Luật sư của Công ty Vĩnh Tường tố chủ nợ... rửa tiền

(PLO) - Trong khi bà Linda Tan Woo có đơn gửi Chủ tịch Nước xin giám đốc thẩm bản án phúc thẩm với nội dung “đổi trắng, thay đen” sự việc nhờ bà Nguyễn Thị Bích Hạnh vay tiền thành nhờ “tìm đối tác kinh doanh trò chơi đánh bạc” thì mới đây, để bảo vệ thân chủ, các luật sư của Công ty Vĩnh Tường cũng có đơn xin giám đốc thẩm bằng việc tố chủ nợ rửa tiền một cách vô căn cứ.
Luật sư của Công ty Vĩnh Tường tố chủ nợ... rửa tiền
Sau khi bà Linda Tan Woo có đơn gửi Chủ tịch Nước “kêu cứu” thì ngày 30/10/2013, các luật sư bảo vệ cho Công ty Vĩnh Tường trong phiên tòa phúc thẩm là các ông Trần Đình Triển, Chu Văn Vẻ và Trương Quốc Phòng cũng có đơn gửi Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC và thậm chí cả Tổng cục An ninh 2 để xin giám đốc thẩm bản án phúc thẩm. Để đơn được quan tâm “giải quyết gấp”, các luật sư bảo vệ Công ty Vĩnh Tường đưa ra lý do xin được giám đốc thẩm vì có dấu hiệu “rửa tiền từ nước ngoài vào Việt Nam”.
Đây không phải là lần đầu tiên các luật sư của Công ty Vĩnh Tường nói khoản tiền 10 triệu USD mà Công ty Orient cho Công ty Vĩnh Tường vay là rửa tiền.  Trong phiên tòa phúc thẩm ngày 14/10/2013, Luật sư Trần Đình Triển cũng đã nêu ra vấn đề này khi cho rằng việc Công ty Orient chuyển tiền cho Công ty Vĩnh Tường là rửa tiền để chứng minh rằng Công ty Vĩnh Tường không vay và không phải trả lại số tiền này cho Công ty Orient.
Ngay tại phiên tòa, nội dung này đã 2 lần được Luật sư Trần Đình Triển nêu ra, cũng 2 lần bị Tòa án bác bỏ vì “không liên quan” đến quan hệ vay nợ đang được Tòa án xem xét, giải quyết. Thậm chí, Luật sư Hà Đăng - người bảo vệ cho Công ty Vĩnh Thiện Đồng Nai còn hết sức ngạc nhiên đặt câu hỏi rằng luật sư của Công ty Vĩnh Tường đang bảo vệ hay gây “tai họa” cho Công ty Vĩnh Tường khi nêu ra điều này, vì Công ty Vĩnh Tường chính là người nhận và sử dụng số tiền 10 triệu USD mà Công ty Orient chuyển vào Việt Nam. Nếu việc chuyển tiền trên là rửa tiền thì hóa ra Công ty Vĩnh Tường và bà Linda Tan Woo là đồng phạm?
Mặc dù đã được Tòa phúc thẩm xem xét và bác bỏ vì không có căn cứ và không liên quan đến vụ kiện nhưng để nội dung đơn thêm “nặng ký”, các luật sư của Công ty Vĩnh Tường vẫn lấy lý do “vì có dấu hiệu rửa tiền” để yêu cầu giám đốc thẩm lại bản án phúc thẩm. Điều này cũng nói lên một điều, phía Công ty Vĩnh Tường đã thiếu những căn cứ pháp lý chính đáng để yêu cầu giải quyết vụ án theo pháp luật nên phải viện dẫn những lý do hoàn toàn vô căn cứ, vì nếu có căn cứ thì không ai tự tố cáo chính mình.
Trong đơn, các luật sư của Công ty Vĩnh Tường không hề đưa ra những bằng chứng để chứng minh số tiền mà Công ty Vĩnh Tường nhận là rửa tiền. Vì thế, nội dung này thực chất cũng chỉ được đưa vào để tạo  ra sự chú ý của cơ quan có thẩm quyền. Với lý do trên và việc lôi kéo cả các cơ quan như Tổng cục An ninh 2 và Cơ quan điều tra Bộ Công an vào một tranh chấp dân sự thì qua nội dung các đơn trên đã cho thấy quyết tâm đảo ngược vụ án để Công ty Vĩnh Tường khỏi phải trả tiền vay. 
Nhưng thay vì điều tra hành vi rửa tiền do không có căn cứ, có lẽ cơ quan điều tra cần phải khởi tố và điều tra hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản vì sau khi nhận tiền, bà Linda Tan Woo và Công ty Vĩnh Tường không trả, lại còn đổi trắng, thay đen việc vay tiền thành “hợp tác kinh doanh trò đánh bạc” đã có dấu hiệu của tội này.
Các lý do khác cũng được các luật sư nêu trong đơn về việc Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng thì “nhợt nhạt” và thiếu căn cứ, được liệt kê ra và chụp mũ “vi phạm tố tụng, thiếu khách quan”. Đây cũng là những vấn đề mà các luật sư này đã nêu trong phiên tòa phúc thẩm và bị Tòa án bác bỏ sau khi thấy những nội dung này không có căn cứ và không làm thay đổi bản chất việc Công ty Vĩnh Tường vay tiền thì phải trả tiền cho Công ty Orient.
Tòa án xử buộc Công ty Vĩnh Tường phải chuyển nhượng tài sản đã thế chấp cho chủ nợ để đối trừ nợ vay không chỉ có các căn cứ vững chắc mà còn đúng với đạo lý “có vay, có trả” ở đời. Để tìm mọi cách chối bỏ trách nhiệm trả nợ, không chỉ bà Linda Tan Woo nói dối lãnh đạo Nhà nước về sự việc mà ngay cả các luật sư của Công ty Vĩnh Tường còn chụp mũ rửa tiền - một việc làm vi phạm pháp luật Việt Nam và quốc tế và có liên quan đến khủng bố, đã chứng tỏ vì mục đích không trả nợ vay, người ta luôn có thể đổi trắng, thay đen sự việc.
Luật sư Lê Văn Đài, Đoàn Luật sư Hà Nội:
Nói bên cho vay rửa tiền là vô căn cứ 
Theo Luật Phòng, chống rửa tiền thì rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân thông qua các nghiệp vụ tài chính, tín dụng để hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có; trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có; chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.
Trong vụ việc này, Công ty Orient chuyển tiền cho Công ty Vĩnh Tường vay vốn thông qua tài khoản ngân hàng và ngân hàng là tổ chức trung gian giao nhận vốn vay, không có nghiệp vụ nào giúp rửa tiền cả. Vì thế, nói bên cho vay rửa tiền là không có căn cứ pháp luật, thậm chí có thể bị coi là vu khống.

Đọc thêm