May mắn thoát chết dù bị vợ ghen tuông đâm thấu tim
Khoảng 9h30’ ngày 9/10/2013, chị Đặng Thị Nhung (SN 1976, ở thôn An Trinh, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) chở hai con là Ngô Thị Hương Mơ (SN 1999) và Ngô Tùng Bảo (SN 2004) trên xe máy đến chỗ anh Ngô Văn Tiến (SN 1974, chồng chị Nhung) đang làm thầu xây dựng tại công trình ở thôn Vạn Thiện, xã Mỹ Hiệp để nói chuyện gần đây chồng lơ là nhà cửa, vợ con.
Vừa đến nơi, chị thấy anh Tiến đang ngồi nói chuyện rôm rả với công nhân nên dựng xe máy hỏi: “Tại sao cả tuần nay anh không về nhà, anh ăn ở với con nào. Có nhà có cửa mà anh không về, con cái anh cũng chẳng quan tâm, tiền bạc cũng chẳng nghe anh nói gì, tôi lấy gì mà nuôi con”.
Thấy chị Nhung bức xúc, nhiều công nhân khuyên chị nên bình tĩnh và giữ thể diện cho anh Tiến. Tuy nhiên, chị Nhung chẳng những không kiềm chế mà còn nạt nộ chửi bới và luôn miệng hỏi: “Anh theo con nào? Bây giờ anh muốn gì? Có phải vì bồ bịch mà anh bỏ vợ con không?”.
Lúc này, anh Tiến tức giận nên dọa đánh chị Nhung nếu không chịu im miệng. “Cô có im đi không? Cô mà còn ở đó chửi bới thì đừng có trách tôi. Đừng nghĩ ở đây tôi không dám đánh cô”, anh Tiến dọa.
Dù vậy nhưng chị Nhung vẫn hung hăng chửi bới, bảo tất cả là do phía gia đình nhà anh Tiến xúi giục, nói xấu chị và vì anh Tiến “chán cơm thèm phở” nên đối xử tệ bạc với vợ con như vậy.
Một phần nóng giận, một phần bị mất mặt trước anh em công nhân nên anh Tiến vung tay tát vào mặt chị Nhung hai cái. Không kiềm chế được, chị Nhung lao đến rút con dao Thái Lan thủ sẵn trong người, đâm một nhát vào ngực trái, thấu tim chồng.
Mơ nhớ lại sự việc: “Lúc đó khi thấy bố mẹ cãi nhau, cháu và Bảo chỉ biết đứng khóc, thấy vậy nên mấy chú công nhân đến dỗ dành hai chị em. Cháu vừa nín thì nghe bố kêu lên một tiếng, rồi một chú nói mẹ đã đâm bố cháu rồi. Cháu sợ lắm, chỉ biết khóc”.
Sau nhát dao oan nghiệt của vợ, anh Tiến gục xuống đất, được anh em công nhân chở đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. Anh may mắn thoát chết nhưng nhát dao đã khiến anh Tiến bị 45% thương tật vĩnh viễn.
Được biết, căn nguyên dẫn đến việc chị Nhung ra tay đâm chồng suýt mất mạng là do chị Nhung nghi ngờ chồng có quan hệ ngoài luồng với người đàn bà khác. Biểu hiện là thời gian trước khi xảy ra sự việc, anh Tiến thường xuyên vắng nhà và không quan tâm vợ con như trước.
Nhiều đêm thấy chồng không về nhà ngủ nên chị Nhung nghi ngờ và mỗi khi giáp mặt chồng chị đều gặng hỏi nhưng anh Tiến vẫn một mực phủ nhận. Kể từ lúc ấy, mâu thuẫn vợ chồng bắt đầu nảy sinh dẫn đến cãi vã như cơm bữa.
Ông Nguyễn Văn Long (SN 1970, hàng xóm), cho biết: “Thời gian trước khi xảy ra sự việc, anh Tiến ít về nhà nhưng mỗi lần về nhà là hai vợ chồng xảy ra cãi vã. Mỗi lần bố mẹ cãi nhau là mấy đứa nhỏ khóc òa lên. Dù được gia đình hai bên nội, ngoại giải hòa rồi phân tích nhưng vẫn không giải quyết được gì. Dần dần sự ghen tuông của chị Nhung cũng biến thành thù hận và khi không kiềm chế được chị đã dùng dao đâm chồng”.
