Cụ già cay đắng tố cáo chuyện bị con trai lừa chiếm nhà

(PLO) -Vợ chồng ông Trình đã làm hợp đồng tặng cho căn nhà đang ở cho con trai, với mục đích giúp anh này có tài sản thế chấp ngân hàng để vay vốn làm ăn. Nhưng ông bà cay đắng cho rằng, sau khi có được tài sản, vợ chồng người con đã chiếm luôn căn nhà, nhiều lần gây hấn đuổi cha mẹ tuổi cao sức yếu khỏi nơi trú ngụ. 
Cụ ông tố con trai lừa chiếm nhà
Cụ ông tố con trai lừa chiếm nhà

Sự việc vợ chồng cụ Phạm Văn Trình (74 tuổi) và Phạm Thị Việt Thanh (73 tuổi, cùng ngụ căn nhà 1619/2A Phạm Thế Hiển, phường 6, quận 8, TP.HCM) bị vợ chồng con trai đuổi ra khỏi nhà được nhiều hàng xóm chứng kiến.

Cụ Trình đã cầu cứu cơ quan công an ở địa phương và cán bộ tư pháp của phường. Tuy nhiên đến nay, hàng ngày hai cụ vẫn sống trong sợ hãi vì bị con trai, con dâu “khủng bố” ngay trong chính ngôi nhà do hai cụ tích góp mua được. 

Con trai mượn nhà rồi chiếm luôn?

Căn nhà hai tầng khá khang trang của vợ chồng cụ Trình nằm gần cuối con hẻm chật hẹp. Hàng xóm xung quanh kể, từ ngày có vợ chồng người con trai út (SN 1979) đến ở, cửa nhà luôn đóng kín. Nhiều hôm những người con khác của cụ dẫn cháu đến thăm ông bà đều bị vợ chồng người em “cấm cửa”.

Hẹn phóng viên ở một quán cà phê ven đường Phạm Thế Hiển, cụ ông mái tóc đã bạc trắng, dáng đi có phần chậm chạp vì bệnh tật tuổi già, rầu rĩ nói như trần tình: “Đáng lẽ ra tôi phải mời khách vào nhà, nhưng tụi nó (vợ chồng con trai - PV) đang có ở nhà. Hễ thấy tui là tụi nó gây chuyện, đừng nói là tui dẫn thêm người lạ về... Chắc tụi nó không để tui sống được yên”. 

Theo lời kể, trước đây, vợ chồng cụ Trình sinh sống ở phường 7, quận 3. Tuy nhiên, để tiện lợi hơn, tháng 1/2012, hai cụ mua căn nhà hiện tại làm nơi ở. Tháng 3/2013, vợ chồng cụ được cấp sổ đỏ. Đến tháng 3/2014, người con út cùng vợ nhiều lần tìm đến thuyết phục cha mẹ chuyển nhượng giấy tờ nhà cho mình. Theo lời cụ Trình, người con nói mục đích chỉ mượn sổ đỏ căn nhà để thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng đầu tư làm ăn. 

Người cha nhớ lại: “Chúng tìm đến nói rằng đang cần nhiều vốn liếng để làm ăn nên xin vợ chồng tui được đứng tên tài sản của cả hai căn nhà (nhà số 1619/2A Phạm Thế Hiển và căn nhà ở quê Tân Hiệp, tỉnh Tiền Giang) để đưa ra ngân hàng thế chấp.

Chúng hứa nếu có vốn sẽ tu chí làm lụng. Nghĩ cũng thương con, lại tin tưởng con không bao giờ nỡ lòng lừa gạt cả cha mẹ đứt ruột sinh thành nên vợ chồng tôi đồng ý, ký vào hợp đồng cho tặng (kèm theo cam kết về thời hạn thế chấp nhà do người con viết tay)”. 

Căn nhà của vợ chồng ông Trình đã sang tên cho con trai
Căn nhà của vợ chồng ông Trình đã sang tên cho con trai

Cụ Trình cho biết, theo nội dung bản cam kết, trong thời hạn một năm kể từ ngày 12/3/2014 đến tháng 3/2015, người con phải hoàn tất việc thế chấp cả hai căn nhà để trả lại giấy chủ quyền cho cha mẹ đứng tên như cũ.

Tuy nhiên, cụ ông tố con trai không thực hiện đúng cam kết. Trong khoảng thời gian đó, anh này đưa vợ về ở tại căn nhà của cha mẹ ở quê, cũng không thực hiện bất cứ một giao dịch thế chấp vay vốn nào và không đả động gì đến việc trả lại chủ quyền căn nhà cho cha mẹ.

Bẵng đi một thời gian, vợ chồng cụ Trình phát hiện người con đã bán đứt căn nhà ở quê với giá 500 triệu đồng. Tất cả số tiền trên, vợ chồng người con tiêu xài cá nhân. Hai cụ chưa hết cú “sốc” thì cách đây hơn 2 tháng, vợ chồng con trai dắt nhau về căn nhà ông đang ở, nói: “Đây đã là nhà của tôi”. 

