26/8 cũng đã ra phán quyết yêu cầu một hãng dược lớn khác là Johnson & Johnson phải trả 572 triệu USD để giải quyết tác động của cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau nhóm opioid ở bang Oklahoma. Trong phán quyết, Thẩm phán Balkman cho rằng tiểu bang Oklahoma đã chứng minh rằng Johnson & Johnson đã tiếp thị và quảng bá sai về thuốc giảm đau Duragesic và Nucynta của công ty.

Đọc thêm