Ngày 7/11, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Nguyễn Nam Thái (SN 1977, trú phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) - cựu Trưởng phòng Dự án 3, BQL Các dự án đường sắt (viết tắt là RPMU) với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và các bị cáo Trần Văn Lục (SN 1958, trú tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) - nguyên Giám đốc RPMU; Trần Quốc Đông (SN 1964, trú tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) - nguyên Giám đốc RPMU, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Nguyễn Văn Hiếu (SN 1962, trú tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) - nguyên Giám đốc RPMU cùng có kháng cáo cho rằng không phạm tội.
Riêng hai bị án Phạm Hải Bằng (SN 1969, trú tại phường Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) và Phạm Quang Duy (SN 1975, ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) – đều là cựu Phó giám đốc RPMU không có kháng cáo và cũng không bị kháng nghị. Tuy nhiên, cả 2 bị án này cùng được trích xuất ra phiên tòa phúc thẩm để làm rõ các tình tiết của vụ án.
Sau 2 ngày nghị án, hôm nay (9/11), HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Nam Thái 9 năm tù (giảm 2 năm tù), bị cáo Trần Quốc Đông 7 năm tù (giảm 6 tháng tù).
Đối với hai bị cáo Trần Văn Lục và Nguyễn Văn Hiếu, do không có căn cứ để chấp nhận nên HĐXX phúc thẩm quyết định bác toàn bộ nội dung kháng cáo. Giữ nguyên bản án 5 năm 6 tháng tù với bị cáo Trần Văn Lục và 7 năm 6 tháng tù với bị cáo Hiếu.
Ngoài ra, với kháng cáo phản bác lại việc kê biên toàn bộ tài sản là nhà đất của vợ Phạm Hải Bằng cấp tòa phúc thẩm quyết định chỉ kê biên 1/3 nhà đất của vợ chồng Bằng, thay vì kê biên toàn bộ như cấp sơ thẩm áp dụng.
Theo bản án sơ thẩm, từ tháng 9/2009 đến tháng 2-2014, Phạm Hữu Bằng (thời điểm đó đang làm Phó Giám đốc BQL các dự án đường sắt, kiêm Chủ nhiệm Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1, tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi, giai đoạn 1) đã thỏa thuận với các nhà thầu do Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (gọi tắt là JTC) làm đại diện để nhận về 11 tỷ đồng với danh nghĩa là kinh phí hỗ trợ triển khai dự án từ phía các nhà thầu.
Tuy nhiên, số tiền Bằng được nhận lại đem chi cho các lễ ký kết hợp đồng, việc tiếp khách, in ấn tài liệu, hội họp, đi lại, lễ tết, làm ngoài giờ và hỗ trợ cho cán bộ, nhân viên đi nghỉ mát mà không sử dụng cho mục đích ký kết với các nhà thầu.
Ngoài ra, Bằng còn chi cho Trần Văn Lục, Trần Quốc Đông và Nguyễn Văn Hiếu vào những dịp lễ Tết và đút túi riêng 4,8 tỷ đồng.
Biết rằng số tiền Bằng đưa cho là số tiền bất chính nhưng cả 3 vị lãnh đạo cấp trên của Bằng vẫn không có ý kiến phản đối mà còn nhận tiền một cách im lặng.
Đến khi vụ việc bị phát giác, Bằng khai nhận đã dùng phần lớn số tiền sử dụng riêng để tiếp khách, ngoại giao nhưng không chứng minh được.
Ngày 26 và 27/10/2015, HĐXX cấp sơ thẩm đã quyết định tuyên phạt Phạm Hải Bằng 12 năm tù, theo đúng tội danh bị truy tố. Các bị cáo tiếp theo, lần lượt bị tuyên phạt từ 5 năm 6 tháng đến 11 năm tù theo đúng tội danh bị đưa ra truy tố./.