Ông lão tố: “Vợ nó nói rằng: “Ông bà là cán bộ, nhà nước phải cấp nhà cho, chứ sao lại chiếm nhà tui”. Vợ chồng tôi nghe vậy giận đến tím mặt. Về sau tôi mới biết con trai đã lén đi làm hợp đồng tặng cho căn nhà của tôi cho vợ nó từ đầu năm nay. Vợ chồng nó đã muốn chiếm đứt chỗ ở cuối cùng của cha mẹ”.

Nỗi cay đắng của người cha

Cụ ông bức xúc thuật lại: “Ngày 30/9 vừa qua, tôi đi đến nhà người quen ở quận 3 có công chuyện. Đến khi về, nó đã thay khóa nhốt tôi ở ngoài đường. Còn ở bên trong nhà, nó đập phá đồ gây hấn với mẹ. Tôi đứng ngoài nghe tiếng bả khóc, lòng dạ không yên phải chạy cầu cứu công an phường đến. Sau đó có cán bộ tư pháp phường đến lập biên bản thì vợ chồng nó mới chịu mở khóa cho tôi vào nhà”. 

Tuy nhiên, ông lão cho biết, chỉ ngày một, ngày hai, vợ chồng người con lại không để cha mẹ yên. “Ngày nào nó cũng chửi vợ chồng tui, đuổi vợ chồng tui ra khỏi nhà. Nó nói “sao ông bà lúc nào mới định đi? Tui cho ông bà nửa tháng, không đi thì ra đường mà nhặt đồ”. 

Cụ Trình cho hay còn bị vợ chồng con trai thường xuyên đập phá đồ đạc trong nhà nhằm gây áp lực để hai cụ phải bỏ đi. Ông cụ ngậm ngùi: “Vợ chồng tui sống trong nhà do mình tích góp được, nhưng lại như kẻ ở đợ, sợ hãi, e dè. Nó chiếm phòng ngủ, tôi phải ngủ ở phản gỗ lạnh lẽo.

Thấy nó xuống bếp, vợ chồng tôi phải trốn lên gác trên. Vợ tui bị tai biến ngồi một chỗ, phải thuốc thang đều đặn, nhưng mỗi lần sắc thuốc cho bả, nó lại đạp đổ... Vợ chồng tôi đã già yếu, chỉ còn một căn nhà còn lại để trú nắng trú mưa, chẵng lẽ giờ lại phải ra đường vì con”.

Cụ ông chua xót cho biết, mình nguyên là Trưởng phòng đại diện của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hai cụ đều là cán bộ nghỉ hưu, có 4 người con (hai gái, hai trai). Các con được ăn học tử tế, ngoan hiền, duy người con trai út lại bỏ học từ năm lớp 8, theo đám bạn xấu ăn chơi. 

Bản cam kết do người con viết tay
 Bản cam kết do người con viết tay

“Thời đó nhà nào có xe máy đã là khá. Tôi có cái xe để đi làm nhưng cứ sơ hở là nó xách đi cầm, tui lại phải đến chuộc về. Tiền bạc và đồ đạc đáng giá trong nhà nó cũng trộm đi bán hết”, cụ nói. 

Người con này cũng sớm sa chân vào ma túy. Cụ Trình cho hay đã bốn lần đích thân ông và vợ phải đưa con đến các trại cai nghiện. Tuy nhiên khi về người con lại tái phạm. 

Trong một lần chuyển đến trại cai nghiện ở tỉnh Đắk Nông, con trai cụ gặp người vợ hiện tại. Theo cụ Trình, người con dâu này sinh ra và lớn lên ở Bình Dương, cha mẹ sớm ai đi đường nấy. Chị này cũng sớm nghỉ học, nghiện ma túy và từng chuyển từ trại cai nghiện này đến trại cải tạo khác. Ban đầu hai cụ phản đối vì lo hai người không nghề nghiệp lấy nhau biết sống thế nào, song phản đối không được đành chấp nhận.

Theo cụ, sau khi kết hôn, vợ chồng người con không có công việc ổn định, hôm làm, hôm nghỉ. Thương con, với đồng lương hưu ít ỏi, mỗi tháng hai cụ gom góp cho vợ chồng người con này 3 triệu để trang trải cuộc sống.

“Nó đã gây ra không biết bao sóng gió cho gia đình nhưng vợ chồng tui vẫn thương nó hết mực, tạo điều kiện cho nó có vốn tu tỉnh làm ăn. Không ngờ lại bị con cho ăn cú lừa. Tôi chỉ hi vọng nó biết nghĩ lại, chứ giờ anh chị nó ai cũng nghèo không giúp được gì, vợ chồng già, tui biết đi đâu mà ở. Tôi bị bệnh tiểu đường, ngày nào cũng phải chích thuốc, tình trạng này kéo dài chắc tôi không sống được...”.

Đọc thêm