Cung ứng hàng hóa ổn định cả 3 miền

(PLVN) - Ghi nhận của Tổ công tác đặc biệt (Bộ Công Thương) ở cả 3 miền cho thấy, nguồn cung hàng hóa tại các siêu thị, chuỗi các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm, chợ truyền thống ở các địa phương được ghi nhận là dồi dào, đáp ứng được yêu cầu mua sắm của người dân.
Nguồn cung hàng hóa và giá cả giữ độ ổn định cao.

Cụ thể, tại khu vực miền Bắc, miền Trung, thị trường hàng hoá trên địa bàn Hà Nội tương đối ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến. Nguồn cung hàng hóa đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của người dân mặc dù bị đóng cửa 36/449 chợ và 7/1.800 cửa hàng tiện ích.

Đáng chú ý, Hà Nội cũng đã triển khai nhiều mô hình cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân như tổ chức 68 điểm bán hàng lưu động tại 11 quận, huyện; 21 điểm siêu thị 0 đồng thuộc Chương trình “Siêu thị mini 0 đồng - Hà Nội Trái tim hồng”.

Tại các chợ, lượng hàng hoá nông sản thực phẩm đáp ứng nhu cầu của người dân. Lượng khách mua sắm tập trung chủ yếu vào sáng sớm. Người dân đến các chợ truyền thống để chọn mua các mặt hàng thực phẩm tươi sống (rau củ, trái cây, thịt, thủy hải sản). Giá cả các mặt hàng tại chợ có xu hướng giảm nhẹ so với ngày hôm trước.

Tại Hà Nam, ngay thời điểm dịch bắt đầu bùng phát (20/9) thì thị trường giá cả mặt hàng lương thực, thực phẩm nhu yếu phẩm thiết yếu có tăng nhẹ khoảng 10%-15% tại những nơi trong khu vực phong tỏa. Tuy nhiên, trên địa bàn các huyện, giá thực phẩm vẫn có xu hướng tương đối ổn định.

Đến nay, khi Hà Nam quyết định chỉ áp dụng Chỉ thị 16 đối với một phần của 12 xã, phường trên địa bàn TP Phủ Lý thì nguồn cung hàng hóa lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu và giá cả đã ổn định.

Tại Đà Nẵng, theo ghi nhận của Tổ Công tác, giá cả hàng hóa ổn định, không có biến động bất thường, các quầy hàng tại các chợ thực hiện niêm yết giá hàng hóa. Số lượng điểm bán hàng thực phẩm tại các điểm container tiếp nhận từ Công an Thành phố ngày 23/9 là 15 điểm (Sở Công Thương dự kiến duy trì các điểm bán này đến ngày 30/9).

“Nhìn chung tình hình thị trường tại các tỉnh, thành phố miền Bắc và miền Trung ổn định, nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu người dân” - đại diện Tổ công tác nói.

Tình hình hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh cũng không có biến động. Tại các hệ thống siêu thị, sức mua hiện đang có xu hướng giảm dần so với trước đây. Các siêu thị cũng không còn tình trạng đông người thuộc Tổ đi chợ hộ đến mua hàng mà chủ yếu đáp ứng các đơn hàng online của siêu thị.

Việc đặt hàng trực tuyến trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội thuận tiện, được nhiều người dân lựa chọn nên nhu cầu về dịch vụ giao hàng rất lớn, tuy nhiên giá dịch vụ vẫn ở mức cao.

Tổng lượng hàng đưa về cung ứng và tiêu thụ cho thị trường Thành phố trong những ngày gần đây giảm nhẹ. Các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường và doanh nghiệp khác cung ứng ra thị trường vẫn giữ tỷ lệ đáng kể so với các nguồn cung khác, ước đạt 3.619,7 tấn/ngày (không bao gồm lượng hàng cung ứng vào hệ thống phân phối hiện đại).

Thị trường tại các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ cũng đang trong tình thế ổn định, không có hiện tượng bất thường xảy ra trước khi nhiều địa phương trên cả nước dần nới lỏng giãn cách xã hội, đưa kinh tế - xã hội quay trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Đọc thêm