Mới đây nhất, Báo Pháp luật Việt Nam nhận được đơn thư của bà Bùi Thị Vinh (SN 1964 - trú tại tổ 39 khu phố 5A, phường Long Bình), đại diện cho 52 hộ dân tại phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai phản ảnh sự việc như sau: Năm 1991, một số hộ dân tập trung khai phá diện tích đất 154.820m2 tại phường Long Bình để trồng rừng, đào ao thả cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Năm 1993, khi biết trong diện tích đất trên có khoảng 15ha thuộc quản lí của Quân y viện 7B, các hộ dân cử đại diện kí với Quân y viện 7B Hợp đồng giao đất trồng cây, có thời hạn 15 năm, trả 1.500.000 đồng/ha (Hợp đồng ngày 10/6/1993).
Đến ngày 6/1/2006, Quân y viện đề nghị ngừng canh tác trên phần đất (7ha) có đường điện cao thế đi qua, nên các hộ dân chỉ canh tác các loại cây ngắn ngày, tầm thấp để không ảnh hưởng đến đường điện. Còn lại khoảng 8ha nằm ngoài hành lang đường điện cao thế, các hộ tiếp tục sử dụng làm nhà ở, trồng rừng, chăn nuôi… Từ đó tới nay, nhiều người dân tại khu vực trên có hành vi thực hiện giao dịch mua bán bằng giấy tờ viết tay. Hiện tại, khu vực trên có 70 hộ dân với khoảng 300 nhân khẩu.
Ngày 12/3/2019, UBND thành phố Biên Hòa có Thông báo chỉ đạo số 261/TB-UBND về tình hình xử lý các trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Tiếp đó, ngày 13/11/2019, Tỉnh tiếp tục có Thông báo số 1216/TB-UBND về việc triển khai kế hoạch cưỡng chế các công trình chiếm đất dưới hành lang an toàn đường điện tại tổ 29, khu phố 8A, phường Long Bình năm 2019.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, UBND phường Long Bình đã có kế hoạch tổ chức cưỡng chế các công trình và đến ngày 18/11/2019, UBND phường Long Bình chính thức ra Thông báo số 170/TB-UBND về việc tổ chức cưỡng chế công trình vi phạm.
Phần lớn người dân sống trong khu vực trên vô cùng hoang mang và tập trung thảo luận, cử đại diện để trao đổi với chính quyền. Ngày 10/12/2019, rất đông người dân đã tập trung tại UBND tỉnh Đồng Nai xin được tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh để trình bày ý kiến. Tại đây họ được ông Trần Anh Khâm - Phó Trưởng ban Tiếp dân của UBND tỉnh tiếp và nhận được những lời trấn an đại loại như “đừng lo”, “cưỡng chế người ta ngừng rồi”…
Trong cùng thời điểm đó, ở khu phố 8A phường Long Bình, đoàn cưỡng chế của UBND phường Long Bình đã cưỡng chế tháo dỡ tổng cộng 50 căn nhà trên tuyến đường được cho là vi phạm. Tất cả tài sản của người dân bị đẩy ra mặt đường, trong khi đó nhiều gia đình không có người ở nhà do đã tập trung tại UBND tỉnh, những thành viên còn lại thì đi làm, đi học, thậm chí có người đang điều trị trong bệnh viện. Sáng hôm sau (11/12), đoàn cưỡng chế tiếp tục xuống cưỡng chế tháo dỡ tiếp 2 căn nhà.
Theo người dân phản ảnh, trong quá trình cưỡng chế, rất nhiều tài sản của họ bị thất thoát do không có người trông giữ, đồng thời họ cũng không còn nhà để ở. Nhiều người dựng tạm lều tại vị trí căn nhà cũ nhưng cũng bị cưỡng chế tháo dỡ. Quá bất đắc dĩ, các hộ gia đình đành lợp tạm một tấm bạt nilon làm mái che, bao bọc xung quanh là vài miếng tôn tạm bợ, lấy chỗ cho con cái họ tránh nắng, tránh mưa.
Việc đảm bảo an ninh trật tự đô thị của UBND phường Long Bình thực hiện theo chỉ đạo của UBND thành phố Biên Hòa là chủ trương đúng. Tuy nhiên, theo người dân, việc xử lý vi phạm cần xem xét đầy đủ mọi khía cạnh để vừa thấu tình vừa đạt lý.
Cũng theo người dân, hoạt động cưỡng chế diễn ra vào dịp gần Tết khiến họ chưa kịp chuẩn bị cuộc sống mới; hơn 200 người, trong đó không ít người già, trẻ em và đều có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu là lao động phổ thông, bấp bênh thu nhập rơi vào cảnh khó khăn chỗ ở.
Chia sẻ với PV, các hộ dân mong muốn được các cấp chính quyền xem xét, tạo điều kiện để họ được dựng nhà tạm trên nền đất cũ, ổn định qua cái Tết đã tới gần.