Cuối năm, ngẫm về tật xấu của người Việt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những ngày cuối năm chộn rộn, trên tầng cao khu phố cổ Hà Nội, nhà văn Di Li cho ra mắt “Tật xấu người Việt”, như một sự tự trào. Bởi cuốn sách dành cho những người đã trưởng thành, phàm đã là người Việt, dường như ai cũng thấy có mình trong đó…
Cuối năm, ngẫm về tật xấu của người Việt

Chúng ta “quên” nhiều điều

Các vấn đề Di Li nêu trong sách khá gần gũi, là nhiều tình huống ai cũng gặp trong cuộc sống như người hàng xóm ở tầng trên chung cư thường làm việc khuya và gây tiếng ồn. Một đứa trẻ nhà bên thường tập piano lúc 22h hay việc mỗi người đối diện với những lời khen, chê thiếu tế nhị...

Tác giả bàn nhiều về việc giáo dục trong mỗi gia đình, qua câu chuyện người Việt thường bênh vực “trẻ con không có lỗi”, dẫn đến nhiều tình huống trẻ con gây ồn ào trong quán xá, hành xử không đúng với người lớn. Chuyện phụ huynh ép con học, “chạy” thành tích giáo dục. Những tật xấu mà Di Li nêu ra, ngay chính bản thân cô cũng nhiều lần mắc phải. Chẳng hạn, vốn đã quen với sự cả nể, thường giúp đỡ nhau, tác giả từng choáng váng khi một anh bạn người Mỹ trả lời “không thể làm việc này nếu không được trả tiền”, khi cô gửi vài trang tác phẩm dịch nhờ người này xem giúp. “Sống trong một dân tộc trọng tình hơn lý và hay cả nể, tôi từng bị “sốc” khi đối diện những cuộc hội thoại như vậy”, Di Li viết.

Trong bài viết “Mong một lời xin lỗi” để nói về thói quen tự chịu trách nhiệm - điều vắng bóng trong cách giáo dục của người Việt. Dễ hiểu vì sao khi gặp chuyện, người ta vội đổ lỗi khác. Tác giả dẫn câu chuyện thường thấy trong các gia đình Việt, khi em bé ngã, bà sẽ bảo “Ôi thương, bà đánh chừa cái đất này làm em đau”. Cứ như vậy, cho đến khi đi học, rồi đi làm, thậm chí lập gia đình, nếu có người thứ ba xen vào, thì lỗi cũng là do… người thứ ba quyến rũ. Hay, từ câu chuyện của chính tác giả, khi đi dạy học hơn hai mươi năm nhưng học trò “quên” học bài thường viện lí do mất vở, hôm trước nghỉ học, còn đến muộn là do lỗi… tắc đường.

Nhà văn Di Li. (Anh: PV)

Nhà văn Di Li. (Anh: PV)

Về thói quen đổ lỗi, không chịu trách nhiệm, tác giả dẫn lại câu chuyện Bác Hồ thăm lớp huấn luyện nghiệp vụ nấu ăn đầu tiên toàn miền Bắc năm 1961, các anh nuôi, chị nuôi than phiền công việc bếp núc vất vả nên không học được. Bác cho rằng điều đó là không đúng và bằng sự ý nhị, Bác kể lại câu chuyện của mình, khi Bác làm phụ bếp, công việc rất vất vả từ 5 giờ sáng đến 9, 10 giờ đêm nhưng Bác vẫn học được. Có chí thì làm được, có quyết tâm thì nhất định học được... Nghe chuyện, ai cũng hiểu điều Bác muốn căn dặn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng, cuốn sách rất cần cho mỗi người chúng ta, đọc để ngẫm lại mình, thấy mình và người thân trong đó, như một tấm gương để thấy được cái xấu.

Ở bài viết “Chê vùi dập và khen bốc giời” tác giả lại phân tích về “văn hóa chê” của người Việt, đến độ thô lỗ. Hay có người gặp những lời khen “bốc giời” thì lắm khi phát ngượng... Còn với thói “Thích làm thầy, làm chủ chứ không thích làm thợ”, tác giả nêu thực tế trong khi ở nhiều nước, thợ sửa ống nước, thợ điện, thợ hàn... thường định vị giá trị lao động rất cao và giá công thợ cao đến nỗi người Mỹ trung lưu thường tự mua dụng cụ và sách hướng dẫn về làm chứ không dám gọi thợ.

Nghệ sĩ Fan Yang sinh ra trong gia đình nông dân mẹ người Việt, bố người Hunggary, lúc nhỏ anh phải làm việc cật lực mới mong đủ ăn. Và rồi anh được mệnh danh là nghệ sĩ vĩ đại nhất thế giới chỉ nhờ trò thổi bong bóng trẻ con. Hiện giờ Fan Yang nắm trong tay tập đoàn giải trí tầm cỡ và nhiều kỉ lục thế giới. Hằng năm anh vẫn đi biểu diễn vòng quanh thế giới. Để thấy rằng, bạn sẽ cao quý khi làm bất cứ nghề gì đạt đến độ chuyên nghiệp.

