Thực hiện quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam theo Nghị quyết lần thứ 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; để tạo sức mạnh to lớn, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền các cấp, giải phóng hoàn toàn lãnh thổ, bên cạnh việc thành lập các quân đoàn chủ lực, ta đã tích cực, chủ động xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang “ba thứ quân” theo tinh thần:
“Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích phải luôn luôn chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng trong tư thế đánh địch, chủ động đập tan các cuộc hành quân lấn chiếm của địch, kiên quyết thực hành phản công và tiến công, đánh những trận tiêu diệt thật đau, thật mạnh để bảo vệ và giữ vững vùng giải phóng…, có kế hoạch toàn diện về xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu suất chiến đấu, làm cho bộ đội chủ lực thành lực lượng rất tinh nhuệ, chính quy, hiện đại, cơ động và linh hoạt, phù hợp với cuộc chiến đấu trên từng chiến trường và cuộc chiến tranh cách mạng có tính chất toàn dân của ta…”.
Trùng điệp những hàng quân ra chiến trường |
Theo tinh thần trên, chủ trương của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu trong xây dựng lực lượng vũ trang là chấn chỉnh tổ chức và củng cố, kiện toàn lực lượng trên cả hai miền Nam, Bắc, lấy việc nâng cao chất lượng là chính, nhất là đối với các sư đoàn bộ binh của quân khu và sư đoàn bộ binh trong lực lượng dự bị chiến lược, đồng thời làm tốt việc xây dựng các binh chủng, quân chủng kỹ thuật, nhất là đối với chiến trường miền Nam; tăng cường lực lượng và quân số cho chiến trường, thực hiện chủ trương tiểu đoàn đầy đủ quân số từ 400-500 quân, đại đội, trung đội phải đủ quân số theo biên chế, tỉ lệ cán bộ phải hợp lý; tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho sửa chữa và nâng dần quân số của dân quân du kích để có thể cùng với bộ đội địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực đánh bại các cuộc hành quân bình định, lấn chiếm của địch, giữ vững vùng giải phóng và vùng mới mở của ta.
Thực hiện nhiệm vụ này, ta đã khẩn trương bổ sung quân và tăng thêm nhiều đơn vị bộ binh và binh chủng kỹ thuật được tổ chức sẵn và có kinh nghiệm chiến đấu tốt từ hậu phương miền Bắc cho các chiến trường miền Nam với hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ.
Và lần đầu tiên ở miền Nam, ta đã động viên, tổ chức tuyển quân tương đối lớn trong lực lượng tại chỗ, huy động được gần một vạn thanh niên - chiến sĩ mới ở vùng giải phóng và cả vùng tranh chấp, vùng địch kiểm soát, tham gia lực lượng vũ trang. Đồng thời, ta cũng đẩy mạnh phong trào quần chúng ở khắp các cơ sở, xây dựng và phát triển lực lượng dân quân du kích, nhất là lực lượng bí mật trên các địa bàn chiến lược trong vùng địch kiểm soát.
Trên địa bàn Khu 5, chủ trương của Quân khu là củng cố, tăng cường lực lượng và thế trận chiến tranh nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Đến tháng 12/1973, số quân trên chiến trường Tây Nguyên đã có 18.562 người, trong đó trinh sát 389, đặc công 578, pháo binh 3.018, thiết giáp 691, cao xạ 2.708, công binh 1.159, quân xây dựng kinh tế 1.576.
Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên chủ trương nhanh chóng xây dựng căn cứ và vùng giải phóng, xây dựng hậu phương, đặc biệt là xây dựng kinh tế, phát triển tiềm lực quân sự tại chỗ để đánh địch trong bất kỳ tình huống nào. Lúc này, chủ lực của Mặt trận Tây Nguyên có 2 sư đoàn bộ binh đứng chân ở vùng rừng núi (10 và 320); 3 sư đoàn bộ binh đứng chân ở đồng bằng (3, 2 và 711), ngoài ra, chủ lực Khu 5 còn có 1 trung đoàn, 7 tiểu đoàn và 10 đại đội đặc công cơ động, đặc công căn cứ.
Trên chiến trường Nam bộ, các lực lượng vũ trang Miền vừa đẩy mạnh tiến công quân sự, chống địch bình định, lấn chiếm vừa khẩn trương tăng cường lực lượng và củng cố thế trận liên hoàn vững chắc. Để có điều kiện thuận lợi chỉ đạo, chỉ huy, ngay sau khi Hiệp định Pa-ri có hiệu lực, Bộ Tư lệnh Miền đã di chuyển Sở Chỉ huy từ đất Campuchia về Lộc Ninh, Bình Phước và Bộ Tư lệnh các quân khu cũng di chuyển Sở Chỉ huy và các cơ sở hậu cần của cơ quan, đơn vị về nước.
Chủ trương của Bộ Tư lệnh Miền là khẩn trương sắp xếp, kiện toàn một số cơ quan trực thuộc theo hướng tinh gọn, bảo đảm hoạt động có hiệu quả, đúng chức năng và chú trọng tăng cường lực lượng cho các đơn vị trực tiếp chiến đấu.
