Người phụ nữ khiến sen nhả lụa

(PLO) - Nghệ nhân Phan Thị Thuận từ lâu vốn được nhiều người biết đến là bậc thầy của nghề dệt lụa tơ tằm ở làng quê Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Nội). Câu chuyện cuộc đời bà gắn liền với chuyện của những chú tằm chăm chỉ. Từng được nhiều người biết đến với phương pháp điều khiển tằm tự dệt chăn tơ nhưng với niềm say mê nghề dệt, sau hai năm tìm tòi, mới đây nghệ nhân Thuận trở thành người đầu tiên của Việt Nam tạo ra những chiếc khăn lụa được dệt từ tơ sen – một sản phẩm chứa đựng phần tinh hoa và hồn cốt của dân tộc. 
Nghệ nhân Thuận là người Việt đầu tiên dệt vải từ tơ sen
Nghệ nhân Thuận là người Việt đầu tiên dệt vải từ tơ sen

Từ cái tâm đau đáu giữ nghề

Cách trung tâm thủ đô Hà Nội chừng 40 km, xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức) nằm bên dòng sông Đáy hiền hòa. Nơi đây vẫn in đậm nét làng quê Việt với những ngôi nhà mái ngói 5 gian, hàng hoa râm bụt,... Được biết, từ nghìn năm xưa, Phùng Xá vốn đã nổi tiếng với nghề dệt truyền thống. Đi khắp thôn làng, đâu đâu cũng vang lên tiếng máy dệt, một thứ âm thanh đặc trưng chẳng thể lẫn với những xã lân cận khác. Sản phẩm lụa của Phùng Xá làm ra không chỉ bán lên Hàng Ngang, Hàng Đào ở Hà Nội mà được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Ngày nay, nghề dệt ngày càng mai một, người dân trong xã rời nghề làm công việc khác phù hợp xu thế với thị trường. Trải qua nhiều biến động, thăng trầm của lịch sử, đến nay bà Thuận được xem là một trong số ít những nghệ nhân còn bám trụ với nghề dệt lụa ở Phùng Xá. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống lâu đời với nghề dệt, chứng kiến sự mai một của làng nghề, nghệ nhân Phan Thị Thuận luôn đau đáu trong lòng việc tìm hướng đi mới cho nghề truyền thống của gia đình, quê hương. Bà tâm niệm, muốn giữ được nghề trước hết phải có tâm và có đạo đức. 

Mặc dù ngày nay, cuộc sống hối hả du nhập những điều mới mẻ và hiện đại nhưng người nghệ nhân như bà Thuận vẫn rất coi trọng truyền thống và quá khứ. Bà cho hay, hiện đại chẳng tự nhiên mà có, mọi thứ mới mẻ đơn giản cũng chỉ bắt đầu từ những thứ đơn sơ. Với bà Thuận, để làm ra những sợi tơ đẹp thì không phải chuyện đơn giản. Điều đó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như người ươm tơ, máy ươm, máy xe tơ cùng nhiều công đoạn khác. Với lẽ đó, bà không ngừng tìm tòi cải tiến kỹ thuật để giữ gìn, bảo tồn, phát triển nghề truyền thống của quê hương.

Trước đó nhiều năm, bằng phương pháp điều khiển tằm tự dệt chăn tơ nghệ nhân Thuận đã từng khiến nhiều người dân trong và ngoài nước biết đến bằng niềm ngưỡng mộ. “Những con tằm sẽ làm thay cho nhân công lao động dệt vì chính chúng là những người thợ giỏi nhất mà không thợ lành nghề nào có thể làm được. Như vậy, sẽ giảm bớt sự vất vả cho người lao động mà còn tăng năng suất tạo ra sản phẩm”, bà Thuận cho biết.

Bằng sự hăng say trong công việc, dần dần những sản phẩm như khăn, áo,...của bà Thuận đã được đưa ra thị trường. Ban đầu khách hàng vẫn còn lạ lẫm, nghi ngờ về chất lượng, sản phẩm bán ra cũng chẳng được bao nhiêu. Nhưng những điều đó cũng chẳng thể khiến bà nản lòng. Bà Thuận tiếp tục đẩy mạnh sản phẩm, nâng cao mẫu mã, dần dần những chiếc khăn, áo lụa tơ tằm của bà đã được những khách hàng nước ngoài chọn mua, sản phẩm tiêu thụ đến đâu hết đến đó, chủ yếu thông qua các đơn đặt hàng xuất khẩu đi nước ngoài.

Tuy nhiên bằng niềm đam mê với nghề dệt, bà Thuận không đành lòng dừng lại khi chỉ đơn thuần là tìm kiếm một “lực lượng lao động” mà với ước mong nâng hàng Việt Nam lên một đỉnh cao mới ngày ngày bà vẫn trăn trở, suy nghĩ tìm thêm hướng đi mới.

“Sản phẩm tơ lụa của ta, dù cố gắng đến bao nhiêu cũng không đạt đến cấp A của thế giới, tôi muốn tạo ra một sản phẩm mà về công nghệ sản xuất, về chất lượng có thể được liệt vào số một, vì thế tôi quyết tâm tìm hướng đi riêng. Hiện tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, làm sao để nâng cao chất lượng, rút ngắn các công đoạn sản xuất. Tuy nhiên, đây là việc khó, nên đòi hỏi nhiều thời gian, công sức”, bà Thuận nói.