Cha bỏ đi, mẹ tù tội, những đứa trẻ bơ vơ
Khoảng 10 năm trước, anh Tiến làm nghề thợ hồ, đến năm 2011 anh chuyển sang nhận công trình làm cho các nhà thầu trong tỉnh, rồi thuê công nhân làm. Trong khi đó, chị Nhung ở nhà làm vài ba sào ruộng và làm nội trợ lo bữa ăn hàng ngày cho các con.
Con anh Tiến – chị Nhung bơ vơ sau vụ án oan nghiệt |
Ngoài Mơ và Bảo, vợ chồng anh còn có đứa con gái đầu Ngô Thị Trúc Linh (SN 1994). Trước khi xảy ra sự việc, các con của anh chị đều đi học, trong đó đứa con gái đầu đang học cao đẳng. Sau vụ án, những đứa trẻ này rơi vào bi kịch bơ vơ.
Nghe tin mẹ đâm bố, Linh đang học cao đẳng ở Sài Gòn liền về quê, sau đó nghỉ học hẳn. Mơ vì thấy cảnh gia đình tan nát nên cũng bỏ học giữa chừng, hiện tại chỉ còn lại Bảo là theo học.
Được biết, sau sự việc, anh Tiến đã ly hôn vợ, 3 đứa con đều yêu cầu theo sống với mẹ. Do đó anh Tiến để lại ngôi nhà vừa xây cho các con và vợ cũ (tại ngoại sau khi gây án – PV) ở, còn mình lên Gia Lai làm công nhân.
Ngày 21/7 vừa qua, TAND tỉnh Bình Định đã mở phiên tòa xử phúc thẩm, tuyên phạt chị Nhung 30 tháng tù gian về Tội cố ý gây thương tích, giảm 6 tháng tù so với mức án tòa sơ thẩm đã tuyên trước đó.
Sau khi tòa tuyên án, chúng tôi tìm đến thôn An Trinh để tìm hiểu cuộc sống của những đứa con sau sóng gió nghiệt ngã của gia đình. Trong ngôi nhà bố mẹ để lại, cháu Mơ vừa trò chuyện vừa rưng rưng nước mắt:
“Từ ngày xảy ra chuyện, bố mẹ cháu ly dị, ngôi nhà thì mẹ và mấy chị em cháu ở nhưng cuộc sống khó khăn trăm bề. Mẹ không làm gì ra tiền nên theo dì phụ giúp mua gạo bán lại để kiếm tiền nuôi tụi cháu. Thời gian đầu, đêm nào mẹ cháu cũng khóc, mẹ bảo mấy chị em cố gắng đùm bọc nhau mà sống khi không có bố mẹ. Cháu thương mẹ cháu lắm”.
Cô gái bỏ học sau bi kịch gia đình |
Tai ương đến, cuộc sống trở nên khó khăn trăm bề, cô con gái lớn nghỉ học rồi ra thị trấn Phù Mỹ làm nhân viên phục vụ ở quán cà phê với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Dù tiền lương ít ỏi nhưng Linh vẫn dành dụm từng đồng để có tiền gửi về nuôi các em ăn học.
Mơ nghẹn ngào: “Chị Linh bảo cháu đi học lại đi nhưng nghĩ bây giờ lớn tuổi rồi, với lại gia đình không có tiền nên cháu không đi học nữa. Chị bảo, mẹ không có ở nhà thì cháu và Bảo phải biết chăm sóc nhau mà sống để chị làm thuê kiếm tiền về nuôi. Cháu không biết, rồi đây những ngày không có mẹ cuộc sống của chị em cháu sẽ ra sao”.
Ông Phạm Văn Mận, Trưởng thôn An Trinh, ngậm ngùi: “Gia đình anh Tiến bỗng chốc tan nát. Bây giờ tội nhất là mấy đứa trẻ, không ai chăm sóc, lo lắng, bảo ban, nhìn tội lắm. Đúng hay sai gì thì ở người lớn, chứ trẻ con không có tội gì cả, nhìn tụi nhỏ như thế này, bà con hàng xóm ai cũng thương. Nếu không có sự xao nhãng của bố, không có sự ghen tuông của mẹ thì bây giờ tụi nhỏ hạnh phúc biết nhường nào”./.