Theo chủ trương trên, các binh chủng kỹ thuật được thành lập như Thông tin có 8 tiểu đoàn, 10 đại đội, 4 trung đội; Công binh có 7 tiểu đoàn; Thiết giáp có 4 tiểu đoàn; Đặc công có 8 tiểu đoàn; Pháo mặt đất có 2 trung đoàn pháo cơ giới và 1 trung đoàn pháo mang vác, một số tiểu đoàn độc lập; Pháo cao xạ có 2 trung đoàn và một số tiểu đoàn độc lập. Riêng chủ lực Miền, kiện toàn 4 sư đoàn, nắm chắc 3 sư đoàn (5, 7, 9), bảo đảm quân số cho mỗi tiểu đoàn bộ binh trên dưới 400 quân, trung đoàn biên chế từ 1.800 đến 2.000 quân. Các trung đoàn, tiểu đoàn binh chủng được bổ sung đủ số quân và trang bị theo biên chế.
Khẩn trương chi viện hàng hóa cho chiến trường |
Với lực lượng được bổ sung lớn và kịp thời của miền Bắc và lực lượng tuyển tại chỗ, đến cuối năm 1973, lực lượng vũ trang “ba thứ quân” ở miền Nam đã có bước phát triển mới về chất lượng, số lượng, vũ khí trang bị và trình độ chiến đấu ngày càng được nâng lên. Bộ đội chủ lực gồm 31 vạn quân, biên chế thành 10 sư đoàn, 24 trung đoàn và 102 tiểu đoàn bộ binh và binh chủng.
Các sư đoàn chủ lực đều được biên chế đầy đủ ba trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn pháo binh và các tiểu đoàn, đại đội binh chủng, phục vụ khác. Các trung đoàn, tiểu đoàn binh chủng được bổ sung quân số theo biên chế. Bộ đội địa phương có 7 vạn, biên chế thành tiểu đoàn ở các tỉnh và đại đội ở các huyện. Một số tỉnh thành lập được tiểu đoàn trợ chiến trang bị pháo 85mm, ĐKZ75 và cối 120mm. Dân quân du kích ở các thôn, xã có khoảng hơn 12 vạn. Lực lượng du kích một số thôn, ấp ở nông thôn đồng bằng được tổ chức lại và phát triển.
Với nỗ lực cao nhất, trong hai năm 1973- 1974, ta đã đưa vào các chiến trường miền Nam 264.000 quân, trong đó 158.000 quân bổ sung để kiện toàn biên chế các đơn vị; 106.000 quân là các đơn vị hoàn chỉnh, gồm 5 sư đoàn bộ binh và các đơn vị binh chủng kỹ thuật, các cơ sở bảo đảm kỹ thuật, cơ sở bảo đảm hậu cần...Với số lượng được bổ sung trên đã nâng quân số ở các chiến trường lên 49,5 vạn, trong đó 42,2 vạn chủ lực. Nếu tính cả 9,7 vạn quân của Đoàn 559 thì tổng số quân ở miền Nam lên tới 59,5 vạn, trong đó 42,2 vạn chủ lực.
Ngoài số lượng quân từ miền Bắc vào tăng cường cho các chiến trường, các quân khu cũng kết hợp vừa đẩy mạnh tác chiến chống địch bình định, lấn chiếm, vừa tăng cường xây dựng lực lượng tại chỗ, bổ sung vũ khí, trang bị ngày càng hợp lý trên cơ sở ưu tiên cho các đơn vị trực tiếp chiến đấu. Tính đến tháng 6/1974, Quân khu Trị - Thiên đã phát triển được 3 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn pháo binh cơ giới, 1 trung đoàn cao xạ cơ giới, 1 trung đoàn công binh, 1 tiểu đoàn đặc công.
Đồng thời với việc tập trung xây dung bộ đội chủ lực cơ động dự bị chiến lược và bộ đội chủ lực các quân khu, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh các quân khu rất chú trọng xây dựng bộ đội địa phương, dân quân du kích. Đây là một đòi hỏi khách quan của chiến trường vì sau nhiều năm chiến đấu liên tục, ác liệt, nhất là trong năm 1972, lực lượng vũ trang địa phương bị tiêu hao khá lớn.
Việc địch ra sức bình định giành dân, bắt lính, bắt thanh niên vào phòng vệ dân sự cũng gây cho ta nhiều khó khăn. Ở một số chiến trường, ta đã phải đưa cả bộ đội chủ lực, cán bộ, chiến sĩ quê ở miền Bắc xuống làm cán bộ địa phương và du kích.
Đến cuối năm 1974, bộ đội địa phương tỉnh, huyện có 56.000 người, dân quân du kích ở các xã, ấp có 140.000 người. Nhiều nơi tổ chức các đội vũ trang công tác tiến sâu xuống vùng nông thôn, đồng bằng vùng tạm bị địch kiểm soát cùng cán bộ địa phương phát triển du kích tự vệ mật, củng cố và phát triển lực lượng đặc công biệt động.
Được trên tăng cường lực lượng, một số tỉnh đã thành lập được trung đoàn bộ đội địa phương. Như vậy có thể nói, bên cạnh việc thành lập các quân đoàn chủ lực để tạo nên những “quả đấm thép”, việc xây dựng, củng cố các lực lượng vũ trang “ba thứ quân” trên chiến trường miền Nam đã được chú ý đúng mức để tạo nên sức mạnh to lớn cho cuộc tiến công chiến lược mùa Xuân 1975...