149 người đột ngột mất việc
Theo phản ánh của người lao động, công ty hữu hạn chế tạo công nghiệp và gia công chế biến hàng xuất khẩu Việt Nam (công ty VMEP) đưa ra lý do để sa thải hàng loạt công nhân là do: Công ty thay đổi cơ cấu, công nghệ. Tuy nhiên trong các cuộc họp đối thoại với đại diện người lao động, công ty VMEP không giải thích rõ về việc thay đổi công nghệ như thế nào mà đột ngột chấm dứt hợp đồng lao động.
Chị Nguyễn Thị Kim Thanh - công nhân công ty VMEP chia sẻ: “Cả hai vợ chồng tôi đều làm việc tại công ty VMEP và cùng bị chấm dứt hợp đồng. Riêng cá nhân tôi làm việc ở đây đã 9 năm, giờ cả hai vợ chồng thất nghiệp không biết lấy đâu chi phí nuôi 3 đứa con ăn học. Nhất là cháu thứ 3 nhà tôi mới 9 tháng tuổi.”
Các lao động của công ty VMEP bị chấm dứt lao động đều cho rằng, việc chấp dứt hợp đồng lao động lần này không đơn thuần ảnh hưởng đến 149 người đó, mà nó ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của cả gia đình họ. Người lao động ở đây đã cống hiến cho công ty rất nhiều năm, có người vào làm việc từ những năm đầu khi công ty mới thành lập, đến bây giờ cũng hai mấy năm rồi. Nhưng phía công ty VEMP cho nghỉ việc không thuyết trình, đối thoại gì để công nhân hiểu mà công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà cũng không có hỗ trợ gì.
“Chúng tôi kính đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền, các cơ quan thông tấn, báo chí vào cuộc để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho chúng tôi” -ông Lý Đức Chung - Chủ tịch công đoàn công ty VMEP chia sẻ.
Để phản đối quyết định sa thải của công ty VMEP, hàng trăm lao động và người nhà đã tập trung phản đối trước cửa công ty này từ ngày 12/10/2019.
Công ty đi ngược lại cam kết của chính mình
Trước đó, tại buổi làm việc ngày 3/10/2019 với sự tham gia của đại diện UBND phường La Khê, quận Hà Đông, công ty VMEP cho biết, tình hình kinh doanh của công ty gặp khó khăn trong những năm gần đây nên cần thiết có sự cắt giảm lao động với dự kiến khoảng 145 đến 160 người bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Phía công ty cam kết thực hiện đúng quy định của pháp luật lao động, đảm bảo cho người lao động được nhận đầy đủ quyền lợi theo quy định của pháp luật.
Đại diện UBND phường La Khê cho hay, số lượng người lao động tại phường La Khê là rất lớn khi thay đổi cơ cấu sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của người lao động. Đề nghị công ty đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Thế nhưng, trong khi phương án hỗ trợ, sử dụng người lao động của công ty này chưa được chấp thuận thì đơn vị này đã thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với 149 người.
Được biết, công ty VMEP hoạt động trên địa bàn phường La Khê từ những năm 1993, hiện tại công ty có 242 lao động. Từ tháng 2 năm 2019 công ty này có thông báo tình hình kinh doanh, kinh tế của công ty gặp khó khăn. Thông báo đầu tiên là vào tháng 3 với nội dung vào ngày 31/3 toàn bộ cán bộ công nhân nghỉ. Sau đó phản ứng của người lao động và công đoàn không đồng ý nên công ty tạm dừng thông báo trên để xây dựng phương án lao động. Phương án của công ty trình các cấp có thẩm quyền chưa đạt yêu cầu.
Đến ngày 3/10, công ty VMEP có mời các cơ quan liên quan và đại diện người lao động đến làm việc về vấn đề xây dựng phương án lao động. Tại buổi làm việc, Liên đoàn Lao động quận Hà Đông và các cơ quan của quận Hà Đông có ý kiến phương án sử dụng lao động của công ty là không đảm bảo về nội dung cũng như kinh phí hỗ trợ người lao động theo đúng quy định của pháp luật nên đã đề nghị công ty VMEP làm lại phương án. Thế nhưng đến ngày 8 và 9/10, công ty này có thông báo thực hiện chi trả thanh toán cho công nhân. Đến ngày 10 và 11/10 công ty có quyết định thanh lý hợp đồng lao động.
“Hiện tại tôi chưa nắm được đơn vị đã gửi thông báo cho Sở Lao động hay chưa nhưng theo nắm bắt của Liên đoàn Lao động quận cũng như xem xét lại phương án thì thấy chưa phù hợp với thực tế cho nên quyết định sa thải khiến người lao động rất bức xúc” - ông Đào Quang Huy, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động quận Hà Đông cho biết.
“Quyết định cái là công ty cho công nhân nghỉ luôn nên sáng nay anh, em công nhân họ tập chung ở đây để phản đối. Nắm bắt được sự việc Liên đoàn Lao động quận và các ban ngành liên quan đã xuống phối hợp với doanh nghiệp để tìm ra hướng giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động” - ông Huy cho biết thêm.
Trao đổi với ông Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch quận Hà Đông vào ngày 12/10, ông Ngọc cho biết: “Khi nhận được thông tin tôi đã xuống cùng với anh em công nhân để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của công nhân. Để đảm bảo quyền lợi cho công nhân tôi cũng đã trao đổi để họ hiểu những ý kiến nguyện vọng hay phản đối thì cũng phải làm việc theo quy định của pháp luật, không gây mất an ninh trật tự, không dẫn đến những vi phạm pháp luật.”
Có mặt tại công ty VMEP cùng người lao động, ông Ngọc cam kết: “Hôm nay, có đầy đủ các lực lượng an ninh, công an quận, công an Thành phố xuống để nắm bắt địa bàn bởi sự việc liên quan đến lao động có yếu tố nước ngoài. Quyền lợi của người lao động thì chính quyền các cấp, liên đoàn lao động sẽ phải vào cuộc để đơn vị thực hiện đúng quy định và pháp luật.”
Cần thực hiện đúng nghĩa vụ
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 44, Bộ luật Lao động 2012 thì “trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này”. Như vậy, trong trường hợp này, công ty VMEP phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động.
Căn cứ theo Khoản 2, Điều 49, Bộ luật Lao động 2012 quy định: “Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc”.
Đồng thời, chính sách bảo hiểm thất nghiệp áp dụng bắt buộc đối với người lao động và người sử dụng lao động có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2009. Vì vậy, công ty VMEP phải chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động có đóng bảo hiểm xã hội.
Mức trợ cấp sẽ theo cách tính mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương”, theo khoản 1 Điều 49 Bộ luật Lao động 2012) và “tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm” (theo khoản 3 Điều 49 Bộ luật Lao động 2012. Do đó, tuỳ thời gian của từng lao động đã làm việc mà VMEP phải trả.
Việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp sẽ do cơ quan bảo hiểm tại nơi cư trú của người lao động chi trả cho từng người khi họ có hồ sơ yêu cầu hưởng bảo hiểm thất nghiệp nộp đến cơ quan bảo hiểm xã hội và đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 49 Luật việc làm 2013.
Ngoài ra, công ty có nghĩa vụ phải thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ cho người lao động này (theo Điều 114 Bộ luật Lao động 2012); phải thanh toán các khoản có liên quan đến quyền lợi của người lao động này (theo Khoản 2 Điều 47 Bộ luật Lao động 2012) và phải trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà công ty đã giữ lại của người lao động này (theo Khoản 3 Điều 47 Bộ luật Lao động 2012).