Sài Gòn vào đầu thế kỷ 20 nổi lên những tay “yêng hùng”, những tay lục lâm, nhưng lại thích tự xưng mình là hảo hán. Trong số này phải kể đến trước tiên là Sáu Ngọ.
Người ta nói, người Pháp đến Việt Nam vào thế kỷ 19 nói là khai phá một nước chậm tiến, nhưng lại mang theo hai thứ họa lớn: sự xâm lược đô hộ và một nếp sống sa đọa, ngoại lai. Sự sa đọa đầu tiên là nạn cờ bạc, hút xách. Nói như thế không có nghĩa là ở Việt Năm trước đó không có cờ bạc, và các tệ nạn xã hội, tuy nhiên nếu có thì cũng ở mức độ nhỏ, một thứ tệ nạn “nội địa”.
Phải đợi khi người Pháp có mặt, đồng thời được sự “tiếp tay” của một số người, thì những gì của ngoại bang mới thực sự xâm nhập. Người dân Sài Gòn đã bắt đầu nghe nói về những “thiên đàng” đỏ đen ở Macau, Monte-Carlo và Las Vegas. Và một hậu quả tất yếu của sự “lây nhiễm” này là sự ra đời của các sòng bạc, những nơi chốn mang hình thức casino, và sự nổi lên của những “ông trùm”, trong số này có Sáu Ngọ.
Sáu Ngọ được dân Sài Gòn gọi bằng Thầy Sáu, không phải do có chức tước gì, hay giàu sang phú hộ gì, mà chỉ vì là Trùm. Sáu Ngọ nổi lên từ hàng dân đen, có máu giang hồ và có mộng làm “dân cậu”. Đầu tiên “thầy Sáu” bắt chước Tây, đứng ra lập các Xẹc (Cerle - Câu lạc bộ giải trí) riêng cho người Việt Nam. Thực chất đây là các sòng bạc, được tổ chức lén lút, trong phạm vi hẹp, tuy nhiên mức sát phạt thì không nhỏ.
Vào những năm đầu thế kỷ, hệ thống sòng bạc của Sáu Ngọ hiện diện khắp Sài Gòn-Chợ Lớn và các vùng phụ cận. Sáu Ngọ là chủ chứa, là trùm, hay gọi là “đầu nậu” cũng được, và nếu cần cũng có thể gọi là “bố già” của một dạng mafia thời đó. Ông ta tổ chức băng nhóm những tay anh chị, du côn để bảo vệ công việc làm ăn, đồng thời để trấn áp những địch thủ dám phá bĩnh việc “kinh doanh” của thầy Sáu.
Giống như kiểu mafia Ý, Sáu Ngọ gần như mua đứt làng lính, mua cả những quan tòa, biện lý người Pháp nổi tiếng là dữ dằn, để vô hiệu hóa mọi sự cản trở hoạt động của ông ta. Sáu Ngọ còn chơi trội, dùng tiền mua luôn quốc tịch Pháp, lấy tên là Paul, và lộng hành càng dữ.
Đứng trước tình hình đó, một số quan tòa Pháp tỏ ra cứng rắn hơn, trong số này có biện lý Lafrique. Ông này quyết bằng mọi cách triệt hạ cho được Sáu Ngọ, đôi lần làm cho “vua cờ bạc” phải điêu đứng. Nhưng rồi bằng nhiều mánh khóe, thủ đoạn, Sáu Ngọ vẫn tồn tại, và nạn cờ bạc vẫn lan rộng ở Sài Gòn, và các tỉnh Nam kỳ. Và đây là nguyên nhân dẫn tới việc ra đời một casino quy mô lớn hơn, đó là Đại Thế Giới và Kim Chung.
***
Đại Thế Giới (Grand Monde) được người Pháp chính thức cho thành lập với lý do: thà cho cờ bạc công khai, có lấy thuế, còn hơn để kiểu cờ bạc lén lút nhưng tràn lan như kiểu của Sáu Ngọ, vừa thất thu thuế, vừa bị xúc phạm đến quyền lực của chính phủ bảo hộ Pháp.
