Cựu Tư lệnh Cảnh sát biển khai về lý do chỉ đạo “rút ruột” 50 tỷ đồng

(PLVN) -  Sáng nay (26/6), Tòa án quân sự thủ đô đưa bị cáo Nguyễn Văn Sơn (cựu trung tướng, cựu Tư lệnh Cảnh sát biển) và 6 bị cáo khác là cấp dưới của ông Sơn ra xét xử về tội “Tham ô tài sản”.
Bị cáo Nguyễn Văn Sơn tại tòa.

Sau bục khai báo, bị cáo Nguyễn Văn Sơn nói, sau khi lên Tư lệnh, ông thấy thủ trưởng tư lệnh đi công tác rất nhiều, đối ngoại nhiều, rất vất vả mà quỹ vốn đơn vị cũng không có. Khoảng đầu 4/2019, bị cáo Sơn đã nêu suy nghĩ đó của mình ra trong bữa cơm tại phòng ăn của Thủ trưởng Bộ tư lệnh.

“Bị cáo nói nếu thủ trưởng Tư lệnh nhất trí, bị cáo sẽ đặt vấn đề với Cục kỹ thuật, để lại một khoản tiền cho Bộ tư lệnh hoạt động. Khi đó, các Thủ trưởng Bộ Tư lệnh không có ý kiến gì”, bị cáo Sơn khai.

Sau đó, ông Sơn đã gọi bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu đại tá, cựu Cục trưởng Kỹ thuật) vào phòng làm việc trao đổi, tìm nguồn cho Thủ trưởng Bộ tư lệnh hoạt động.

Theo cáo trạng, nhằm tạo điều kiện cho ông Hưng dễ thực hiện việc rút ruột 50 tỷ đồng, ông Sơn đã chỉ đạo Phó Phòng Tài chính Bùi Văn Hòe cắt toàn bộ nguồn kinh phí bảo quản, sửa chữa, trang bị của 4 Vùng Cảnh sát biển để phân bổ thêm 29 tỷ đồng cho Cục Kỹ thuật. Do đó, nguồn ngân sách cho Cục Kỹ thuật được tăng lên 179 tỷ đồng.

Chấp hành chỉ đạo, ông Hưng trao đổi và yêu cầu 6 trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Kỹ thuật, khi thực hiện chi tiêu nguồn ngân sách, phải rút lại tổng số tiền 50 tỷ đồng để chuyển lại cho Thủ trưởng Bộ Tư lệnh sử dụng vào việc chung. Đến cuối năm 2019, đầu năm 2020, ông Sơn nhận được 50 tỷ đồng từ ông Hưng chuyển.

Nhận tiền, ông Sơn đã đưa cho ông Hoàng Văn Đồng (cựu trung tướng, cựu Chính ủy), Doãn Bảo Quyết (cựu thiếu tướng, cựu Phó Chính ủy), Phạm Kim Hậu (cựu thiếu tướng, cựu Phó Tư lệnh, cựu Tham mưu trưởng) và Bùi Trung Dũng (cựu thiếu tướng, cựu Phó Tư lệnh) mỗi người 10 tỷ đồng.

Quá trình khai báo, ông Sơn thừa nhận mình là người khởi xướng, trao đổi, bàn bạc với các thủ trưởng Tư lệnh. Trước khi dừng lời, bị cáo Sơn thừa nhận sai lầm của mình.

Đến lượt mình, bị cáo Hoàng Văn Đồng thừa nhận có nghe ông Sơn nói về việc chỉ đạo Cục kỹ thuật rút tiền từ nguồn ngân sách vừa được phân bổ. “Nghe Sơn nói, lúc đó chúng tôi vô tư quá. Tôi và mọi người không ai nói gì cả. Đây là việc rất nghiêm trọng, giờ ân hận vô cùng”, bị cáo Đồng phân trần.

Tiếp lời, bị cáo này nói đây là sai lầm lớn trong cuộc đời họ. “Bị cáo vô cùng áy náy, lúc đó, bị cáo đã không đấu tranh nổi với bản thân”, bị cáo Đồng ngậm ngùi cho biết. Và theo lời bị cáo Đồng, sau khi nhận được tiền, ông để nguyên, chưa sử dụng đồng nào.

Tương tự, bị cáo Phạm Kim Hậu cũng thừa nhận được bị cáo Sơn trao đổi về việc giao Cục kỹ thuật rút tiền trong bữa ăn trưa. “Khi đó quan điểm bị cáo là im lặng đồng ý”, bị cáo Hậu nói và cho biết bản thân có nhận được 10 tỷ đồng từ bị cáo Sơn. Đến nay, số tiền trên vẫn để nguyên trong phòng. “Đây là sai lầm lớn nhất trong cuộc đời tôi”, bị cáo Hậu nói.

Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Hậu là người viết đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng, sau đó bị cáo lại rút đơn vì sợ cấu thành tội phạm, sợ trách nhiệm.

Đến lượt mình, bị cáo Hưng nói cơ bản nhất trí với lời khai của các bị cáo trước đó. Tuy nhiên, ông Hưng phân bua, cho rằng mình chỉ chỉ đạo cấp dưới làm theo mệnh lệnh ở trên, thực hiện theo công việc chung.

Bị cáo Hưng khẳng định mình không được tham gia, bàn bạc việc rút 50 tỷ đồng. Việc thực hiện nhiệm vụ rút tiền theo chỉ đạo của bị cáo Sơn là quan hệ lệ thuộc giữa thủ trưởng cấp trên với cấp dưới.

Sau đó, bị cáo triển khai cho các trưởng phòng thực hiện, có trưởng phòng thực hiện, có trưởng phòng không, bởi họ trao đổi lại là không thực hiện được. “Khi tôi có trao đổi lại đây là nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh, đề nghị các anh hết sức thì các trưởng phòng đồng thuận nhưng băn khoăn, sau đó chấp hành”, bị cáo Hưng nói.

Đến tháng 1/2020, bị cáo Hưng nhận được 50 tỷ đồng từ các trưởng phòng. Nhận xong, cùng ngày, ông Hưng chuyển cho ông Sơn toàn bộ số tiền trên./.

Đọc thêm