Cuộc chiến cam go

(PLO) - Chưa bao giờ cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm đặt ra nhiều thử thách cam go như hiện nay. 
Ảnh minh họa từ internet.

Theo thống kê của Bộ Công an, trong sáu tháng đầu năm nay, trung bình mỗi ngày trong cả nước bắt 320 nghi phạm, triệt phá sáu băng nhóm tội phạm. Con số này cho thấy mức độ quyết liệt chống tội phạm của ngành Công an, đồng thời cũng cho thấy mức độ tình hình tội phạm trong xã hội ta. Đây mới chỉ là những vụ bị bắt, còn thực sự những băng nhóm tội phạm và  những hành vi tội phạm xảy ra hàng ngày trong đời sống lớn đến mức nào.

Vi phạm hình sự đang xảy ra ở tất cả các lĩnh vực từ quản lý xã hội đến quản lý kinh tế, từ tham nhũng tràn lan đến các vụ đâm chém đẫm máu, từ cờ bạc, ma túy, hiếp dâm, trộm cướp đến các tụ điểm ăn chơi thác loạn, từ bạo lực gia đình đến sự thanh toán giữa các thế lực xã hội đen, từ hành vi manh động, lẻ tẻ đến tội phạm có tổ chức, từ người dân ít học đến cán bộ am hiểu pháp luật, từ nhân viên ngân hàng đến các đại gia tên tuổi,...

Đáng lo ngại hơn cả là sự xuất hiện và lộng hành của các băng nhóm tội phạm, biểu hiện của các loại tội phạm có tổ chức, chúng hình thành và tạo nên sức mạnh ngầm chi phối các sinh hoạt bình thường và lành mạnh của xã hội, sẵn sàng tham gia vào các hoạt động từ đòi nợ thuê đến cho vay nặng lãi, từ đe dọa, bắt người đến bảo kê cho buôn lậu, mại dâm, ma túy. Đặc biệt, tội phạm có tổ chức thường có “quan hệ rộng”, kể cả với các cá nhân làm việc trong chính quyền, cơ quan chức năng nhà nước.

Vụ việc xảy ra gần đây nhất là một giám đốc ở Hà Nam đi lễ chùa bị bắn chết. Nạn nhân được cho rằng là một tay anh chị, có tiếng trong giới giang hồ và đây là một vụ thanh toán lẫn nhau của những thế lực “xã hội đen”. Sự việc này cho thấy tính chất tội phạm đã đổi thay khi giang hồ khoác áo giám đốc, có nghĩa là về mặt xã hội, anh ta có vị trí đáng tôn trọng, thể hiện vai trò của một công dân, nhưng thực chất anh ta đang điều hành những công việc vi phạm pháp luật.

Tương tự, trùm đường dây ma túy vừa bị bắt với một kho vũ khí nóng cũng là giám đốc một doanh nghiệp, chủ các tụ điểm ăn chơi thác loạn cũng vậy. Đáng lưu tâm là tại sao biết là “xã hội đen”, là giang hồ khoác áo giám đốc mà không có cách nào ngăn chặn từ trước để tội phạm hoành hành rồi mới ra tay hoặc xảy ra sự cố “cháy nhà mới ra mặt chuột”.

Phòng chống tội phạm luôn là cuộc chiến cam go. Và việc bảo vệ trật tự trị an xã hội là trách nhiệm không chỉ của cơ quan pháp luật mà còn là của toàn xã hội, vì cuộc sống bình yên của nhân dân, vì niềm tin của nhân dân với Nhà nước.

Đọc thêm