Để lấy được tơ sen đòi hỏi bàn tay khéo léo của nghệ nhân
Để lấy được tơ sen đòi hỏi bàn tay khéo léo của nghệ nhân

Mở ra triển vọng mới cho nghề dệt lụa, nghề trồng sen

Và rồi bà ấp ủ dự định tìm ra một loại vải mới – dệt lụa từ tơ sen. Kể về ý tưởng dệt vải từ tơ sen, bà Thuận cho biết cơ duyên đến rất tình cờ. Năm 2017, trong một lần đại biểu Quốc hội cùng với cán bộ huyện Mỹ Đức tới thăm cơ sở sản xuất, một nữ đại biểu gợi ý bà Thuận thử nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm lụa bằng tơ sen. “Ban đầu tôi thấy rất lạ, tò mò vì chưa nghe thấy sản phẩm này bao giờ. Tuy nhiên khi lên mạng tìm hiểu thì mới biết, việc dệt lụa từ tơ sen khá phổ biến và được ưa chuộng ở Myanmar”, bà Thuận chia sẻ.

Ngay sau đó, bà dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu. Bà mua một khu ruộng về trồng sen và làm thử nghiệm, tuy nhiên, việc lấy sợi từ tơ sen khó hơn gấp nhiều lần so với tơ tằm truyền thống. Theo bà Thuận, sợi tơ sen vốn mảnh, dễ đứt đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mẩn mới có thể rút được, những người vội vàng, nóng sốt sẽ chẳng thể làm được công việc này. Đặc biệt, cuống sen sau khi ngắt phải được dùng trong vòng một ngày nếu không cuống sẽ bị khô, tơ bị rút sợi, sẽ hỏng hoàn toàn không thể dùng được do đó đòi hỏi cả độ nhanh khi làm. 

Thời gian đầu, không có kinh nghiệm, ở Việt Nam chưa có ai làm nên bà Thuận liên tục gặp thất bại. Không từ bỏ ý định, bà đóng cửa ở một mình nhiều tháng trời để tiếp tục thử nghiệm và tìm lối đi riêng. Bỏ rất nhiều công sức, từ lúc bắt đầu lên ý tưởng cho tới khi thực hiện, nghệ nhân đã dồn hết tâm sức cho sản phẩm độc đáo này. Các công đoạn để tạo ra sợi tơ sen đều phải làm thủ công, nên bà Thuận gặp không ít khó khăn. Phải tỉ mỉ từ khâu thu mua cuống sen, rồi phân loại riêng cuống già, cuống non, cuống bánh tẻ,... Tất cả các công đoạn tạo ra sợi tơ sen đều thật chỉn chu và rất cầu kỳ. Cuống sen sau khi được ngắt trực tiếp từ đầm phải rửa qua 2 lớp nước để làm sạch bùn và gai. Cuống sạch thì tơ mới sạch và đẹp. Cuống nào cũng làm được tơ sen, riêng cuống non cho lượng tơ dẻo và đẹp. 

Để lấy được tơ sen, bà Thuận dùng dao khứa xung quanh cuống sen, rồi dùng tay vặn và kéo tơ, đồng thời ve cho sợi tơ sen tròn lại, nếu cắt quá sâu sẽ làm đứt luôn phần sợi tơ bên trong. Do đó đòi hỏi người thợ phải tính toán, căn thời gian, đặt dao thế nào để cắt cuống rút sợi cho nhanh, nhịp nhàng. Phải dùng tay trực tiếp vê sợi, việc này đòi hỏi kỹ thuật cao, đều tay và có sức khỏe tốt mới có thể theo được. Với những sự khó đó nhưng với sự khéo léo, tinh tế từ bàn tay của người nghệ nhân, sau 2 năm vừa nghiên cứu vừa thử nghiệm, nghệ nhân Thuận cho ra lò những chiếc khăn quàng cổ đầu tiên được sản xuất từ sợi tơ của sen. Theo đó sợi sen được bà tạo ra trông có vẻ mềm mại, dịu dàng nhưng lại cực kỳ kiêu sa, với mùi thơm đặc trưng.

Theo bà Thuận, để ra được một chiếc khăn lụa tơ sen dài 1,7m, rộng 0,25m, bà Thuận và cộng sự phải mất 90 giờ kéo sợi, tốn khoảng hơn 4000 cuống sen tương đương 2.218m sợi. Tơ sen rất nhẹ, dễ đứt nên dệt trên khung cửi cũng phải rất cẩn thận, mất công hơn nhiều so với dệt tơ tằm và phải chế tạo khung cửi riêng.

Năm đầu thử nghiệm, cơ sở của bà sản xuất được 10 chiếc khăn lụa tơ sen với giá khoảng bốn đến năm triệu đồng/chiếc. Sản phẩm vừa qua quá trình thử nghiệm, bà mong mỏi sẽ truyền lại được những kỹ thuật dệt tơ sen cho mọi người làm nghề để sản xuất rộng rãi chứ không phải dừng ở khâu thử nghiệm. Ngoài ra, bà kỳ vọng việc sản xuất sợi sen sẽ mở ra triển vọng nâng cao giá trị kinh tế của nghề trồng sen, đồng thời tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho những lao động nhàn rỗi trong làng. 

Xưởng nhà nghệ nhân Phan Thị Thuận chỉ có khoảng 20 nhân công, chuyên cả vải tơ tằm lẫn tơ sen. Người gắn bó lâu nhất cũng đã chục năm nay, người mới thì chỉ tầm nửa tháng. Mọi máy móc được sử dụng đều đơn sơ và mộc mạc. Nghệ nhân Thuận không hề giấu nghề. Bà sẵn sàng chỉ dạy mọi công đoạn từ cách lấy sợi tơ sen đến cách dệt khăn cho người làm của mình. Dù người đó có gắn bó dài lâu hay chỉ nửa vời, ai bà cũng chỉ bảo tận tình và hết sức tỉ mỉ. Bởi lẽ đó trong vùng, bà Thuận nổi tiếng nghiêm khắc và kĩ tính.

Đọc thêm