Củ Chi: Dân kêu trời vì lò giết mổ gia súc

(PLO) - Việc các lò mỏ gia súc nhỏ lẻ tại huyện Củ Chi hoạt động liên tục nhiều năm, hệ thống nước thải chỉ tạm bợ hoặc trực tiếp thải ra môi trường gây nên vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng. Thế nhưng mặc cho sự việc đáng báo động này vẫn đang diễn ra hàng ngày, các cơ quan chức năng tại đây vẫn thờ ơ không quan tâm.
Lò mổ heo Phú Hòa
Lò mổ heo Phú Hòa
Lò mổ thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nặng 
Huyện Củ Chi là một trong những địa bàn có số lượng các cơ sở giết mổ gia súc nhỏ lẻ nhiều so với các địa bàn khác ở TP.HCM. Cũng chính vì quy mô nhỏ lẻ, không tập trung nên việc xử lý chất thải chuyên nghiệp để bảo vệ môi trường hầu như chưa bao giờ được các chủ cơ sở xem trọng. Các cơ quan chức năng tại đây cũng rất ít khi có hoạt động kiểm tra, nên những lò mổ này vẫn ngang nhiên hoạt động nhiều năm liền, bất chấp pháp luật. 
Các lò mổ gia súc có hệ thống xử lý chất thải sơ sài như lò giết mổ Tân Phú Trung và rất nhiều lò mổ khác đóng trên địa bàn này. Ở các lò mổ này, mỗi đêm có hàng trăm con heo được giết mổ. Chất thải như nước bẩn, chất thải hữu cơ khó tiêu hủy cứ như thế được đưa trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho người dân và môi trường xung quanh.

Ngoài ra, người dân trong khu vực này còn phản ánh của người dân về 2 lò mổ khác cũng đang làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sức khỏe của họ tại đây. Tại Xã Tân Thạnh Đông, bên hông chợ Thanh Đông có một lò mổ gia súc của chủ cơ sở tên Út Hóa. Từ con đường đất đá phía ngoài đi vào, cuối đường quẹo phải sẽ bắt gặp một lò mổ chỉ rộng khoảng 100m2. 

Ghi nhận của chúng tôi, phía trước lò mổ có một hố động, rất bẩn, luôn bốc mùi hôi thối. Phía bên tay phải lò mổ có một hố ga che đậy tạm bợ. Có đường nước thải bị xì lên lộ thiên, bốc mùi hôi thối, có dấu hiệu xả nước thải thẳng ra khu vực đất dân cư có người sinh sống. 

 

Được biết lò mổ này hoạt động từ 1h đến 5h sáng. Một đêm giết mổ bình quân khoảng từ 200 đến 300 con heo. Nhưng việc giết mổ hoàn toàn thủ công, heo được để ngay dưới đất để mổ. Một hình thức giết mổ không phù hợp tiêu chuẩn, ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm, sức khỏe của người sử dụng thực phẩm.

Theo nhiều nguồn tin, mặc dù dân và chính quyền xã đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền huyện nhưng chưa một lần nào lò mổ này bị xử phạt hay lập biên bản về vấn đề gây ô nhiễm trên. 
Lò mổ thứ 2 đóng trên địa bàn xã Hòa Phú, lò mổ của ông Võ Văn Quý cũng đang làm cho con người và môi trường ở đây “khốn khổ” với hình thưc kinh doanh giết mổ sai luật định của mình. Thế nhưng, dù có bị kiểm tra nhưng vẫn được tiếp tục hoạt động, mặc cho sai phạm liên tục nhiều năm. 
Cơ quan quản lý thờ ơ để sai phạm ngang nhiên tồn tại
Với số lượng lớn heo hằng đêm bị giết mổ tại đây, các lò giết mổ gia súc hiện có rất nhiều dấu hiệu sai phạm, người dân đã phát hiện và phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên những phản ánh của người dân thì nhiều nhưng chưa thấy cơ quan chức năng đến kiểm tra.  

Hiện tại, với cách hoạt động luôn “kím cổng cao tường”, các lò mổ này luôn trong tình trạng đóng cửa kín bưng, công nhân làm việc trong lò mổ này luôn chú ý cẩn trọng khi tiếp xúc với người lạ, làm việc tránh né và từ chối tiếp chuyện khi ai đó đề cập vấn đề liên quan đến lò mổ. 

Khi UBND TP HCM đã đưa ra quy định về việc đóng cửa các cơ sở giết mổ nhỏ lẽ, không tập trung, thì việc các cơ sở trên tồn tại, gây ô nhiễm môi trường đến mức đáng báo động nhưng các cơ quan chức năng huyện Củ Chi vẫn để mặc đã gây nên rất nhiều ý kiến, nhưng đa số là sự bức xúc của người dân. 

Trong khi UBND huyện Hóc Môn đã tiếp nhận phản ánh của báo chí, trực tiếp chỉ đạo các đơn vị kiểm tra đình chỉ hoạt động cơ sở Xuân Thới Sơn làm ô nhiễm môi trường, thì phía Củ Chi lại luôn dây dưa, không đi đến kết luận cuối đối với lò mổ Tân Phú Trung, và bây giờ lại thêm 2 lò mổ khác là Út Hóa và Võ Văn Quý.

Các lò mổ gây ô nhiễm môi trường do có hệ thống kỹ thuật xử lý chất thải tạm bợ, giết mổ thủ công. Việc các lò mổ này tiếp tục hoạt động trong tình trạng trên sẽ khiến cho môi trường nước, không khí của khu vực bị bức tử và người dân bị đầu độc. Do đó, UBND huyện Củ Chi và các cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh cần sớm kiểm tra xử lý dứt điểm để trả lại môi trường sống không ô nhiễm cho cư dân ở đây.

Đọc thêm