Cuộc thi Tìm hiểu Hiến pháp: Có những bài như một pho sử bằng tranh

(PLO) - Để hưởng ứng Ngày Pháp luật, trong 2 năm 2014, 2015, cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam” được phát động và tổ chức trên quy mô toàn quốc đã trở thành sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước. 
Một số bài dự thi viết Tìm hiểu Hiến pháp năm 2013
Thông tin từ Ban Tổ chức Cuộc thi cho biết, không chỉ hùng hậu về số lượng (với gần 5 triệu bài dự thi), Cuộc thi Tìm hiểu Hiến pháp còn nhận được rất nhiều bài dự thi công phu, chất lượng. Có bài dự thi ngoài việc trả lời chính xác các câu hỏi, người dự thi còn thể hiện sự nghiêm túc trong nghiên cứu, tìm hiểu không chỉ 4 bản Hiến pháp của Việt Nam trước đó mà còn giới thiệu được những nét đặc sắc từ các bản Hiến pháp tiêu biểu trên thế giới. 
Nhiều bài dự thi đã phân tích, bình luận khá sâu sắc về những điểm mới, sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp năm 2013 so với các bản Hiến pháp trước đó; có bài còn đối chiếu, so sánh với các điều ước quốc tế, nhất là Luật Nhân quyền quốc tế để thấy được những giá trị mang tầm thời đại của Hiến pháp năm 2013; khẳng định Việt Nam đang tiến tới những giá trị chung được cộng đồng quốc tế thừa nhận. 
Một số bài dự thi đã thực sự trở thành những tác phẩm đặc sắc, ấn tượng, với những tri thức hiểu biết rất sâu sắc, toàn diện và có hệ thống về Hiến pháp, là nguồn tài liệu quý có giá trị tham khảo cao, có thể trở thành tư liệu trưng bày, lưu trữ để mọi người chiêm ngưỡng, khai thác và sử dụng lâu dài, phục vụ việc nghiên cứu, tìm hiểu và học tập Hiến pháp và pháp luật. 
Phần thi nêu cảm nhận và tự luận được các thí sinh quan tâm đầu tư, không chỉ nêu lên thái độ, chính kiến của mình về những điều tâm đắc nhất; phân tích, lý do lựa chọn mà còn thấy được tương đối đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước, của mỗi người dân và của người dự thi trong tham gia xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp để mỗi người không phân biệt thành phần, giới tính, độ tuổi, giai cấp, tôn giáo, tín ngưỡng, địa vị xã hội đều thấy bóng dáng của mình trong Hiến pháp, từ đó xây dựng ý thức tự giác học tập, tìm hiểu; tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật, xây dựng và bồi đắp nền văn hóa pháp lý trong một Nhà nước pháp quyền mà ở đó Hiến pháp và pháp luật là tối thượng, mỗi chủ thể đều phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. 
Hình thức thể hiện của các bài dự thi cũng rất phong phú, đa dạng, nhiều bài rất công phu với nhiều gam màu sinh động, mang hơi thở của cuộc sống. Qua các bài dự thi đã cho thấy bức tranh rất sinh động của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và pháp luật của đất nước, với không khí tươi vui, đổi mới của một dân tộc đang hừng hực khí thế tiến vào thế kỷ 21 của thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động hội nhập quốc tế. 
Đó là hình ảnh của một nước Việt Nam đang đổi mới từng ngày, từng giờ, cả ở thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; không chỉ ở người Kinh mà còn ở các dân tộc thiểu số khác, cả đồng bào có đạo và không có đạo; không chỉ người Việt Nam ở trong nước mà còn có cả kiều bào ta ở nước ngoài. Có những bài dự thi là một pho sử bằng tranh, phản ánh toàn bộ lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc, phản ánh trung thực thành tựu của 30 năm đổi mới.
Có những bài dự thi là một pho sử bằng thơ về lịch sử lập hiến Việt Nam, với những câu thơ lục bát quen thuộc, dễ đọc, dễ nhớ, dễ hiểu với mỗi người dân có thể dùng làm tài liệu tuyên truyền về những nội dung cơ bản của Hiến pháp và lịch sử lập hiến Việt Nam. Có những bài dự thi được viết tay nắn nót, sạch đẹp lên tới gần 1000 trang A4. Nhiều bài dự thi được thể hiện trên chất liệu giấy in màu, có bìa gỗ, in mica cắt ghép tạo chữ nổi hoặc hộp chứa; có bài độ dày lên đến trên 1.000 trang. 
Đặc biệt, một thí sinh thuộc Hội Người mù tỉnh Bắc Ninh đã dành cả tâm huyết của mình để viết bài dự thi bằng chữ nổi với gần 100 trang, Ban Tổ chức phải nhờ Hội Người mù Việt Nam dịch giúp ra chữ quốc ngữ mới có thể chấm được. Có những bài dự thi được tác giả thể hiện gắn với sa bàn mô hình đất nước là một dải thống nhất Bắc Nam hình chữ S không thể phân chia, với hai quần đảo Hoàng sa, Trường Sa như là một phần máu thịt không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. 
Có những bài dự thi của người Việt Nam ở nước ngoài gửi về nước qua con đường ngoại giao bị thất lạc nên gửi đến muộn, Bộ Ngoại giao phải có văn bản giải thích lý do gửi chậm mặc dù trả lời chưa đúng với đáp án và điểm số chưa thật cao nhưng đã thể hiện đầy tâm huyết về một bản Hiến pháp mới của những người con dù sống xa Tổ quốc nhưng vẫn gắn bó máu thịt với quê hương, với đời sống pháp luật.
Theo kế hoạch, việc tổng kết và trao giải Cuộc thi viết Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam sẽ được tiến hành vào ngày 9/11 tại Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật năm nay. 

Đọc thêm