Cục Quản lý cạnh tranh điều tra vụ "găm phòng" ở Nha Trang

(PLO) - Hơn 40 khách sạn tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa) mặc dù không khai thác hết công suất hoạt động của phòng nghỉ, tuy nhiên, khi du khách đến đặt chỗ thì chỉ nhận được những cái lắc đầu ái ngại. Chuyện hy hữu đang diễn ra tại địa bàn du lịch trọng điểm của cả nước…
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Mặc dù lượng phòng trống rất nhiều, nhưng chính thức từ năm 2013 đến nay, hàng loạt du khách đến du lịch tại TP.Nha Trang đều gặp khó khăn khi đặt phòng nghỉ tại các khách sạn trên địa bàn này. Theo đó, nhiều du khách đã rất bức xúc vì bị chủ các cơ sở lưu trú từ chối  mà họ không hiểu lý do gì.
Phản ánh đến Pháp luật Việt Nam, ông Huỳnh Văn Thể, Việt kiều Nga bức xúc cho biết, sau nhiều năm định cư ở nước ngoài, đầu năm 2014 ông cùng gia đình và một nhóm bạn bè Nga thông qua một đơn vị du lịch quyết định đến Khánh Hòa nghỉ ngơi. Tuy nhiên, khi đến Nha Trang thì khách sạn nơi ông muốn nghỉ ngơi cùng gia đình, bạn bè đã từ chối cho ở lại.
Trong khi đó, chủ một cơ sở kinh doanh lưu trú tên T ở Nha Trang cho hay, nếu không kể mùa cao điểm, khách sạn 30 phòng nghỉ của ông luôn đầy phòng trống. Tuy nhiên, dù biết là để lãng phí nhưng vẫn không thể cho khách vào nghỉ bởi họ sợ liên lụy đến các rắc rối pháp lý do đã ký hợp đồng với Cty TNHH SX TM DV XNK Ánh Dương (Cty Ánh Dương). 
Theo đó, khi ký hợp đồng với Cty Ánh Dương, các khách sạn phải ràng buộc “chỉ được phép nhận booking cho khách Nga và khối CIS (Liên Xô cũ) đến Cam Ranh bằng chuyên cơ qua Ánh Dương-Pegas mà thôi”. “Chính thức từ năm 2013, chúng tôi không thể tùy tiện đón khách đến từ Nga, Ukraine và khối CIS. Có những ngày phòng trống lên đến 80%, biết là lãng phí nhưng không biết làm cách nào. Khách không đi “đúng tuyến” nên theo hợp đồng đã ký thì chúng tôi không được phép nhận” - chủ một cơ sở lưu trú khác cũng cho hay. 
Lý do mà các khách sạn tại Nha Trang từ chối phục vụ khách hàng là bởi trước đó, từ năm 2013, có hơn 40 doanh nghiệp khách sạn tại TP.Nha Trang đã ký hợp đồng cung cấp phòng với Cty Ánh Dương. Theo đó, các khách sạn tại TP.Nha Trang sau khi ký hợp đồng với Cty Ánh Dương phải tuân thủ hàng loạt điều kiện “khắt khe”, như các cơ sở lưu trú này chỉ được phép xác nhận các booking cho du khách Nga, Ukraine và các nước trong khối CIS (Liên Xô cũ)… do Cty Ánh Dương đưa đến. 
Ngoài ra, các khách sạn này cũng không được giới thiệu, không bán và không cho phép những người khác và các đại lý du lịch vào giới thiệu và bán “Optional tours” cho khách của Cty Ánh Dương, việc bán các tours này là do các hướng dẫn viên của Cty Ánh Dương – Pegas đảm nhiệm.
Nhiều chủ khách sạn ở đây cho biết, không phải lúc nào các phòng nghỉ cũng được khai thác hết công suất, có những thời điểm khách đến nghỉ chỉ “lấp đầy” từ 50 – 60%. 
Theo Luật sư Lê Thành Vinh, Phó Tổng Giám đốc Cty Luật SMIC, điều khoản thỏa thuận mà Cty Ánh Dương áp đặt với hơn 40  cơ sở lưu trú nói trên sẽ dẫn đến việc ngăn cản, kìm hãm, không cho các doanh nghiệp lữ hành khác tham gia phát triển thị trường, xâm phạm quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của các doanh nghiệp lữ hành, của chính các doanh nghiệp khách sạn và của người tiêu dùng. 
Cũng theo ông Vinh, hành vi của Cty Ánh Dương (phối hợp cùng với Cty Pegas) nhằm lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để  ký hợp đồng cung cấp phòng với các doanh nghiệp khách sạn với nội dung thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đã vi phạm nghiêm trọng Điều 13 Luật Cạnh tranh.
Nhận thức thấy mức độ hệ trọng của vấn đề “ngăn sông cấm chợ” nói trên, ngày 5/5/2014 vừa qua, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) Bạch Văn Mừng đã ký Quyết định số 23/QĐ-QLCT, tiến hành điều tra hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh mà Cty Ánh Dương thực hiện. 

Đọc thêm