Đồng lúc thành lập với Đại Thế Giới có sòng bạc Kim Chung ở khu vực cầu Muối, cầu Ông Lãnh (nay là khu Dân Sinh, phường cầu Ông Lãnh, TP HCM), nhưng Kim Chung có qui mô kém hơn, đối tượng chơi thuộc loại bình dân hơn Đại Thế Giới, nên mỗi khi nhắc tới casino tiêu biểu của Sài Gòn, người ta hay nói đến Đại Thế Giới.
Đại Thế Giới tọa lạc trên đường Galliéni (nay là đường Trần Hưng Đạo, Quận 5), trong một khuôn viên rộng mênh mông, vòng rào tường cao, cửa ra vào có bảo vệ mặc đồng phục canh gác cẩn mật, người ra vào tự do, nhưng không phải ai cũng mạnh dạn vào, bởi muốn bước vào phải có tiền và bởi cái “sát khí” của thần đỏ đen luôn vừa quyến rũ thiên hạ, lại vừa hù dọa mọi người.
Trên cổng lớn sáng rực ánh đèn néon, hàng chữ Grand Monde (Đại Thế Giới), như một lời xác nhận với mọi người dân Sài Gòn rằng nơi đó là sòng bạc được nhà nước bảo trợ, cứ mặc tình mà sát phạt.
Phép hoạt động là của nhà nước cấp, nhưng tư nhân điều hành. Ngay từ đầu khai trương, ai cũng tưởng Sáu Ngọ hay vài tay có máu mặt sở tại sẽ được cho đứng thầu, nhưng không, chủ thầu là một tay nào đó từ Hồng Kông đến. Sở dĩ người Pháp cho các tay Hồng Kông trúng thầu vì họ hiểu rằng, chỉ có những người từng am tường về tổ chức sòng bạc tầm cỡ thì mới có khả năng đưa Đại Thế Giới lên ngang tầm với các sòng bạc ở châu Á.
Người trúng thầu vốn xuất thân từ các sòng bạc ở Macau, đã sành sỏi về tổ chức casino, do đó ông ta đã rập khuôn từ mọi hình thức đến mọi mánh khóe. Cùng kéo sang “miền đất hứa” mới với chủ còn có những cô hồ-lì (người đứng điều khiển cuộc chơi của từng môn đỏ đen, theo cách gọi của người Trung Hoa) xinh đẹp và sành điệu, thừa sức làm vừa lòng khách chơi, dù có bị thua cháy túi.
Ngay từ lúc mới mở cửa, Đại Thế Giới đã thu hút ngay con số khách đỏ đen kỷ lục: tuần lễ đầu luôn có một vạn người tới thử thời vận mỗi ngày, nhà chứa thu vô không dưới một triệu đồng (một triệu đồng bạc Đông Dương hồi đó hết sức lớn, bằng bạc tỷ bây giờ). Tiền nộp cho nhà nước không phải ít, từ 200 nghìn, sau lên 300 nghìn và có lúc lên đến 500 nghìn/ngày, vậy chủ chứa vẫn hốt đậm hơn bất cứ ngành kinh doanh nào khác.
Khách chơi lúc đầu còn giới hạn trong giới trung lưu, đến người nhiều tiền, lần hồi thu hút tới những giới bình dân, cả phu kéo xe, phu bốc vác bến tàu, vì có đủ hình thức chơi, từ hốt me, tài xỉu, đến roulette... Người chơi không cần phải “động não” nhiều, và cũng không cần có nhiều vốn. Nhiều thua nhiều, ít thua ít, chỉ không đánh mới không thua.
Vậy mà Đại Thế Giới như có bùa, như ma túy gây nghiện, nó có thứ ma lực lạ lùng càng lúc càng lôi cuốn người chơi lao vào như con thiêu thân trước ánh đèn. Thế là bước đầu người Pháp thắng một keo quan trọng. Loại được Sáu Ngọ một cách nhẹ nhàng, hiệu quả...
