Cử tri hỏi chuyện huyện này, lại trả lời chuyện của huyện kia

(PLO) - Đây là một thực tế về tồn tại cần khắc phục trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã được UBTVQH chỉ rõ trong báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.
 
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV

Hôm nay (13/6), Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn – nội dung được cử tri chờ đợi nhất trong mỗi kỳ họp. Trước khi bắt đầu phiên chất vấn – bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng ban Dân nguyện thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội – đã báo cáo Quốc hội kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Theo báo cáo, thông qua 2.073 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 2, 63 Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố đã tổng hợp được 3.320 kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội (sau đây gọi tắt là kiến nghị). Trong đó, có 168 kiến nghị (5,1%) thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan của Quốc hội, 3.119 kiến nghị (94%) thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, 13 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và 20 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các tổ chức chính trị - xã hội.

Các kiến nghị đề cập đến mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội, từ chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đến những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân. Đến nay, 100% kiến nghị đã được trả lời, đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội. 

Bên cạnh những vấn đề đã làm được, báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra những điều còn tồn tại trong công tác giải quyết kiến nghị của công dân.

Báo có nêu rõ: Các bộ, ngành còn quá chú trọng tới việc trả lời các kiến nghị (để tránh tồn đọng) mà chưa quan tâm thỏa đáng tới việc giải quyết, hoặc xây dựng lộ trình giải quyết dứt điểm kiến nghị, dẫn đến thực trạng số lượng kiến nghị được trả lời là rất lớn nhưng chất lượng của việc giải quyết kiến nghị còn chưa cao, số kiến nghị được trả lời chỉ bằng việc cung cấp thông tin còn nhiều (68%), cá biệt có văn bản nội dung trả lời còn chưa rõ, chưa đúng, chưa đầy đủ với câu hỏi mà cử tri nêu, ví dụ như:

Cử tri tỉnh Bình Dương hỏi về “việc chi trả chế độ bồi dưỡng đối với người hoạt động không chuyên trách được giao nhiệm vụ tiếp công dân ở cấp xã”. Trả lời  lại nêu về chế độ chi trả bồi dưỡng đối với công chức kiêm nhiệm là không đúng với đối tượng cử tri đang hỏi. Thêm vào đó, việc giao nhiệm vụ tiếp công dân cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã là không đúng với Luật Tiếp công dân nhưng chưa được nhắc nhở. 

Cử tri tỉnh Sóc trăng kiến nghị cần sớm nghiên cứu xây dựng đê bao ngăn mặn khép kín cho các tuyến đê tại huyện Kế Sách và thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, trả lời  lại nêu “... hệ thống đê biển, đê cửa sông thuộc huyện Trần Đề hàng năm đều được Chính phủ bố trí kinh phí...” là không đúng với địa bàn mà cử tri hỏi. (Đến nay, các cơ quan chức năng đã có văn bản trả lời thay thế cho 2 văn bản trả lời không đúng, chưa đầy đủ nêu trên.)

Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị xem xét khắc phục tình trạng bất cập là nhiều đơn vị cấp phòng trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện có con dấu và tài khoản riêng (Phòng Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường...) nhưng có những phòng cùng cấp lại không có (Phòng Nội vụ, Tư pháp ...), trả lời chỉ nêu hiện đã có quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu và Bộ sẽ làm việc với các bộ liên quan trong thời gian tới. Trả lời như vậy là chưa rõ ràng và khó hiểu đối với cử tri, cử tri không biết tình trạng như đã nêu là đúng hay sai? Có được Bộ tiếp thu khắc phục không? Khi nào thì sẽ giải quyết?

Bên cạnh đó, có nhiều kiến nghị đã được tiếp thu, bố trí nguồn lực để giải quyết đáp ứng mong đợi của cử tri, nhưng quá trình tổ chức triển khai còn nhiều bất cập khiến cử tri băn khoăn như: chương trình xây dựng nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long với mục đích giúp người dân vùng ngập lũ có chỗ ở an toàn, ổn định, tuy nhiên do việc đầu tư chưa đồng bộ, thiết kế nhà chưa phù hợp nên hiệu quả sử dụng còn rất hạn chế, gây lãng phí ở nhiều địa phương. Cá biệt tại Long An, cử tri phản ánh tỷ lệ nhà ở vượt lũ bỏ trống và số lô nền chưa xây dựng nhà chiếm tới 50%.

Việc tiếp thu kiến nghị cử tri để ban hành một số văn bản, tháo gỡ khó khăn là rất cần thiết, tuy nhiên tính ổn định của một số văn bản còn hạn chế, có những văn bản mới được ban hành (khoảng trên 12 tháng) nhưng đã phải xem xét sửa đổi, bổ sung như: Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp; Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng; Nghị định quy định về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức;

Thông tư về xuất nhập khẩu hàng hóa lĩnh vực in, phát hành xuất bản phẩm; Thông tư quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ,… ngoài ra, có những luật, bộ luật đã được ban hành từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa đủ văn bản quy định chi tiết thi hành luật như Bộ luật Dân sự, Luật Dược, Luật Xử lý vi phạm hành chính,...là vi phạm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật .      

Mặc dù các bộ, ngành đã tích cực, cố gắng giải quyết những kiến nghị tồn đọng nhưng đến nay vẫn còn 126 kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm... Trong đó một số bộ còn tồn đọng nhiều như các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch (28), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (19), Lao động, Thương binh và Xã hội (20)…

Việc thanh tra công vụ, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu để giải quyết dứt điểm các kiến nghị, các vụ việc cụ thể mà cử tri phản ánh còn nhiều hạn chế, chưa được tổ chức thường xuyên; thanh tra vụ việc thường chỉ được thực hiện sau khi phát hiện vi phạm; việc tiếp công dân, đối thoại với công dân, đặc biệt là ở cấp xã, huyện có lúc, có nơi còn bị xem nhẹ...

Đọc thêm