Cửu đỉnh Huế - Một tượng đài văn hóa Việt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong kho tàng văn hóa vật thể của cố đô Huế, Cửu đỉnh của nhà Nguyễn là một trong những công trình nghệ thuật đặc sắc nhất, một tượng đài văn hóa Việt.
Đặt ở trước sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế, Cửu Đỉnh của nhà Nguyễn là những hiện vật đặc biệt của triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.
Đặt ở trước sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế, Cửu Đỉnh của nhà Nguyễn là những hiện vật đặc biệt của triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.

Theo sách “Đại Nam thực lục chính biên”, bộ Cửu đỉnh được vua Minh Mạng cho khởi đúc vào tháng 12/1835 và hoàn thành tháng 6/1837, do những nghệ nhân Phường đúc Huế thực hiện. Tất cả 9 đỉnh đều có hình dáng chung giống nhau, thân bầu tròn, cổ thắt, miệng loe, trên miệng có hai quai, dưới có ba chân.

Trước khi đúc, triều đình tổ chức lễ cáo, đúc xong đưa tới đặt trước sân Thế Miếu (bên trong Hoàng Thành Huế), sau lưng Hiển Lâm Các để làm lễ tạ; từ đó, Cửu đỉnh còn nguyên ở vị trí này cho đến tận ngày nay.

Cửu đỉnh gồm chín cái đỉnh đồng, mỗi đỉnh có một tên riêng ứng với một thuỵ hiệu của mỗi vị hoàng đế triều Nguyễn. Trên mỗi đỉnh, người ta đều chạm khắc 17 bức họa tiết và 1 bức họa thư, gồm các chủ đề về vũ trụ, núi sông, chim thú, sản vật, vũ khí,...tập hợp thành bức tranh toàn cảnh của đất nước Việt Nam thống nhất thời nhà Nguyễn.

Cửu đỉnh Huế gắn liền với Thụy hiệu các vua nhà Nguyễn

Lấy Cao đỉnh làm chuẩn, bên trái lần lượt là Nhân đỉnh, Anh đỉnh, Thuần đỉnh, Dụ đỉnh, bên phải lần lượt là Chương đỉnh, Nghị đỉnh, Tuyên đỉnh, Huyền đỉnh. Nhân đỉnh đối diện với án thờ vua Nguyễn Thánh Tổ, Chương đỉnh dối diện với án thờ vua Nguyễn Hiến Tổ, Anh đỉnh đối diện với án thờ vua Nguyễn Dực Tông, Nghị đỉnh đối diện với án thờ vua Nguyễn Giản Tông, Thuần đỉnh đối diện với án thờ vua Nguyễn Cảnh Tông, Tuyên đỉnh đối diện với án thờ vua Nguyễn Hoằng Tông, Dụ đỉnh đối diện với án thờ vua Hàm Nghi, Huyền đỉnh đối diện với án thờ vua Duy Tân.

Ngoài tính biểu trưng cho các vị vua, thể hiện quyền lực của vương triều nhà Nguyễn thì Cửu đỉnh như một bộ “Địa dư chí lược” của Việt Nam đầu thế kỷ XIX được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình với tổng cộng 162 họa tiết được chạm nổi tinh xảo. Cửu đỉnh gắn liền với con số 9, một con số thiêng liêng theo quan niệm phương Đông, tượng trưng cho Trời, cho sự hoàn thiện tuyệt đối, cho quyền uy và sức mạnh của người đứng đầu thiên hạ.

Cửu Đỉnh được đặt ở trước Hiển Lâm Các theo một hàng ngang, đối diện với Thế Miếu, ứng với án thờ của các vua nhà Nguyễn trong Thế Miếu.

Cửu Đỉnh được đặt ở trước Hiển Lâm Các theo một hàng ngang, đối diện với Thế Miếu, ứng với án thờ của các vua nhà Nguyễn trong Thế Miếu.

Với chức năng là trọng khí được đặt trước sân Thế Miếu của nhà Nguyễn, tượng trưng cho sự nghiệp của bậc đế vương, tên gọi của mỗi đỉnh theo chủ ý của vua Minh Mạng đó chính là thụy hiệu của các vua triều Nguyễn. Chẳng hạn, Cao đỉnh chính là thụy hiệu của Thế tổ Cao hoàng đế, Nhân đỉnh là thụy hiệu của chính vua Minh Mạng, Chương đỉnh là thụy hiệu của vua Thiệu Trị, Anh đỉnh là thụy hiệu của vua Tự Đức,…

Cửu đỉnh còn được coi là vật báu chốn thâm nghiêm trước Thế Miếu, nơi thờ các vua nhà Nguyễn, là một tượng đài tượng trưng cho sự trường tồn của vương triều, thể hiện quyền uy và vững mạnh của một triều đại thống nhất.

