Như PLVN từng thông tin, theo đơn khởi kiện của cụ Nghĩa, vào năm 2005, hai vợ chồng người con trai thứ 10 của cụ (ông Nguyễn Hữu Hưng) và thứ 11 (ông Nguyễn Hữu Phúc) đã dẫn cụ đến Phòng Công chứng làm thủ tục phân chia cho vợ chồng ông Hưng 198m2 trong số 299m2 đất của thửa đất số 75 và tặng cho vợ chồng ông Phúc quyền sử dụng 188m2 đất tại thửa số 112. Trước đó, hai thửa đất này đều đã được UBND huyện Từ Liêm (nay là quận Nam Từ Liêm) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), đứng tên cụ Nghĩa là đại diện cho “hộ gia đình”.
Nhưng sau đó, do thấy rằng việc cho tặng, chuyển quyền sử dụng đất như trên là sai vì không thể một mình ai có quyền định đoạt thửa đất thay cả hộ gia đình (bao gồm cụ Nghĩa và 11 người con có chung quyền sử dụng đất) nên cụ Nghĩa đã có đơn khởi kiện “đòi tài sản” đối với ông Hưng và ông Phúc, đồng thời đề nghị Tòa tuyên hủy các hợp đồng tặng cho, phân chia quyền sử dụng đất năm 2005 cũng như giấy CNQSDĐ đứng tên hai người này.
Vụ kiện được TAND quận Nam Từ Liêm thụ lý vào tháng 1/2015 nhưng phải đến ngày 24/1/2018 thì Tòa này mới mở được phiên xử đầu tiên. Tuy nhiên, phiên tòa này cũng đã phải hoãn vì bị đơn và một số người có quyền và nghĩa vụ liên quan vắng mặt (lần thứ nhất) không lý do. Mặt khác, HĐXX còn cho rằng, tại phiên tòa, cụ Nghĩa đã bổ sung yêu cầu khởi kiện về việc hủy GCNQSDĐ mà UBND huyện Từ Liêm cấp cho vợ chồng ông Phúc ngày 29/9/2005.
Cùng ngày, Tòa đã có Thông báo về việc thụ lý yêu cầu khởi kiện bổ sung của cụ Nghĩa về việc hủy GCNQSDĐ mang tên ông Phúc. Đến 28/5/2018, TAND quận Nam Từ Liêm mở lại phiên tòa nhưng sau khi thấy bị đơn vắng mặt nên tiếp tục hoãn xử. Đáng nói, HĐXX vẫn coi bị đăng vắng mặt lần thứ nhất do Tòa đã thụ lý yêu cầu khởi kiện bổ sung
Trao đổi với phóng viên, LS Nguyễn Quý Long (Giám đốc Cty Luật TNHH Thiên Hồng Đức, người bảo vệ quyền và lợi ích cho cụ Nghĩa), trước đây, do thấy thời gian chuẩn bị xét xử bị kéo quá dài, vi phạm tố tụng, chúng tôi đã có nhiều văn bản kiến nghị TAND quận Nam Từ Liêm phải sớm đưa vụ án ra xét xử, tránh việc vi phạm tố tụng ngày càng nghiêm trọng. Khi đã chậm đưa vụ án ra xét xử, TAND quận Nam Từ Liêm còn kéo dài thời hạn hoãn lên đến hơn 4 tháng (trong khi luật quy định thời gian hoãn không quá 1 tháng). Đã vậy, khi bị đơn vắng mặt lần 2 (không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan) thì Tòa phải xét xử vắng mặt bị đơn (theo Điều 227 BLTTDS) chứ không thể coi đây là vắng mặt lần đầu để tiếp tục hoãn xử được.
Về nội dung vụ án, LS Long cho rằng, nhiều chứng cứ cho thấy quyền sử dụng đất tại thửa 112 và thửa 75 là tài sản chung của vợ chồng cụ Nghĩa. Sau khi chồng cụ Nghĩa mất thì 1/2 khối tài sản trên là di sản thừa kế chưa chia. Chính vì vậy, cụ Nghĩa (chỉ đại diện cho hộ gia đình đứng tên trên GCNQSDĐ) không thể một mình định đoạt quyền sử dụng đất được. Tại giai đoạn chuẩn bị xét xử, cụ Nghĩa đã có đơn khởi kiện bổ sung đề nghị Tòa tuyên hủy hợp đồng cho tặng quyền sử dụng đất và hủy 2 GCNQSDĐ, trong đó có GCNQSD đất cấp ngày 29/9/2005 mang tên vợ chồng ông Phúc tại thửa đất số 112, tờ bản đồ số 48, diện tích 188m2.
Chỉ có điều, trong đơn, cụ Nghĩa không ghi rõ số GCNQSDĐ (chỉ ghi số 1343-2005/TCQSDĐ, tức là số Hợp đồng công chứng cho tặng quyền sử dụng đất). Tuy nhiên, không hiểu sao lúc đó, Tòa án không ghi nhận nội dung khởi kiện bổ sung này? Cho đến khi mở phiên tòa sơ thẩm lần 1 (24/1/2018) thì HĐXX mới thừa nhận việc nguyên đơn có yêu cầu “bổ sung khởi kiện”. Và sau đó, cụ Nghĩa phải đợi hơn 4 tháng mới được mở lại phiên tòa? Trong khi đó, cụ Nghĩa đã nhiều lần có đơn kêu cứu tới Tòa rằng, “tôi tuổi cao, sức yếu, đi lại khó khăn và chẳng biết còn sống được bao nhiêu lâu để theo vụ kiện này?”.