Tờ mờ sáng gọi nhau đi “sang cát”
Hoạt động cải táng, sang cát phần mộ diễn ra nhiều ở vùng đồng bằng, vùng trũng vào thời điểm cuối thu đến trước ngày đông chí của năm (ngày lập đông). Vì với quan niệm, đầu năm là sự sinh sôi nảy nở của vạn vật nên mộ phần được chuyển về nơi mới sẽ là khởi đầu của sự thịnh vượng, hưng vượng, đây cũng là thời điểm các gia đình cầu phúc, hành hương...
Trước ngày đông chí, từ tờ mờ sáng dòng người nườm nượp đến Công viên nghĩa trang Lạc Hồng viên (Hòa Bình). Rất nhiều người trong số đó đến đây để “thay áo” cho người thân. Tại đồi Kim, anh Nguyễn Hoàng (50 tuổi, phố Bà Triệu, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây, bố mẹ tôi “nằm” ở nghĩa trang ngoại thành. Biết Lạc Hồng Viên là công viên nghĩa trang nằm trên khuôn viên 9 quả đồi hình tựa như 9 con rùa khổng lồ, được bao quanh bởi 9 dòng suối, được trấn giữ với ngôi chùa và bảo tháp tượng Phật, đường sá đi lại cũng tiện lợi, gia đình tôi họp lại và quyết định sau khi bốc mộ, chuyển luôn “nhà mới” cho bố mẹ nơi đây. Được an nghỉ nơi này, chắc hai cụ thấy an lạc và chúng tôi cũng thấy ấm lòng”.
Ngoài anh Hoàng còn có một số gia đình khác tại Hà Nội cũng “đổi nhà” cho người thân đã khuất. Chị Thu Hồng nói: “Ở đây có dịch vụ xây cất mộ chu đáo với thiết kế đá đen hoặc trắng trang nhã nên chúng tôi không phải mất nhiều thời gian, công sức mà vẫn có ngôi mộ ưng ý cho mẹ của mình”.
Theo thầy Thích Trí Thịnh- Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng ở Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hoà Bình cho biết: “Cải táng mộ phần là thể hiện sự hiếu thảo của gia đạo, mong muốn đem lại những gì tốt đẹp nhất cho người quá cố. Sau 1 giờ sáng, những gia đình cải táng chăng đèn, dựng rạp che kín phần mộ để tiến hành cải táng. Công việc này thường diễn vào khoảng thời gian ban đêm để hài cốt không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Bởi, theo quan niệm thì nếu gặp ánh sáng, xương sẽ bị đen và linh hồn của người chết cũng không nhập được vào cốt”.
Tỉ mẩn xây mộ chính xác từng centimet
Anh Quang Hòa - một người trong đội lo hậu sự, xây mồ mả ở Lạc Hồng Viên cho hay: “Trước đây, tại các làng, mộ thường đắp bằng đất và cỏ xanh. Tuy nhiên do điều kiện sống hiện nay khá hơn trước kia nên người sống có tâm lý muốn cho người chết một ngôi mộ đàng hoàng hơn. Đó là một cách nghĩ có tâm, đáng tôn trọng. Thường, gia chủ hay xây ngôi mộ cho người quá cố bằng ốp gạch bao quanh, trên có trồng cỏ, trồng hoa. Nhưng có nhiều người có điều kiện kinh tế đã xây dựng ngôi mộ với đá nguyên khối và chạm khắc đường nét tỉ mẩn”. Chỉ vào khuôn viên rộng 500 m2 anh Hòa cho hay: “Khuôn viên này gồm 6 ngôi mộ được xây bằng đá với những đường nét chạm trổ công phu. Gia chủ này đã khá dày công khi thuê thợ giỏi ở Ninh Bình về chạm khắc đá và thợ ở Bắc Ninh chạm trổ những kiến trúc bằng gỗ lim”.
Nhiều người mua đất nghĩa trang cầu kỳ hơn đất cho người sống. Đất cho người sống, khi mua họ chỉ quan tâm đến phù hợp với điều kiện kinh tế, hợp hướng, khổ đất vuông và có giá phù hợp. Nhưng về đất dành cho người đã khuất thì cầu kỳ hơn. Ngay cả vấn đề xây dựng phần âm trạch cũng đòi hỏi bề ngang, dọc, sâu bao nhiêu đòi hỏi chính xác từng centimet, phải xác định vị trí kết huyệt, tính toán thời gian đặt mộ, độ sâu và hướng đặt để đạt được huyệt khí tốt.
Theo phong thủy, để tránh các cung không tốt khi xây mộ người ta tiến hành tính toán, đo đạc theo các chỉ số quy định trên, xây mộ to hay nhỏ tùy thuộc vào khả năng, điều kiện của mỗi gia đình, tùy vào nhu cầu. Có nhiều kích thước xây mộ, tuy nhiên, các gia chủ vẫn phải áp dụng theo các chỉ số đo kích thước 4 cung: quý nhân, thiên tài, phúc lộc, tể tướng thì âm dương mới thuận. Nhiều người chọn mộ phía trước rộng thoáng, nhìn ra sông, thoáng mát, mong người quá cố phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, hanh thông trong cuộc sống. Một việc rất quan trọng là phải cân được phúc đức của dòng họ người cải táng. Phúc phận của dòng họ đó như thế nào phải đặt vào khu địa huyệt có năng lượng tương đồng mới có kết quả.