Công ty Thanh Bình có dấu hiệu vi phạm trong thực hiện dự án cải tạo di tích ở Đông Anh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sử dụng vật liệu xây dựng không đúng chủng loại được quy định tại hồ sơ mời thầu ( HSMT); sử dụng nhân sự trùng nhau để tham gia dự thầu, nhưng Công ty TNHH tập đoàn xây dựng Thanh Bình vẫn trúng thầu một số dự án trên địa bàn huyện Đông Anh.
Công ty Thanh Bình có dấu hiệu vi phạm trong thực hiện dự án cải tạo di tích ở Đông Anh

Ngày 11/6/2020 chủ tịch UBND xã Liên Hà, huyện Đông Anh (Hà Nội) ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu xây lắp tu bổ, tôn tạo di tích nghè Châu Phong, xã Liên Hà. Giá trúng thầu hơn 8,3 tỷ đồng cho Công ty Thanh Bình.

Sau đó, ngày 21/10/2020 công ty Thanh Bình tiếp tục được lựa chọn là nhà thầu thi công gói thầu tu bổ, tôn tạo di tích đình Lễ Pháp, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh. Giá trúng thầu là hơn 9,3 tỷ đồng.

Mặc dù, Thông tư 13/2017/TT-BXD quy định, tại Thành phố Hà Nội 100% các công trình xây dựng dân dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước phải sử sử dụng vật liệu xây (gạch) không nung. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, mà trong hồ sơ mời thầu (HSMT) cả 2 công trình kể trên, chủ đầu tư lại yêu cầu nhà thầu sử dụng gạch chỉ nung để xây móng và tường.

Công trường thi công tu bổ, tôn tạo di tích đình Lễ Pháp, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.
 Công trường thi công tu bổ, tôn tạo di tích đình Lễ Pháp, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.

Thêm nữa, tại gói thầu tu bổ, tôn tạo di tích đình Lễ Pháp, UBND xã Tiên Dương không đăng tải Báo cáo đánh giá HSDT theo mẫu được quy định tại Điều 1, Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT về đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu và Điều 3, Thông tư 05/2018/TT-BKHĐT quy định chi tiết về việc lập báo cáo đánh giá HSDT đối với các gói thầu tổ chức lựa chọn nhà thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Việc chỉ đăng tải báo cáo đánh giá tóm tắt tổng hợp không thể hiện rõ tính minh bạch theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, gói thầu này là gói thầu tu bổ, tôn tạo di tích nhưng trong HSMT chủ đầu tư lại không yêu cầu nhân sự chủ chốt (chỉ huy trưởng) phải có chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích.

Không chỉ vậy, trong hồ sơ dự thầu (HSDT) cả 2 gói thầu trên, nhà thầu kê khai nhân sự Đỗ Quyết Tiến là nhân sự chủ chốt, trong khi hai gói thầu này trùng thời gian thực hiện thi công.

Việc làm này của công ty Thanh Bình có dấu hiệu vi phạm Thông tư số 03/2017/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cụ thể là quy định về việc “Nhà thầu không được kê khai những nhân sự, thiết bị đã huy động cho gói thầu khác có thời gian làm việc trùng với thời gian thực hiện gói thầu này. Trường hợp kê khai không trung thực thì nhà thầu sẽ bị đánh giá là gian lận”.

Ngoài ra, đây cũng là hành vi có dấu hiệu vi phạm một trong những điều cấm trong đấu thầu được quy định tại điểm b, khoản 4, điều 89 – Luật Đấu thầu 2013.

Được biết, đây không phải lần đầu tiên Công ty Thanh Bình sử dụng các nhân sự trùng nhau để tham gia dự thầu. Phải chăng, việc trúng quá nhiều dự án trong cùng một khoảng thời gian đã khiến Công ty Thanh Bình phải gian lận hồ sơ dự thầu để che dấu năng lực thực sự của mình. 

Tu bổ, tôn tạo, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa là rất cần thiết, song cũng không ít di tích thời gian qua đã “được” tu bổ, tôn tạo một cách nóng nội, vi phạm quy định của pháp luật.

Di tích lịch sử - văn hóa là tài sản vô giá, kết tinh những giá trị lao động, sáng tạo của cha ông để lại và thường gắn với đặc trưng văn hóa mỗi địa phương. Do vậy,việc bảo tồn, tôn tạo, phục hồi di tích không những cần tuân thủ nghiêm những quyđịnh của pháp luật về bảo tồn di tích mà còn cần xuất phát từ cái tâm của người thực hiện, làm sao để di tích vừa được bảo tồn vừa phải phát huy giá trị.

Mặt khác, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản số 3541/UBND- KH&ĐT ngày 19/8/2019, nêu rõ việc phải “thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với những gói thầu chỉ có duy nhất 1 nhà thầu tham gia, xử lý nghiêm khắc chủ đầu tư và các bên liên quan nếu phát hiện hành vi vi phạm, không đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu”.

Công trình tu bổ, tôn tạo di tích nghè Châu Phong, xã Liên Hà.
Công trình tu bổ, tôn tạo di tích nghè Châu Phong, xã Liên Hà. 

Ở một diễn biến khác, được biết, công ty Thanh bình chính là chủ đầu tư Cụm công nghiệp Thụy Lâm tại xã Thụy lâm, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội được phê duyệt theo quyết định số 5383/QĐ-UBND năm 2019. Tổng mức vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng trên diện tích hơn 17 hecta đất nông nghiệp, đất trồng lúa. Tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ quý IV năm 2019 đến quý IV năm 2021.

Tuy nhiên, theo nhiều người dân phản ánh, dự án này chưa hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng đã san lấp hết ruộng của dân, khiến nhiều người bức xúc.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm