Trước sự bất thường đó, gần 200 khách hàng có mặt phản ứng quyết liệt, đặt câu hỏi đơn vị đấu giá để lại 8 lô làm gì? Khách hàng đã nộp lệ phí, tiền đặt cọc rồi bỏ thời gian nghiên cứu, tham dự không lẽ chỉ tới theo dõi chờ hết cuộc đấu giá rồi nhận tiền cọc. Phải chăng, phiên đấu giá này thiếu minh bạch, có dấu hiệu vi phạm quy chế?
Để lại 8 lô đất sát “giờ G”
Từ ngày 5/6/2018, đơn vị tổ chức đấu giá là Chi nhánh Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ về tài sản - bất động sản DATC (gọi tắt là Công ty DATC) đóng tại số 42 Tố Hữu, TP Huế được Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Phú Vang thuê đứng ra thực hiện cuộc bán đấu giá đất. Công ty này thông báo rộng rãi việc tổ chức đấu giá 43 lô đất ở với tổng diện tích 7.465m2.
Sáng 12/7, gần 200 khách hàng tới hội trường với mong muốn sẽ đấu được lô đất như ý thì Ban đấu giá (BĐG) bất ngờ thông báo bằng miệng chỉ đấu giá 35 lô và để lại 8 lô có ký hiệu lô số: 416, 417, 418, 422, 511, 512, 514 và 515.
Lúc này nhiều khách hàng bức xúc, ai cũng đặt ra câu hỏi: Để lại 8 lô đất đó làm gì? BĐG liền đưa ra lý do là tùy vào số lượng người tham gia đấu giá để điều chỉnh số lô cần đấu từ 43 lô xuống còn 35 lô cho phù hợp. 8 lô để lại sau này sẽ đấu giá. Đúng là khi lật lại thông báo đấu giá đất, phần nội dung có câu in đậm: “Tùy theo số lượng người tham gia đấu giá mà chủ tài sản xin ý kiến UBND huyện Phú Vang đưa ra lượng tài sản đấu giá cho phù hợp”.
Tuy nhiên, nhiều người tham dự phiên đấu giá phản ứng vì theo nguyên tắc, việc tạm dừng, thay đổi diện tích hay số lượng lô đất đấu giá chỉ được phép xảy ra trong trường hợp bất khả kháng, hay trường hợp có kiện tụng do vướng mặt bằng hoặc do quy hoạch không phù hợp, còn bất kỳ lý do nào khác đều không hợp pháp. Đã thông báo số lô đất cần bán đấu giá, BĐG phải tổ chức đưa ra đấu hết, đấu công khai, minh bạch.
Một người có thâm niên trong ngành quản lý đất đai, đấu giá tài sản tham gia phiên đấu giá đất trên phân tích: BĐG để lại 8 lô đất không những trái quy định, quy chế, trái Luật Đấu giá tài sản mà còn mất thêm thời gian, tiền của Nhà nước khi phải tổ chức thêm phiên đấu giá khác. Thay đổi này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của khách hàng. Trường hợp lo lắng thời gian không đảm bảo thì chia ra nhiều ngày và phải có thông báo trước.
Một trong những lô đất BĐG dự định để lại |
Nhưng ở đây khi tới “giờ G”, BĐG lại thông báo bằng miệng chừa lại 8 lô đất, theo nguyên tắc, muốn thay đổi nội dung quyết định của văn bản thì đơn vị đó phải ra văn bản mới nhưng ở đây BĐG không có văn bản điều chỉnh nào, chỉ thông báo bằng miệng như thế khiến khách hàng có quyền nghi ngờ thiếu minh bạch.
Khách hàng phản ứng quyết liệt
Được biết, nếu giá sàn 1 lô trên 500 triệu đồng, khách hàng tham gia đấu giá phải nộp lệ phí 500 nghìn/lô, lô đất dưới 500 triệu phải nộp 200 nghìn/lô: “Tôi đã nộp lệ phí đấu đất rồi nhưng không được đấu nên hỏi BĐG thì “họ” trả lời sẽ trả lệ phí lại cho tôi. “Họ” sai rồi tiếp tục sai vì theo quy định Luật Đấu giá, khách hàng nộp tiền lệ phí sẽ không được nhận lại”, một khách hàng tham gia phiên đấu giá đất tại Phú Vang nói.
Một trong những khách hàng phản ứng quyết liệt là anh Trần Hữu Lộc (38 tuổi, ngụ xã Phú Thượng, huyện Phú Vang). Anh Lộc cho biết: “Sau khi nghe thông báo từ Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Phú Vang, tôi mua 3 bộ hồ sơ tham gia đấu giá mất 1,2 triệu đồng, đặt cọc thêm 210 triệu. Tôi quyết tâm đấu bằng được lô đất cạnh nhà mình nhưng trớ trêu nó nằm trong 8 lô mà BĐG không cho đấu, vì thế tôi không hài lòng, kịch liệt phản ứng. Ngay sáng hôm đó, tôi hỏi BĐG về việc để lại một số lô đất nhưng không được trả lời”.
Ngay tại phiên đấu giá, một nữ khách hàng nêu ý kiến: “Tôi tham gia rất nhiều lần đấu giá đất, tôi chưa từng thấy nơi nào có cách làm “kỳ quái”, “mập mờ” như ở Phú Vang; vừa không chuyên nghiệp, vừa quá xem thường người dân, có lẽ đây là trò “ma mãnh” không hợp pháp.
Trước đây vào năm 2016, tại xã Phú Thanh, huyện Phú Vang, BĐG này tổ chức 2 phiên đấu tại một khu quy hoạch được thông báo bán đấu giá. Trong phiên đấu lần 2, BĐG cũng thông báo để lại một số lô với lý do bố trí tái định cư, đất ở cho người dân địa phương. Nếu tái định cư thì phải bố trí từ trước. Tôi yêu cầu thanh tra vào cuộc để tìm hiểu việc đấu giá đất ở huyện Phú Vang”.
Phiên đấu giá “mập mờ” trên theo dự kiến sẽ diễn ra từ lúc 8h30’ sáng nhưng bị một số khách hàng phản đối quyết liệt nên đích thân ông Trần Thanh Long (Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang) kịp thời có mặt tại hội trường đấu giá để giải thích, đối thoại với khách hàng.
Đồng thời ông Long nói đơn vị đấu giá đã thông báo không rõ ràng, gây hiểu nhầm cho khách hàng. Phải đến gần 10h trưa, phiên đấu giá mới bắt đầu diễn ra, đến hơn 16h thì đấu hết 43 lô đất. Nhiều người cho rằng, BĐG đã thua lý khách hàng nhưng cũng may chính quyền kịp thời vào cuộc sửa sai.
Sau sự việc trên, 43 lô đất được hoàn tất thủ tục sang nhượng, trong đó 8 lô (có diện tích từ 150-179m2/lô - PV) mà BĐG dự định để lại đều có địa thế đẹp nên, mức giá khởi điểm đấu thầu từ 2,5 - 3,0 triệu đồng/m2, sau đó bán ra giá xấp xỉ gấp đôi.
“Dừng đấu giá 8 lô đất là sai”
Ông Dương Bá Tám (Phó Giám đốc phụ trách DATC tại TP Huế) cho biết đơn vị này chỉ được thuê thực hiện cuộc bán đấu giá mà thôi.
Để hiểu rõ sự việc, PV đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Tưởng (Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Phú Vang), ông này giải thích: “Tôi đã qua bên Trung tâm Phát triển Quỹ đất được 5 năm, đã trải qua nhiều cuộc đấu giá nhưng thường đấu 30 lô/ngày. Hôm ở thôn Chiết Bi đấu tới 43 lô đất, đó là số lượng lớn nhất từ trước đến nay nên để đảm bảo thời gian, sức khỏe của khách hàng cũng như thành viên trong hội đồng đấu giá chúng tôi mới tính toán để lại 8 lô đất. Tôi chỉ nghĩ sự việc đơn giản, chứ cấp trên không hề chỉ đạo gì cả”.
Ban đấu giá “bất thành” trong việc để lại 8 lô đất. |
Cũng theo ông Tưởng, hôm diễn ra phiên đấu giá, BĐG làm việc không nghỉ trưa, còn mua nước, bánh mì cho khách hàng ăn và cắt giảm một số thủ tục không cần thiết nhưng cũng phải đến 4h chiều mới xong: “Sau đó, chúng tôi còn hoàn tất thủ tục tới chiều muộn. Cả hội đồng chúng tôi không cơm nước, nghỉ ngơi gì cả”, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Phú Vang nói tiếp.
PV tiếp tục có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tú (Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Thừa Thiên – Huế), ông Tú thẳng thắn chia sẻ, theo quy định của Luật Đấu giá thì việc đơn vị đấu giá dừng đấu 8 lô đất ở xã Phú Thượng, huyện Phú Vang là sai. Dù sau đó, đơn vị này đã khắc phục nhưng việc làm trước đó là không minh bạch, sai quy định. Nếu “bỗng nhiên” không đấu 8 lô đó thì khách hàng là người thiệt thòi nhất vì họ tốn thời gian, công sức lại thiệt hại về kinh tế.
Ông Tú tiếp tục: “Đơn vị đấu giá thông báo “miệng” việc chỉ cho đấu 35 lô đất trước giờ đấu giá là sai. Theo nguyên tắc, muốn dừng phải có văn bản rõ ràng để đảm bảo tính minh bạch. Văn bản mới phải hợp lý, nêu cụ thể lý do vì sao dừng, thời gian đấu giá lại diễn ra vào lúc nào?”.
Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Thừa Thiên – Huế kiến nghị, UBND cấp huyện cần chỉ đạo Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Phú Vang nghiêm túc chấn chỉnh, thực hiện đúng theo phương án đấu giá đã thông báo và Luật Đấu giá tài sản.
Dù chính quyền cũng như BĐG đã kịp thời sửa sai từ phản ứng quyết liệt của người dân, nhưng nhiều người cho rằng sự việc này cần phải được làm rõ. Nếu không chấn chỉnh, không chỉ người dân chịu thiệt thòi mà Nhà nước cũng thất thu một số tiền lớn: “Mọi cuộc chơi luôn đòi hỏi tính công bằng, sòng phẳng. Nếu người tham gia đấu giá sai phải mất số tiền đặt cọc tương đối lớn. Nhưng nếu đơn vị tổ chức đấu giá thiếu minh bạch, sai phạm thì nên chăng cũng phải xử lý nghiêm, làm gương cho các đơn vị khác”, một khách hàng đấu giá nói.