Thủ đoạn lừa xin vào học ngành công an
Hồ sơ vụ án thể hiện, Hiển từng công tác tại Bộ Tư lệnh cảnh vệ, Bộ Công an nhưng đã nghỉ hưu. Để có tiền, cựu cán bộ này đi đâu vẫn giới thiệu đang công tác tại Bộ Tư lệnh cảnh vệ, vợ con cũng công tác trong ngành công an nên có nhiều mối quan hệ, có thể xin cho người khác vào ngành.
Do tin tưởng nên một số người đã đưa tiền và hồ sơ để nhờ Hiển xin học, xin việc. Khi nhận tiền, Hiển viết giấy biên nhận dưới dạng giấy vay tiền bởi nhận thức được nếu viết nhận tiền để xin việc, xin học sẽ bất lợi sau này.
Trường hợp đầu tiên, chị Đinh Thị Hồng Linh (ngụ Long Biên, Hà Nội) nhận xin cho con trai một người quen vào làm trong ngành Công an. Chị Linh nhờ Hiển “chạy việc” giúp và được “báo giá” 250 triệu đồng.
Ngoài ra Hiển còn nhận xin học, xin việc cho hai trường hợp tương tự và chiếm đoạt tổng số tiền 750 triệu đồng của chị Linh. Tại cơ quan điều tra, Hiển khai chỉ nhận 340 triệu đồng của chị Linh để lo việc, học cho ba người còn hơn 300 triệu đồng còn lại là vay mượn.
Ngoài ra, trong một lần khác vào tháng 8/2014, thông qua mối quan hệ xã hội, Hiển quen biết chị Trần Thị Dùng (SN 1975, quê Nghệ An). Hiển tự giới thiệu đang công tác tại Bộ Tư lệnh cảnh vệ có nhiều mối quan hệ. Do tin tưởng nên chị Dùng đặt vấn đề nhờ Hiển xin cho con trai vào học tại Học viện cảnh sát. Hiển báo giá 670 triệu đồng, đặt cọc trước 300 triệu đồng, khi nào con trai chị Dùng vào học sẽ đưa nốt 370 triệu đồng.
Tin thật, chị Dùng chuyển tiền lần cho Hiển tổng cộng 300 triệu đồng đặt cọc. Để dễ dàng lấy số tiền còn lại, Hiển bàn với Thiệu làm giả giấy báo nhập học vào Học viện Cảnh sát nhân dân để đưa cho chị Dùng. Thiệu tới quán pho to ở Mỹ Đình làm mẫu giấy báo nhập học, làm giả cả con dấu của Học viện Cảnh sát với giá 1,2 triệu đồng.
Cuối tháng 11/2014, Thiệu gặp và đưa giấy báo nhập học giả cho Hiển. Cựu cán bộ công an sau đó gọi điện thông báo cho gia đình Dùng biết. Hơn một tháng sau, chị Dùng cùng chồng đưa cho Hiển 370 triệu đồng có sự chứng kiến của một số người.
Sau khi nhận tiền, Hiển và Thiệu nhiều lần hứa hẹn đưa con trai chị Dùng đến trường nhập học. Thiệu sau đó thu lại giấy nhập học đã đưa rồi đốt bỏ. Đến đầu năm 2015, biết bị lừa nên chị Dùng nhiều lần đòi Hiển và Thiệu trả tiền song cả hai không có khả năng trả. Gia đình nạn nhân trình báo công an.
Ngoài hai vụ nói trên, Hiển và Thiệu còn lừa một số người nữa với hơn 300 triệu đồng. Cho tới nay, Hiển mới trả cho chị Dùng được 50 triệu đồng.
Quanh co chối tội
Ngày 4/4 TAND TP. Hà Nội đưa Mai Văn Hiển và Tô Kỳ Thiệu ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tại tòa, bị cáo Hiển phủ nhận những lời khai trước đó tại CQĐT. Hiển cho rằng mình bị ép cung. Bị cáo thừa nhận không có chức năng xin việc trong ngành công an nhưng tin tưởng người bạn tên Hồng sẽ xin được “suất ngoại giao” nên nhận lời xin việc giúp các bị hại.
“Trường hợp của chị Dùng đến nhà nhờ bị cáo cố gắng xin việc cho con trai. Sau khi xong việc bị cáo sẽ được “thưởng” 50 triệu đồng”, bị cáo Hiển khai.
Cựu cán bộ công an cũng phủ nhận việc bàn bạc với Thiệu làm giấy nhập học giả. Hiển khai hôm đưa gia đình chị Dùng đi nhập học thì Thiệu mang giấy đến. “Khi nhận giấy báo nhập học pho to, bị cáo thấy có nhiều lỗi chính tả nhưng Thiệu nói yên tâm người quen không phải lo. Bị cáo không biết đó là giấy tờ giả. Bị cáo chỉ là nạn nhân”, Hiển biện hộ.
Đại diện VKS không đồng tình với lời khai trên. Công tố viên đọc lại lời khai của Hiển tại CQĐT nhận thức được giấy nhập học đưa cho chị Dùng là giả. Ngay lập tức, bị cáo Hiển nói không nhớ có lời khai này và khẳng định không biết giấy nhập học đưa cho bị hại là giả.
Trong khi đó, bị cáo Thiệu với vai trò đồng phạm thừa nhận làm giả giấy nhập học do bị Hiển thúc giục. “Bị cáo làm giả giấy tờ chỉ để kéo dài thời gian xin việc. Bị cáo không nhận số tiền 150 triệu Hiển đưa. Bị cáo không có hành vi lừa đảo”, Thiệu khai.
Lúc này, bị cáo Hiển tiếp tục biện minh “Vì bị cáo tin tưởng bạn nên nhận lời xin việc giúp chị Dùng. Qua đây, bị cáo cũng gửi lời xin lỗi đến chị ấy vì không giúp được gì. Bị cáo không cố tình mà cũng bị người khác lừa”.
Chị Dùng đứng dậy gạt nước mắt đề nghị tòa nhanh chóng khép lại vụ án. “Mỗi phiên tòa ông ấy lại khai đưa cho một người. Tôi đã mệt mỏi mấy năm trời, xin tòa nhanh chóng kết thúc vụ án”, bị hại nói.
Sau một ngày xét xử, căn cứ vào tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ, lời khai bị hại, HĐXX có đủ cơ sở kết luận hành vi của các bị cáo phạm vào tội Lừa đả chiếm đoạt tài sản. HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, trực tiếp xâm phạm tới tài sản công dân, gây bức xúc trong dư luận. HĐXX tuyên phạt Hiển 14 năm tù, Thiệu 11 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, buộc các bị cáo phải trả lại số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại.