Cụ bà gần 40 năm đi đòi nhà, chờ 1 quyết định thấu tình trước khi chết

(PLO) - Đích thân Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có chỉ đạo về hướng xử lý vụ việc. Đáng nói, để “xin” lại tài sản hợp pháp của mình, cụ bà đang ở tuổi gần đất xa trời đã trải qua suốt gần 40 năm đi đòi công lý.
Cụ Lê Thị Cháu
Cụ Lê Thị Cháu

Những ngày vừa qua, cụ bà Lê Thị Cháu (73 tuổi, ngụ TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, tạm trú 29 Đông Giang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) liên tục có kiến nghị và kêu cứu khẩn thiết lên các cơ quan báo chí về việc ngôi nhà thuộc sở hữu chính chủ của mình bị tỉnh Bình Trị Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên Huế) thu hồi sai quy định. 

Gần 40 năm vác đơn đòi công lý

Cụ Cháu trình bày, bà có hộ khẩu tại Phòng 2A Khu tập thể Đặng Thái Thân (Phường Thuận Hòa, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế). Do mấy chục năm mất nhà, phải tá túc nhờ con cháu tại Đà Nẵng.

Tuy vậy, hễ có điều kiện, sức khỏe, bà lại lọ mọ bắt xe ngược ra Huế. Chính vì thế, hàng chục năm nay, người dân khu phố Trương Định- Hoàng Hoa Thám (Thừa Thiên Huế) quá quen thuộc với hình ảnh một bà lão tóc bạc trắng, thường tới lui trước căn nhà số 4 Hoàng Hoa Thám. Bà lão đứng ngoài, tay vịn bờ rào, mắt nhìn đau đáu ngôi nhà nơi mình đã có thời gian sinh sống, nhưng nay đã trở thành trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước. 

Ai cũng biết, bà Cháu là con duy nhất của Liệt sĩ Lê Tôn, Chiến sĩ Công an nhân dân, hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp tháng 6/1946; bà nội là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Quỳ. Mất nhà, không nơi thờ tự, hương khói cho người thân, câu chuyện đòi nhà của bà cứ khiến nhiều người phải xót xa rơi nước mắt. 

Theo bà Cháu, khi bố hy sinh tháng 6/1946, bà mới 1 tuổi còn mẹ bị giặc Pháp truy bắt nên phải tập kết ra Bắc. Từ đó, bà được chú ruột là ông Lê Tuyên (làm giáo viên) và vợ ông Tuyên là bà Trần Thị Trai đem về làm con nuôi. Những thông tin này đều có Giấy khai sinh chứng minh. 

 Năm 1969, ông Lê Tuyên và bà Trần Thị Trai mua căn nhà số 4 Hoàng Hoa Thám (TP Huế) và được cấp sổ sở hữu trước bạ tại Ty Thuế vụ Huế ngày 17/7/1969. Bố mẹ nuôi cùng bà Cháu sinh sống tại căn nhà kể trên. 

Năm 1972, bố mẹ bà chết vì tai nạn giao thông, bà Cháu là con duy nhất thừa hưởng ngôi nhà; bà Cháu cũng đồng thời lấy chồng, sinh 6 người con. Ngày 18/01/1978 gia đình bà Cháu được chính quyền địa phương cấp “Giấy chứng nhận kê khai đăng ký nhà” do bà làm chủ hộ. 

Tuy nhiên, đến ngày 26/10/1979, UBND tỉnh Bình Trị Thiên bất ngờ ban hành QĐ số 2080 QĐ/UB quản lý căn nhà kể trên với lý do “Thuộc diện vắng chủ” và sau đó cưỡng chế gia đình bà ra khỏi nhà.  

Ngôi nhà đất bị thu hồi, lúc đầu được tạm cấp cho UBND TP Huế. Đến năm 2013, sau khi trung tâm hành chính TP Huế đưa vào sử dụng, khu nhà đất có một thời gian cho thuê làm quán cà phê và hiện đang nay được Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Thừa Thiên- Huế sử dụng. 

“Sau khi bị thu nhà, gia đình tôi được bố trí ở tại khu tập thể với diện tích nhỏ hẹp. Cuộc sống bị xáo trộn, tôi phải vất vả làm nhiều nghề để nuôi 6 người con”, bà Cháu kể. Bà cho biết thêm, có giai đoạn vì áp lực cuộc sống, hành trình đòi nhà làm nơi thờ tự rơi vào bế tắc, nhiều lần vay mượn tiền để có lộ phí đi đường, bà bị tâm thần, rồi bán luôn căn hộ tập thể…”, bà Cháu chua chát.

