Cuộc thanh tra ở xã Đồng Tâm được theo dõi thường xuyên để đảm bảo khách quan

(PLO) - Đây là khẳng định của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh tại cuộc họp báo công tác thanh tra quý I/2017 diễn ra hôm qua (24/4). 

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh chia sẻ: Do đây đang là vụ việc thuộc thẩm quyền của Thanh tra TP Hà Nội nên đến thời điểm này, Thanh tra Chính phủ không cử người trực tiếp tham gia đoàn. 

“Tuy nhiên, không chỉ riêng cuộc thanh tra này mà cả các vụ việc khác, với trách nhiệm quản lý nhà nước của mình trong hoạt động thanh tra, Thanh tra Chính phủ sẽ thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin và cùng lãnh đạo TP Hà Nội để đảm bảo cuộc thanh tra diễn ra đúng quy định của pháp luật, khách quan, chính xác một cách triệt để” - ông Khánh khẳng định.

Nhấn mạnh cả phía cơ quan quản lý nhà nước và người dân đều rút ra được rất nhiều bài học trong vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm, ông Khánh cho biết thêm: “Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân, tới đây, Thanh tra Chính phủ sẽ nghiên cứu một cách thận trọng về thay đổi quy trình, những quy định pháp luật về tiếp công dân. Có lẽ không chỉ việc tiếp công dân mà còn cả các việc khác để qua đó các cơ quan nhà nước cũng sẽ tổng kết để đúc rút kinh nghiệm, bổ sung quy định cần thiết cho công tác quản lý của mình”.

Bên cạnh đó, ông Khánh cũng thông tin về một số cuộc thanh tra khác đang thu hút sự quan tâm của dư luận như thanh tra tại Mobifone, Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC), Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV). Theo đó, ông Khánh thừa nhận hai cuộc thanh tra tại Mobifone và TKV đã chậm về thời hạn ra kết luận, riêng cuộc thanh tra tại PVC vẫn đang trong hạn quy định. Tuy nhiên, đối với hai cuộc thanh tra bị chậm là do có những nội dung còn có ý kiến khác nhau, cần phải làm việc nhiều lần với các cơ quan liên quan, thậm chí quay trở lại làm việc với đối tượng thanh tra và trong quá trình thanh tra dù chưa ban hành kết luận thì có những việc đã kịp thời xử lý. 

Xung quanh thông tin báo chí phản ánh về tài sản của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Tuấn Anh cho biết, vụ việc trên liên quan đến kê khai tài sản theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và thẩm quyền xác minh nội dung này thuộc Thành ủy TP Đà Nẵng. Thành ủy Đà Nẵng đã kiểm tra, thông tin sơ bộ trở lại cho báo chí. Thời gian tới, nếu nhận được chỉ đạo của các cấp thì Thanh tra Chính phủ sẽ thông tin thêm” – ông Tuấn Anh cam kết. 

Về công tác hoàn thiện thể chế trong công tác phòng, chống tham nhũng, theo ông Tuấn Anh, hiện những thông tin về tố cáo hành vi tham nhũng qua điện thoại, fax, email vẫn đang được tiếp nhận, xử lý. Tuy nhiên, trong quá trình sửa đổi Luật Tố cáo, hình thức tố cáo này sẽ được Thanh tra Chính phủ phối hợp với các cơ quan chức năng của Quốc hội nghiên cứu quy định cho phù hợp thực tiễn…

Theo kế hoạch, quý II/2017, Thanh tra Chính phủ dự kiến sẽ triển khai 10 cuộc thanh tra, trong đó sẽ thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai, tập trung vào việc chuyển đổi sử dụng đất từ đất quốc phòng, an ninh sang mục đích khác (tại Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa). Đây là vấn đề rất nóng đang diễn ra tại một số địa phương, nếu không giải quyết tốt sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra mất trật tự an toàn xã hội.

Đọc thêm