Sa thải người lao động trái luật
Bảy nữ công nhân đã khởi kiện Cty TNHH Naria Vina (Cty Naria Vina) để đòi quyền lợi gồm: Chị Đinh Thị Ngọc Ánh (trú tại TP Phủ Lý, Hà Nam); Trần Thị Trang, Lưu Thị Thanh Bình, Bùi Thị Trà Giang, Trần Thị Lan Trang, Cao Thị Phượng và chị Nguyễn Thị Hà (đều trú huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam).
Theo trình bày, từ ngày 11/4/2013 đến ngày 26/9/2013, các chị được Cty Naria Vina ký hợp đồng lao động 12 tháng với mức lương khởi điểm 1.944.000đ/người/tháng. Tuy nhiên, ngày 24/12/2013 Cty Naria Vina đã ban hành các quyết định xử lý kỷ luật sa thải đối với 7 nữ công nhân này với lý do “có hành vi biểu tình bất hợp pháp”? Riêng chị Trần Thị Lan Trang bị sa thải với lý do “có hành vi chống đối không làm việc theo hợp đồng đã ký kết với Cty”.
Bảy nữ công nhân đã làm đơn tố cáo đến Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Nam với nội dung: Cty Naria Vina sa thải NLĐ trái pháp luật; bắt công nhân đến sớm 15 phút và về muộn 15 phút dọn vệ sinh tại khu vực nhà vệ sinh và không được tính vào giờ làm việc; Cty Naria Vina đã xâm phạm danh dự, nhân phẩm đối với NLĐ (như đặt ra quy định về thời gian đi vệ sinh; bêu riếu NLĐ bằng cách dán ảnh lên tường)...
Ngày 20/1/2014, Sở LĐTB&XH tỉnh Hà Nam có Kết luận Thanh tra xác định: Cty Naria Vina bắt công nhân có mặt trước 15 phút và ở lại sau 15 phút để dọn vệ sinh không được hưởng thù lao là nội dung tố cáo đúng; việc sa thải NLĐ là trái pháp luật, yêu cầu Cty Naria Vina thông báo và phải nhận NLĐ trở lại làm việc trong thời gian không quá 10 ngày kể từ ngày ra kết luận thanh tra và phải trả đủ tiền lương cho NLĐ trong thời gian bị sa thải trái pháp luật; Yêu cầu phía Cty Naria Vina phải đảm bảo giờ giấc làm việc cho công nhân, không quá 8 tiếng đồng hồ/ngày theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động.
Yêu cầu được xin lỗi, bồi thường vì đã bị Cty “bêu riếu”
Do không được giải quyết thỏa đáng, tháng 9/2015, bảy nữ công nhân đã khởi kiện Cty Naria Vina ra tòa yêu cầu bồi thường về việc sa thải NLĐ trái pháp luật; bồi thường công lao động ngoài giờ chưa được trả; bồi thường danh dự, nhân phẩm, yêu cầu công khai xin lỗi vì việc bị dán ảnh tại nơi công cộng nhằm bêu riếu NLĐ.
Ngày 24, 25/2/2016, TAND tỉnh Hà Nam xét xử sơ thẩm vụ kiện và quyết định: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bảy NLĐ về việc yêu cầu bồi thường tiền lương do bị sa thải trái pháp luật (tương ứng thời gian bị sa thải), buộc Cty Naria Vina phải trả tiền lương cho NLĐ trong thời gian họ bị sa thải trái pháp luật từ ngày 24/12/2013 đến ngày 10/2/2014 (theo tự nguyện của phía Cty Naria Vina).
Cụ thể, bồi thường cho chị Đinh Thị Ngọc Ánh, Trần Thị Trang, Bùi Thị Trà Giang, Lưu Thị Thanh Bình, Cao Thị Phượng, mỗi người 1,2 triệu đồng; bồi thường chị Trần Thị Lan Trang và chị Nguyễn Thị Hà mỗi người hơn 3,1 triệu đồng vì hai người này chưa nhận 1 tháng tiền bồi thường sa thải (tổng cộng Cty Naria Vina phải thanh toán, bồi thường cho 7 NLĐ 12.288.000đ.
Những yêu cầu khác bị tòa sơ thẩm bác bỏ nên bảy nữ công nhân đã làm đơn kháng cáo.
Ngày 18/4/2017, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã xét xử phúc thẩm vụ kiện và quyết định: Chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn, sửa Bản án lao động sơ thẩm số 01/2016/LĐ-ST ngày 24 và 25/2 của TAND tỉnh Hà Nam; buộc Cty Naria Vina phải bồi thường thêm cho bảy NLĐ mỗi người 3 tháng lương theo hợp đồng lao động với mức cụ thể là 5.832.000đ (ngoài mức bồi thường mà Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định).
Chị Lưu Thị Thanh Bình cho biết, trong quá trình giải quyết vụ án, HĐXX phúc thẩm đã đánh giá các chứng cứ, tình tiết vụ án thiếu khách quan, toàn diện dẫn đến những phán quyết gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Khi sử dụng lao động, Cty Naria Vina đã đưa ra những quy định hết sức vô lý về thời gian đi vệ sinh, khi NLĐ vi phạm thì bị bêu riếu bằng cách dán ảnh lên tường. Ngày 24/12/2013, NLĐ bị sa thải thì sáng hôm sau, Cty Naria Vina đã dán ảnh NLĐ trước cổng Cty. Khi đã có rất đông người hiếu kỳ vào xem thì Cty Naria Vina mới cho người gỡ ảnh xuống. Nhiều người không hiểu đã cho rằng chúng tôi đã trộm cắp hút chích… trong Cty. Điều này đã khiến chúng tôi mang tiếng xấu, rất khó khăn khi đi xin việc làm ở các Cty khác. Việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của chúng tôi đã quá rõ nhưng HĐXX phúc thẩm vẫn nhận định rằng không có căn cứ. Việc này đã gây tổn thất rất lớn về kinh tế và tinh thần cho chúng tôi, cần được Cty Naria Vina công khai xin lỗi và bồi thường danh dự…
Do không “tâm phục, khẩu phục” với phán quyết của hai cấp tòa án, bảy nữ công nhân đã đồng loạt gửi đơn đề nghị VKSND Tối cao, TAND Tối cao xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.