Cục trưởng Nguyễn Xuân Bắc: Bất kỳ ai quảng cáo sai sự thật đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật

(PLVN) - Theo Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Xuân Bắc, bất kỳ công dân nào có hành vi quảng cáo sai sự thật, bán hàng giả… đều chịu trách nhiệm trước pháp luật, không chỉ riêng những người nổi tiếng; Liên quan tới việc quảng cáo sữa sai sự thật, dự kiến BTV Quang Minh và MC Vân Hugo sẽ bị phạt với tổng số tiền là 107,5 triệu đồng.
BTV Quang Minh, MC Vân Hugo bị xử phạt vì quảng cáo sai sự thật.

Thông tin này được đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch diễn ra chiều 21/4.

Bất kỳ ai quảng cáo sai sự thật đều chịu trách nhiệm trước pháp luật

Tại họp báo, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho biết, trước đây Bộ Thông tin truyền thông đã xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng và khuyến khích các bộ, ngành ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trong lĩnh vực của mình. Bộ quy tắc ứng xử này không phải một quy định của pháp luật, không có tính chất bắt buộc và không kèm theo chế tài xử lý.

Theo ông Lê Quang Tự Do, sau thời gian triển khai, có thể nhận thấy Bộ Quy tắc ứng xử nếu không kèm chế tài sẽ khó có tính chất răn đe. Vì vậy, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã tham mưu để thể chế một số nội dung trong Bộ Quy tắc ứng xử này thành quy định trong Nghị định 147 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng.

"Hiện nay, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đang đề xuất thể chế hóa một số nội dung trong Bộ quy tắc ứng xử vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới), đồng thời thể chế hóa một số nội dung vào các Nghị định liên quan đến hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Khi các nội dung này được thể chế vào Luật, Nghị định, chúng ta sẽ có chế tài để xử phạt", Cục trưởng Lê Quang Tự Do thông tin.

Lý giải nguyên nhân vẫn cần có một bộ quy tắc ứng xử mà không có chế tài xử phạt bên cạnh các quy định của pháp luật, Cục trưởng Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình cho rằng đây là kinh nghiệm đã được nhiều quốc gia áp dụng. Nếu như quy định của pháp luật là các quy định cứng thì các quy tắc ứng xử sẽ là các quy định mềm, tạo ra một môi trường văn hóa và từ đó để khán giả bày tỏ chính kiến của mình đối với các nghệ sĩ nghi phạm.

Về vấn đề xử lý hàng giả, hàng hóa vi phạm, Cục trưởng Lê Quang Tự Do cũng nhấn mạnh, trong xử lý hàng giả, hàng hóa vi phạm thì Bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm thẩm định, xác định, kết luận sai phạm với các hàng hóa vi phạm chứ không phải Bộ quản lý lĩnh vực quảng cáo.

"Chẳng hạn sữa giả, thực phẩm chức năng giả thì Bộ Y tế, Bộ Công Thương có vai trò thẩm định chất lượng sản phẩm đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch không có chức năng thẩm định đây có phải hàng giả hay không. Sau khi có sự thẩm định, xác định hàng hóa là giả và có quảng cáo vi phạm thì Bộ VHTTDL sẽ xử lý những người quảng cáo vi phạm. Điều này đã được thể chế hóa tại Điều 22, Nghị định 147", ông Lê Quang Tự Do nêu rõ.

Cũng theo Cục trưởng Lê Quang Tự Do, trong quá trình xử lý vi phạm, Cục Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử nhận thấy nhiều người nổi tiếng, nghệ sĩ có nhận thức, hiểu biết pháp luật về hoạt động quảng cáo còn rất yếu. Họ nhận hợp đồng và quảng cáo "vô tội vạ", không quan tâm nội dung được đưa ra có đúng không, dẫn đến rất dễ có hành vi vi phạm pháp luật. Do vậy việc giáo dục, nâng cao nhận thức với người nổi tiếng là rất quan trọng, để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cũng cảnh báo một số hiện tượng quảng cáo vi phạm phổ biến khác đó là: Sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên của các đơn vị cơ quan y tế, danh xưng của bác sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo; Quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc; quảng cáo gây nhầm lẫn về chất lượng, công dụng, giá bán của sản phẩm hàng hóa; đem trải nghiệm cá nhân của người quảng cáo áp chung cho tất cả mọi người.

Đặc biệt, việc nghệ sĩ, người nổi tiếng hợp tác với một công ty sản xuất được các công ty đó trả công bằng cổ phần, cổ phiếu, góp vốn thì người nổi tiếng đó sẽ "vô tình" trở thành người đồng sản xuất. Và nếu công ty đó sản xuất hàng giả bị xử lý hình sự thì nghệ sĩ, người nổi tiếng đó cũng sẽ bị xử lý hình sự về sản xuất hàng giả.

Cũng tại buổi họp báo, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Xuân Bắc nhấn mạnh, bất kỳ công dân nào có hành vi quảng cáo sai sự thật, bán hàng giả… đều chịu trách nhiệm trước pháp luật, không chỉ riêng những người nổi tiếng. Hiện nay, Việt Nam đã có Nghị định 38 của Chính phủ năm 2021 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, quy định rõ ràng về các hành vi vi phạm và mức độ xử phạt tương ứng.

Cục trưởng Nguyễn Xuân Bắc cho rằng, nghệ sĩ, người nổi tiếng phải tuân thủ các quy định pháp luật như mọi công dân khác, không được phép lạm dụng danh tiếng của mình. Đồng thời cần có ý thức và trách nhiệm cao trong các hoạt động truyền thông, quảng cáo để tránh gây ảnh hưởng xấu đến công chúng.

Sẽ phạt Quang Minh – Vân Hugo vì quảng cáo sữa sai sự thật

Theo Cục Phát thanh truyền hình, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp kiểm tra, xác minh, xử lý hai trường hợp: BTV Quang Minh và MC Vân Hugo, hai cá nhân có những hành vi quảng cáo sữa HIUP không chính xác với những nội dung công bố.

Trong quá trình xác minh tài liệu liên quan, phát hiện hai cá nhân này quảng cáo không đúng nội dung được công bố. Khi được yêu cầu cung cấp kịch bản, tài liệu quảng cáo… có các nội dung không khớp với tài liệu cũng như công bố của sản phẩm.

Sau buổi làm việc ngày 18/4, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã lập biên bản xử lý hai trường hợp này.

Dự kiến sẽ xử phạt BTV Quang Minh 37,5 triệu đồng với 2 hành vi: “Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định”, theo quy định tại Điểm a, Khoản 2 Điều 52, Nghị định 38 và “Quảng cáo sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế” quy định tại điểm a, khoản 4 điều 52, Nghị định 38.

MC Vân Hugo dự kiến bị xử phạt 70 triệu với hành vi “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố” theo quy định tại Điều 52, Nghị định 38.