Cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp 2013: Đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong nhân dân

(PLO) - Một năm qua, Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của mọi tầng lớp nhân dân. Có thể nói, chưa có cuộc thi nào mà Ban Tổ chức cuộc thi các cấp lại nhận được số lượng bài dự thi lớn (với gần 5 triệu bài dự thi) với sự đầu tư công phu và tâm huyết của người dự thi như cuộc thi này. 
Một tác phẩm dự thi Cuộc thi Tìm hiểu Hiến pháp 2013 được tác giả đầu tư công phu
Một tác phẩm dự thi Cuộc thi Tìm hiểu Hiến pháp 2013 được tác giả đầu tư công phu
Ban Tổ chức cuộc thi cho biết, nhiều bài dự thi đã để lại ấn tượng đặc biệt sâu sắc về sự nhiệt tình, trách nhiệm của người dự thi, thể hiện niềm tự hào, tin tưởng vào nội dung, tinh thần của Hiến pháp, về Đảng quang vinh, về Bác Hồ vĩ đại, về Nhà nước pháp quyền XHCN mà chúng ta đang xây dựng. 
Kết quả chấm thi cho thấy đây là Cuộc thi thực sự có chất lượng, thiết thực, hiệu quả. Nhiều bài dự thi có chất lượng rất tốt, nguồn tư liệu phong phú, dồi dào, đáng tin cậy cả về nội dung thông tin, hình ảnh, tri thức hiểu biết về Hiến pháp và lịch sử lập hiến của nhân loại cũng như của Việt Nam. 
Hình thức thể hiện của các bài dự thi cũng rất phong phú, đa dạng, nhiều bài rất công phu với nhiều gam màu sinh động, mang đậm hơi thở của cuộc sống. Các bài dự thi đã cho thấy bức tranh rất sinh động của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và pháp luật của đất nước, với không khí tươi vui, đổi mới của một dân tộc đang hừng hực khí thế tiến vào thế kỷ 21 của thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động hội nhập quốc tế. 
Có những bài dự thi là một pho sử bằng tranh, phản ánh toàn bộ lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc, của chế độ mới, kể từ khi Đảng ta ra đời, lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đến Cách mạng tháng Tám và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; kháng chiến kiến quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phản ánh trung thực thành tựu của 30 năm đổi mới (Bài dự thi của thí sinh Lê Thị Chinh, giáo viên, Thanh Hóa). 
Có những bài dự thi là một pho sử bằng thơ về lịch sử lập hiến Việt Nam, với những câu thơ lục bát quen thuộc, dễ đọc, dễ nhớ, dễ hiểu với mỗi người dân có thể dùng làm tài liệu tuyên truyền về những nội dung cơ bản của Hiến pháp và lịch sử lập hiến Việt Nam (Bài dự thi của ông Nguyễn Huy Ích, 80 tuổi, Hà Nội). Đặc biệt, một thí sinh ở Hội Người mù tỉnh Bắc Ninh đã dành cả tâm huyết của mình để viết bài dự thi bằng chữ nổi với gần 100 trang, Ban Tổ chức phải nhờ Hội Người mù Việt Nam dịch giúp ra chữ quốc ngữ mới có thể chấm được. 
Có những bài dự thi được tác giả thể hiện gắn với sa bàn mô hình đất nước là một dải thống nhất Bắc Nam hình chữ S không thể phân chia, với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa như là một phần máu thịt không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam – phần lãnh thổ thiêng liêng mà các thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu để giữ gìn, vun đắp, xây dựng nên và để lại cho muôn đời con cháu mà mỗi người có trách nhiệm phải bảo vệ, giữ gìn không thể chia cắt cho kẻ khác (Bài dự thi của thí sinh Nguyễn Cảnh Thông, Bộ Công an). 
Kết quả cuộc thi cho thấy đây là một đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý rộng khắp trên phạm vi cả nước, thu hút đông đảo các thành phần xã hội tham gia, cả đồng bào, chiến sĩ ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Thành công của Cuộc thi không chỉ thể hiện ở số lượng, chất lượng bài dự thi mà quan trọng hơn là Cuộc thi đã tạo nên một phong trào sôi nổi, một niềm tin sắt son vào con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. 

Đọc thêm