Bộ sách ảnh đa dạng sinh học bằng đồng của Việt Nam

Việc “vẽ hình mọi vật” và “khắc rõ tên hiệu” các hình ảnh động thực vật trên Cửu đỉnh không chỉ là hình trang trí đơn thuần mà thực sự là một bộ cẩm nang có minh họa và chú thích đầu tiên của nước ta về đa dạng sinh học.

Trong số 162 họa tiết chạm nổi trên các đỉnh đồng của nhà Nguyễn ở Huế, có tới 90 hình ảnh là về các loài động thực vật đặc trưng của Việt Nam. Các họa tiết này đều thể hiện một cách sống động các loài động thực vật, nhiều chỗ chạm khắc khá chi tiết những đặc điểm nổi bật của các loài.

Các loài động thực vật đều có thể nhận dạng dễ dàng qua các hình khắc đồng trên Cửu đỉnh. Thực vật trên Cửu đỉnh với 54 họa tiết, có thể phân thành 6 nhóm: cây lương thực, cây lấy sợi, rau và cây gia vị, cây lấy quả, các loại hoa, các loại gỗ, dược liệu và hương liệu. Động vật gồm có: loài cá, ốc, côn trùng; chim; thú lớn bốn chân; các loài vật linh.

Họa tiết tinh xảo trên những chiếc đỉnh đồng.

Họa tiết tinh xảo trên những chiếc đỉnh đồng.

Ngoài ra, các hình ảnh được đúc nổi trên Cửu đỉnh đều là những đặc trưng vùng miền trải dài từ Bắc tới Nam. Ngoài tính cung đình hình ảnh trên Cửu đỉnh còn mang đậm tính dân gian, gắn liền với đời sống của đại đa số người Việt ở chốn thôn trang. Bên cạnh cây gỗ lim, quế, tùng, còn có những cây lương thực và thảo mộc rất phổ biến đối với mọi người, như cây lúa, cây trầu, cây mít, cây đậu phụng…

Việc đưa những hình ảnh từ những loài cây rất đời thường như lúa, đậu tới những loài cây quý hiếm như trầm hương, nhân sâm vào Cửu đỉnh, nơi thể hiện bộ mặt đất nước, thể hiện vương quyền của triều đình, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các loài thực vật đối với con người Việt Nam.

Có thể nói Cửu đỉnh nhà Nguyễn là một bộ sách ảnh các loài động thực vật đặc trưng của nước ta, thể hiện cảnh sắc thiên nhiên phong phú, quý giá. Đó cũng có thể được xem như là một cuốn Sách đỏ của Việt Nam hay một Danh mục các loài cần được bảo vệ của thời xưa.

Mang tính quốc tế, độc đáo và duy nhất

Bên cạnh đó, Cửu đỉnh còn là loại hình di sản đặc biệt, tất cả những giá trị tư liệu được thể hiện bằng hình ảnh đắp nổi trên mỗi đỉnh đồng. Đây là những tác phẩm đạt đến độ hoàn mỹ của nghệ thuật đúc đồng truyền thống Huế và của Việt Nam trong lịch sử.

Những hình ảnh chạm nổi trên Cửu đỉnh là một bộ “Đại Nam nhất thống chí” bằng đồng vô cùng độc đáo của dân tộc ta dưới thời vua Minh Mạng, không chỉ thể hiện sự tài hoa, khéo léo của những người thợ đúc đồng mà còn thể hiện lòng tự hào dân tộc vô bờ bến về một đất nước Việt Nam hùng cường và giàu có. Cửu đỉnh vừa thể hiện bằng hình ảnh về đất nước Việt Nam trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, tư tưởng, kỹ thuật, tín ngưỡng,… vừa thể hiện bằng ngôn ngữ chữ Hán, ngôn ngữ được sử dụng chung cho các nước đồng văn nên có tính quốc tế, tính phổ biến rất cao.

Đặc biệt, trong 9 đỉnh có 3 đỉnh vua Minh Mạng cho khắc hình tượng về biển để thể hiện bao quát về biển đảo nước Việt: Biển Đông ở Cao đỉnh; biển Nam ở Nhân Đỉnh và biển Tây ở Chương đỉnh, là 3 cái đỉnh to cao nhất và quan trọng nhất.

Như vậy, cùng với hàng loạt tài liệu Hán - Nôm cổ, những hình ảnh biển đảo được khắc trên bộ Cửu đỉnh sẽ là một nguồn tư liệu quý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời còn cho các thế hệ sau thấy được rằng, các vị vua triều Nguyễn đều một lòng ra sức bảo vệ và thực thi chủ quyền biển đảo của đất nước.

Trải qua gần 200 năm nay, Cửu đỉnh Huế không chỉ được coi là một trong những tuyệt tác của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam, mà còn là một di sản văn hóa lịch sử đặc sắc có một không hai của Huế và của Việt Nam.

Với những những giá trị và ý nghĩa to lớn đó, Cửu đỉnh được công nhận là bảo vật Quốc gia năm 2012. Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang hoàn thiện hồ sơ để trình UNESCO ghi danh Cửu đỉnh Huế là di sản tư liệu thế giới.

Đọc thêm