***
Xung quanh sòng bài này, có cuộc chiến giữa khách chơi là nhà cái, cuộc chiến giữa bản thân người chơi với gia đình họ, và cuộc chiến cực kỳ quyết liệt giữa những thế lực để giành quyền chi phối sòng bạc Đại thế giới. Từ ngày Đại Thế Giới mở ra, đã có không biết bao thảm cảnh gia đình xảy ra. Có người là công chức cấp cao của nhà nước, giàu sang tột bực, vậy mà chỉ trong vòng vài tuần “làm quen” với Grand Monde, đã nướng hết sản nghiệp vào đó, và tất nhiên là nướng luôn cả cuộc đời.
Có những người vợ, những cô này bà nọ, chỉ vì ham vui, vào thử vài lần, rồi bắt bén vào tiếp và... cuối cùng lột hết vòng vàng nữ trang, lấy cắp cả tiền ở nhà, “cúng” sạch, và sau đó là “cúng” luôn cả cái ngàn vàng của mình! Thời đó cầu Bình Lợi (thuộc quận Bình Thạnh bây giờ) được xem là nơi kết liễu những cuộc đời bất hạnh, sau một đêm cháy túi ở Đại Thế Giới...
Người ta đổ xô vào Đại Thế Giới lập lòe ánh sáng ma quái, để chơi, để khóc và cả để chết. Vậy mà như một luồng thác lũ, không thể ngăn nổi. Trong khi đó một cuộc đổ xô khác, ở phía những thế lực muốn nắm Đại Thế Giới, cũng đến hồi quyết liệt.
“Đức quốc trưởng” Bảo Đại đã được người Pháp giao lại nguồn lợi Đại Thế Giới, như là một món quà ân thưởng, làm cho ông vua sành cờ bậc này thích thú không gì bằng. Đệ nhị thế chiến nổ ra, tình hình sôi sục, nhưng vẫn không ảnh hưởng gì đến sòng bạc Đại Thế Giới, nếu không muốn nói là nó còn chuẩn bị sức để phất mạnh hơn ở tương lai.
Giai đoạn “sục sôi” nhất của Đại Thế Giới là thời điểm giới “yêng hùng lục lâm” và vài tay chính trị hàng đầu của chính quyền Sài Gòn chĩa mũi dùi vào sòng bài. Từ năm 1947 đến 1953, đã nhiều lần Đại Thế Giới nằm trong tầm ngắm của nhiều người. Đến khi xảy ra cuộc đối đầu chính trị giữa phe Ngô Đình Diệm với phe trung thành của vua Bảo Đại, thì rõ ràng có một người rắp tâm nuốt chửng “cái máy hốt bạc” này.
Người đó là Bảy Viễn, thủ lãnh nhóm Bình Xuyên, vốn là tay “anh chị”, từng nuôi mộng như Sáu Ngọ, nên khi được quyền lực trong tay, được Bảo Đại ủng hộ, được các tướng lãnh thân Pháp hậu thuẫn, Bảy Viễn đã làm một cuộc “đảo chánh”, lật đổ sự thống trị của các nhà thầu người Hồng Kông khỏi lãnh địa Đại Thế Giới.
Bình Xuyên đã trúng thầu khai thác Đại Thế Giới với giá 500 ngàn đồng mỗi đêm, thừa sức có tiền nuôi quân đóng bên kia cầu chữ Y của họ, và thả sức ăn tiêu, bỏ túi riêng. Đại Thế Giới như một mỏ vàng gần như vô tận, ai nắm được nó thì nắm được cả sức mạnh chính trị về tay mình.
Rồi đến khi nổ ra cuộc “huynh đệ tương tàn” giữa Ngô Đình Diệm và Bình Xuyên, mà cuối cùng Bình Xuyên bị thua, tan rã và Đại Thế Giới cũng bị khai tử luôn. Những ngày đầu năm 1955 đã đánh dấu ngày tàn của Grand Monde, khi chính quyền thời đó trước áp lực của quần chúng, đã phải ngậm ngùi ký lệnh dẹp sòng bạc lớn nhất Đông Nam Á.