Liên tục bắt được cả tấn mỹ phẩm giả…
Hiện nay, các shop mỹ phẩm bày bán đủ các thương hiệu mỹ phẩm từ cao cấp đến thấp cấp. Một chủ shop trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) khẳng định, thực ra người tiêu dùng đôi khi biết rõ mỹ phẩm kém chất lượng nhưng vì không có đủ tiền để mua hàng chính hãng nên gần như phải chấp nhận mua các sản phẩm kém chất lượng. Chị này cũng cho biết, một trong những lý do cửa hàng chị đông khách là do chị thường nhập song song hai loại hàng, một loại chính hãng và một loại “nhái” có giá thấp hơn nhiều để người tiêu dùng so sánh về giá cả và có nhu cầu mua loại nào thì bán loại đó.
Chị Dương Mai Lan, một chuyên viên truyền thông chia sẻ: Bây giờ mua mỹ phẩm ở đâu cũng lo mua phải hàng giả. Ra chợ thì hàng giả, hàng nhái tràn lan, quầy nào cũng có. Nếu không phải là một người có những hiểu biết nhất định về nhãn hiệu, thương hiệu, việc mua phải hàng giả, hàng nhái là việc đương nhiên.
Trong báo cáo tổng kết về kết quả thực hiện đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả (bao gồm thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm) của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại cho thấy, trong 3 tháng năm 2015 (từ 15/7-15/10), cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 3.619 vụ việc vi phạm.
Đặc biệt, đầu tháng 12 Tổ công tác đặc biệt DB113 Tổng cục Cảnh sát phối hợp với Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa phát hiện hàng chục tấn bánh kẹo, nước uống, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… không xuất trình được đầy đủ hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại kho hàng trong khuôn viên Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Tất cả bao bì sản phẩm đều in chữ Hàn Quốc và không dán tem phụ bằng tiếng Việt theo quy định.
Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm buôn lậu – C74, Bộ Công an vừa phối hợp với Công an Hà Nội và Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng vừa phát hiện gần 30 tấn hàng hóa không rõ nguồn gốc đang tập kết tại một kho hàng ở quận Hoàng Mai, mặt hàng chủ yếu cũng là mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Điều đáng lo ngại là các mặt hàng lậu, hàng giả những thương hiệu lớn.
Cuộc chiến không cân sức!
Thực tế tình trạng kinh doanh mặt hàng này cho thấy, trong khi các hãng mỹ phẩm lớn đặt cửa hàng ở các vị trí trung tâm, ở các trung tâm thương mại đều thưa thớt, vắng khách thì ở các cửa hàng nhỏ lẻ, lượng khách đến tìm hiểu, mua mỹ phẩm khá đông. Đa phần các ý kiến, quan điểm của các chị, các cô đều là “sản phẩm phù hợp thì dùng”. Tiêu chí phù hợp ở đây được hiểu là giá thành hạ, sản phẩm chưa gây ra hậu quả (tác dụng phụ) ngay tức khắc nên được các “thượng đế” cho là tạm chấp nhận được.
Tất nhiên ít người quan tâm, điều nguy hại khi sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng là những ảnh hưởng của nó chỉ đến sau cả một quá trình lâu dài sử dụng chứ không gây hậu quả nghiêm trọng ngay tức thì nên người tiêu dùng vẫn cứ sử dụng… vô tư. Việc thông tin về bệnh nhân này bị nổi mụn dị ứng khắp mặt, bệnh nhân kia da đột nhiên sùi lên như cóc đến bệnh viện da liễu khám chưa khiến những người tiêu dùng lo sợ.
Rồi thêm việc giá cả các sản phẩm chênh lệch nhau đến 10 lần cũng là một cản trở cho cuộc chiến cam go này. Và lợi nhuận đến từ việc làm giả mỹ phẩm thì… cao hơn cả buôn ma túy (như nhận định của một chuyên gia kinh tế) càng khiến cho cuộc chiến giữa mỹ phẩm giả và mỹ phẩm chính hãng ngày càng trở nên không cân sức.
Nhu cầu tìm được mỹ phẩm thương hiệu lớn với giá rẻ bèo tăng cao càng khiến cho thị trường mỹ phẩm giả chưa bao giờ hết “sốt”. Cuộc chiến này chưa biết bao giờ mới đến điểm dừng nếu người tiêu dùng không tự giúp một tay… đình chiến bằng cách chỉ nên dùng những sản phẩm chính hãng. /.