Phó Thủ tướng chỉ đạo vẫn chưa thể dứt điểm

Sau 37 năm liên tục khiếu nại đòi nhà, năm 2016, tỉnh Thừa Thiên Huế mới lần đầu chính thức đồng ý tiếp nhận giải quyết. 

Tuy nhiên, Quyết định giải quyết nêu lại căn cứ theo Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội và Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH ngày 02/4/2005 của UBTV Quốc hội. Theo đó, “Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách về quản lý nhà đất và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN liên quan đến nhà đất đã ban hành trước ngày 01/7/1991”.

Giấy chứng nhận đã kê khai đăng ký căn nhà số 4 Hoàng Hoa Thám
Giấy chứng nhận đã kê khai đăng ký căn nhà số 4 Hoàng Hoa Thám

“Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN liên quan đến nhà đất”. Từ đó, không công nhận nội dung đơn khiếu nại của gia đình bà Cháu.

Minh chứng từ thực tế và cho rằng, ngôi nhà có đầy đủ quyền sở hữu nên không thuộc đối tượng theo Quyết định số 111-CP ngày 14/4/1977 của Hội đồng Chính phủ, bà Cháu tiếp tục khiếu kiện lên cấp cao hơn.

Theo tìm hiểu của PLVN, ngày 6/9/2017, Văn phòng Chính phủ đã có Công truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc “Bộ trưởng Bộ Xây dựng giải quyết khiếu nại của bà Lê Thị Cháu theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả quyết trước ngày 01/11/2017”.

Sau đó, ngày 14/12/2017, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp giải quyết khiếu nại và có ý kiến kết luận, chỉ đạo: “cần xem xét, giải quyết có lý, có tình đối với gia đình có công với cách mạng, đảm bảo tính ổn định chung.

Ngoài ra, nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng còn giao Bộ Xây dựng theo thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết khiếu nại của bà Lê Thị Cháu theo hướng cho gia đình bà Lê Thị Cháu thuê, mua ngôi nhà số 4 Hoàng Hoa Thám, theo quy định về mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước để tạo điều kiện cho gia đình bà Cháu sử dụng làm nơi thờ tự của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Quỳ và Liệt sĩ Lê Tôn. 

Thế nhưng, không biết có gì khúc mắc hay “lờ” sự chỉ đạo từ Trung ương, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đồng ý giao cho gia đình một lô đất đất nhỏ tại khu tái định cư Bàu Vá ở ngoại ô, ven TP Huế. 

“Với quyết định này, bản thân tôi và gia đình cảm thấy rất bất bình, không được tôn trọng. Rõ ràng, tôi “xin” lại tài sản hợp pháp của mình, thậm chí chấp nhận mua lại để làm nơi thờ tự, nhưng chính quyền lại giải quyết kiểu “bố thí”; 37 năm qua vẫn tiếp tục chà đạp lên quyền và lợi ích của gia đình tôi”, bà Cháu nói.

Để làm rõ vấn đề, phóng viên PLVN có trao đổi với ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông Thọ khẳng định, ngôi nhà trên được chính quyền công nhận thuộc sở hữu của bà Cháu. Tuy nhiên, do có yếu tố lịch sử, hiện đang xử lý và ông cam kết, sẽ tìm hướng giải quyết tốt nhất cho gia đình bà Cháu. 

Thừa ủy quyền của ông Thọ, ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao đổi thêm với PLVN.  

Theo ông Khanh, sau khi có ý kiến của bộ Xây dựng, sẽ tiến hành đối thoại với bà Cháu để có sự thỏa thuận trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi, nguyện vọng phía gia đình. Ông Khanh nói thêm, hiện ngôi nhà, đất số 4 Hoàng Hoa Thám đã có xác lập sở hữu nhà nước nên tỉnh Thừa Thiên Huế phải xin ý kiến Bộ Xây dựng về phương án xử lý như thế nào theo đúng quy định, trong đó có thể chuyển đổi ngôi nhà hoặc lô đất khác.

Mong rằng, những nguyện ước chính đáng của cụ bà đã ở tuổi “gần đất xa trời” sẽ thành hiện thực, sẽ được những người lãnh đạo có tâm lắng nghe, chứ đừng để bà phải mang theo nỗi day dứt về thế giới bên kia.

Đọc thêm