Rồi đâu đó, chân dung một công chức “sáng xách cặp đi, tối xách cặp về” cũng được phác họa: “Người nào sáng ngủ dậy cảm thấy ngại đi làm, ấy là vì không được làm công việc mình thích, mình đam mê và sở nguyện không thỏa mãn, lại chẳng được trọng dụng, đồng nghiệp thì khó ưa, sếp thì chẳng đủ tài mà phục. Đó là bất hạnh nửa cuộc đời, vì một nửa thời gian của đời người là gắn bó với công việc. Chiều tan sở làm mà bụng cảm thấy không muốn về nhà, vì về nơi ấy chẳng có gì vui, chi bằng tấp quán bia mà dzô dzô trăm phần trăm đến tối khuya hẵng về. Gộp cả hai là bất hạnh cả cuộc đời”.

Mong chỉ còn những vẻ đẹp tỏa sáng

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Tôi đã đọc bản thảo và phát hiện ra rằng, mọi thói hư tật xấu trong sách đều có tôi trong đó. Tôi cũng hiểu được tại sao Di Li cần tới 18 năm để hoàn thành cuốn sách. Cô ấy sống, quan sát, suy ngẫm, đúc kết và viết từ những trải nghiệm của mình”.

Đó là 48 câu chuyện về tính tự ái, trọng tình hơn lý, sự phiến diện, thích đổ lỗi, lười cảm ơn, lười đọc sách, lười biểu hiện cảm xúc tích cực mà chỉ ưa nói thẳng những điều tiêu cực, “chê vùi dập, khen bốc giời”, vô duyên hay xen vào chuyện cá nhân, trọng nam, khinh nữ, hay cả nể, hay gây ồn ào, quan cách, ưa hối lộ, tham nhũng vặt, ưa thành tích, thích làm thầy, không thích làm thợ, sính bằng cấp, học chỉ để thăng tiến, thiếu tính độc lập, sĩ diện, hay khoe khoang, tham lam chủ nghĩa, không bảo vệ tài sản công cộng, ích kỷ, nghĩ ngắn chỉ thấy lợi ích trước mắt, thói quen phạm luật, không bao giờ biết đủ, lãng phí…

Ai cũng thấy mình trong “Tật xấu người Việt”. (Ảnh: PV)

Ai cũng thấy mình trong “Tật xấu người Việt”. (Ảnh: PV)

“Đi đâu về thế”? “Đã ăn cơm chưa”? “Đã có gia đình chưa”? “Lương hàng tháng bao nhiêu tiền”?... là những câu hỏi mà người Việt nào cũng đã từng hỏi và được hỏi. Đôi khi họ nghĩ rằng đây chỉ là lời thăm hỏi thông thường nhưng đó lại là những câu mà người nước ngoài chúng tôi sẽ chẳng bao giờ dám hỏi nhau” - Đó là những giãi bày của ngài Đại sứ Palestine Saadi Salama trong buổi ra mắt sách “Tật xấu người Việt”. Theo ông, là con người thì ai cũng có tật xấu, dù là người nước nào cũng vậy, nhưng lại rất ít người dám dũng cảm chỉ ra tật xấu của người dân đất nước mình. Và Di Li là một trong số đó, nên ông đã gọi cô là “một nhà văn du kích thời bình”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng cho rằng Di Li là một tấm gương về sự dũng cảm, cuốn sách thể hiện tình yêu của nhà văn đối với đất nước này. Bởi chứa đựng trong hàng tá những câu chuyện về tật xấu đó là một sự chia sẻ, một tình yêu thương, một lòng tự trọng mà chỉ khi người ta yêu dân tộc của họ, yêu xứ sở của họ thì họ mới có thể cất lên những tiếng nói đó, như ông bà ta ngày xưa có câu “Yêu cho roi cho vọt/Ghét cho ngọt cho bùi”…

Trong cuốn sách, Di Li đã chỉ ra những tật xấu vốn xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống của người Việt Nam, đặc biệt ở những người sống ở đô thị (thị dân). Đó là tật xấu từ trong những ngôi nhà cho đến những tật xấu ở ngoài bậc cửa như nơi công sở, nơi công cộng, rồi cả trên máy bay rồi cả khi người Việt ra nước ngoài. Di Li là một người yêu nước, cô đã nói tất cả điều gì cô muốn nói để mong rằng vào một ngày nào đó, những tật xấu sẽ dần nhỏ đi và biến mất, thay vào đó là những vẻ đẹp vốn có của người Việt…

Trong “Tật xấu người Việt”, Di Li nhìn cuộc đời và nhìn con người không hề có sự cay nghiệt. Bởi mặc dù là sự phê phán nhưng lại mang tính tự trào nhiều hơn, tác giả cũng ở trong đó chứ không tách mình ra bên ngoài để phê phán. Mà theo như nhà báo Yên Ba nhận định: “Biết cách tự trào một cách duyên dáng và nghệ thuật luôn làm nên các tác phẩm lớn trong lịch sử đời sống văn chương nhân loại”.

Để viết được cuốn sách, không chỉ mất tới 18 năm quan sát, suy ngẫm, mà Di Li còn đọc tới hàng chục cuốn sách khảo cứu, nghiên cứu của các học giả, nhất là các học giả Pháp thời trước viết về người Việt. “Khi đọc và thấy có rất nhiều người cùng đưa ra một nhận xét nào đó về người Việt, tôi mới yên tâm viết cuốn sách của mình”, Di Li chia sẻ.

“Tật xấu của người Việt” là cuốn sách đầu tiên trong sách khảo cứu về tính cách người Việt hiện đại của Di Li. Cuốn sách tiếp theo là “Tính tốt người Việt”, sẽ ra mắt sau này, bởi theo Di Li: “Tôi muốn có một sự tốt đẹp phía sau, giống như khi người ta thông báo một tin xấu trước rồi mới đến tin tốt”.