Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, sáng nay, 20/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã trình bày Báo cáo tóm tắt ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Tiếp tục củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước
Theo đó, trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường, tác động đến tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cử tri và Nhân dân đánh giá cao Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kịp thời chỉ đạo toàn diện các vấn đề quan trọng của đất nước, đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục được phục hồi và phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của Nhân dân ổn định, từng bước được cải thiện; công tác đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh, đạt được kết quả quan trọng, uy tín và vị thế nước ta trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh; giữ vững kỷ cương, kỷ luật; xử lý các vụ án, vụ việc vừa đảm bảo tính nghiêm minh, vừa có tính nhân văn, tính giáo dục và sức thuyết phục cao.
Hoạt động của Quốc hội và các cơ quan dân cử ngày càng đổi mới, thiết thực, hiệu quả, dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy mạnh mẽ. Hiệu lực quản lý nhà nước được nâng lên, quan tâm hỗ trợ cho những người nghèo, khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn; hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và các ngày lễ lớn năm 2024 thiết thực, hiệu quả. Lan tỏa được tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, qua đó động viên được các tầng lớp Nhân dân, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đồng lòng, chung sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước tiếp tục được củng cố và tăng cường.
Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân còn băn khoăn, lo lắng về số doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động chưa có chiều hướng giảm, công nhân lao động bị ngừng việc, nghỉ việc, rút bảo hiểm xã hội một lần tăng; giá các mặt hàng thiết yếu vẫn cao trong khi tiền lương chưa tăng, phần nào ảnh hưởng đến đời sống của những người làm công, ăn lương và lao động thiếu việc làm, thu nhập không ổn định. Vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc ở các bếp ăn tập thể, việc quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng sự thật, gây bức xúc dư luận xã hội, chưa được quan tâm xử lý nghiêm minh. Vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp về an ninh trên không gian mạng, vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông, tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng làm chết, bị thương nhiều người; nguy cơ mất an toàn về cháy, nổ còn cao. Việc thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách không còn vị trí việc làm chưa được kịp thời; một số tài sản sau sáp nhập chưa được sử dụng hiệu quả…
Riêng với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cử tri và Nhân dân đồng tình, ủng hộ Đảng và Nhà nước đã kịp thời giải quyết để một số cán bộ cấp cao vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương thôi đảm nhiệm trọng trách được giao. Đồng thời rất tin tưởng Đảng, Nhà nước “không ngừng, không nghỉ” trong cuộc đấu tranh cam go, phức tạp này; mong muốn các Bộ, ngành, cơ quan chức năng có giải pháp hiệu quả, “mạnh tay hơn nữa” đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những người đăng tải, cung cấp các thông tin “thất thiệt” “xấu độc” ảnh hưởng đến thành quả chung đã đạt được.
Bảo đảm các điều kiện triển khai thực hiện chính sách tiền lương mới từ 1/7/2024
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị với Đảng, Nhà nước cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền thống nhất nhận thức, tạo đồng thuận cao hơn nữa trong cán bộ, công chức, viên chức nhất là trong các tầng lớp nhân dân về các chủ trương phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…; kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật, làm “nhiễu” thông tin, nhất là các thông tin “xấu, độc”, “bôi nhọ” làm giảm sút uy tín của tổ chức và cá nhân lãnh đạo, ảnh hưởng đến sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.
Đồng thời, kiến nghị với Đảng, Nhà nước chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia, nhất là Chương trình giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tháo gỡ khó khăn để hạn chế các doanh nghiệp rời khỏi thị trường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, vì thách thức về việc làm, thu nhập cho người dân đang là vấn đề nổi lên khá gay gắt; tổng rà soát, tập hợp toàn bộ kiến nghị của cư dân ở các khu chung cư trong toàn quốc để nghiên cứu giải quyết thỏa đáng tranh chấp giữa cư dân với chủ đầu tư, ban quản lý đang xảy ra khá phổ biến hiện nay, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cư dân, công khai minh bạch để cư dân giám sát.
Đoàn Chủ tịch kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan chức năng rà soát các văn bản hướng dẫn, các điều kiện “cần và đủ” để triển khai thực hiện chính sách tiền lương mới từ 1/7/2024. Trong đó, cần quan tâm giải quyết kịp thời bất cập, vướng mắc phát sinh để chính sách tiền lương mới thực sự động viên cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp. Kiến nghị với các Bộ, ngành, địa phương nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân…
|
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Phạm Thắng) |
Trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.216 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực được nhiều cử tri quan tâm như: Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Giao thông vận tải; Giáo dục, đào tạo; Nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, có 2.210 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,7%.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như có kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương vẫn được tập hợp yêu cầu các cơ quan Trung ương giải quyết; có chính sách ưu đãi thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 chưa được đưa vào cuộc sống do văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định đầy đủ về đối tượng được thụ hưởng; việc giải quyết một số vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân cần có sự chỉ đạo, kiểm tra sát sao của Bộ, ngành cùng với sự phối hợp giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương…
Từ đó, Ban Dân nguyện kiến nghị, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các Đoàn đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý kiến nghị của cử tri; đảm bảo tiến độ, thời gian gửi báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri sau khi đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri theo quy định. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành giải quyết những hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri.