Công ty tài chính “hy sinh” lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng bởi dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tác động của dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nhiều ngành nghề gặp khó khăn, thu nhập của người lao động cũng sụt giảm… Đây cũng chính là phân khúc khách hàng của các công ty tài chính, không ít công ty tài chính cũng đang phải “hy sinh” lợi nhuận để miễn giảm lãi vay, hỗ trợ khách hàng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô quý I-2021 của Tổng cục thống kê cho thấy, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 3 tháng đầu năm 2021 giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 28,2% so với cùng kỳ; doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng 26,4%. Đây phần lớn là doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ, dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ bên ngoài. 

Doanh nghiệp gặp khó, thu nhập người lao động giảm

Số liệu cụ thể cho thấy, trong quý I-2021, cả nước có 40.300 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình mỗi tháng có 13.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. 

Đồng thời, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I-2021, do Tổng cục thống kê công bố cũng cho thấy, có 31,4% số doanh nghiệp được hỏi đánh giá gặp khó khăn so với quý IV-2020. Dự kiến quý II-2021 có 14,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn… Số doanh nghiệp cho rằng tình hình kinh doanh sẽ gặp khó khăn hơn gia tăng so với mức 24,7% của đợt khảo sát trước đó. 

Đối với những doanh nghiệp còn hoạt động trên thị trường, tình hình kinh doanh cũng rất khó khăn, đặc biệt là những lĩnh vực chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19. Như trong lĩnh vực du lịch, nhiều công ty du lịch phải tạm ngưng hoạt động; hàng loạt khách sạn quy mô 2-4 sao được rao bán… Không ít công ty hoạt động cầm chừng, duy trì doanh nghiệp nhưng cán bộ nhân viên phải nghỉ không lương hoặc nghỉ việc luôn, chuyển sang công việc khác, thu nhập bấp bênh.

Anh Thanh, hướng dẫn viên một công ty du lịch ở TP HCM, cho biết gần đây công ty bắt đầu có khách trở lại, anh mới có tour. Trước đó, anh cùng bạn bè phải nghỉ không lương ở nhà, chuyển sang bán hàng online, bạn bè anh cũng chạy xe công việc, làm đủ mọi việc để có tiền trang trải…

“Thu nhập sụt giảm mạnh, lại không đều như trước, nên chúng tôi cũng ít sắm sửa đồ công nghệ hoặc tiêu dùng không cần thiết như đổi điện thoại, máy tính…” - anh Dũng chia sẻ.

Tương tự, chị Hoa, nhân viên làm việc cho một công ty chuyên xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ ở Đồng Nai, cho hay công việc không còn nhiều do ảnh hưởng dịch Covid-19 như trước nên thu nhập của chị cũng sụt giảm. Nếu trước đây, chị thường sẵn sàng ra trung tâm điện máy vay trả góp ở các công ty tài chính như FE CREDIT, Home Credit, HD Saison… để mua điện thoại hoặc thiết bị điện tử cho gia đình. Nay chị phải cân nhắc, thắt chặt chi tiêu trong mùa dịch. 

Công ty tài chính “hy sinh” lợi nhuận vì khách hàng

Xu hướng tiết kiệm của người lao động không chỉ ở phân khúc thu nhập trung bình, thấp, mà cả với những nhân viên văn phòng, cán bộ công chức có thu nhập khá. Nhiều người lao động cũng không còn thu nhập dư dả cho việc mua sắm, tiêu dùng đang tác động không nhỏ đến phân khúc cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính.

Thời gian qua, thị phần của nhóm công ty tài chính tiêu dùng trong tổng tín dụng tiêu dùng đã tăng đáng kể, từ mức 1% năm 2011, lên mức 16,3% năm 2020. Tính đến cuối năm 2020, đã có 16 công ty tài chính đăng ký hoạt động, với tổng vốn điều lệ khoảng 22 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau giai đoạn “vàng” 2014-2019 với tốc độ tăng trưởng kép khoảng 35%/năm, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã tăng trưởng chậm lại trong năm 2020 và tiếp tục được dự báo khó bứt tốc trong năm 2021 do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Tác động của dịch bệnh cũng khiến thu nhập của người lao động ở nhiều phân khúc sụt giảm, trong đó có nhóm đối tượng khách hàng chính của các công ty tài chính. Chưa kể, một số công ty cũng triển khai chương trình miễn, giảm lãi, phí để hỗ trợ khách hàng tái cơ cấu khoản vay và hoãn thanh toán, miễn phí phạt trả chậm… 

Đơn cử như FE CREDIT, trong điều kiện khó khăn chung của thị trường tài chính tiêu dùng bởi tác động tiêu cực của dịch Covid-19, công ty đã nhanh chóng đưa ra các chính sách hỗ trợ khách hàng. FE CREDIT đã miễn giảm lãi cho hơn 250.000 khách hàng hiện hữu, chia nhỏ các khoản thanh toán cho khách hàng có khó khăn về tài chính, chấp nhận hoãn việc thanh toán trong 3 tháng, đồng thời xem xét miễn giảm phí chậm thanh toán đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Đến nay, FE CREDIT đã hỗ trợ thành công cho tương đương 5% số khách hàng hiện hữu với tổng khoản vay trị giá 4.000 tỉ đồng.

Với những hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng sớm vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, cộng thêm việc từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước cũng liên tục có chỉ đạo yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận để phấn đấu giảm lãi vay, phí nhằm hỗ trợ khách hàng, khiến một số công ty tài chính đạt kết quả kinh doanh khiêm tốn hơn kì vọng.

Đọc thêm