'Đà Nẵng chậm giao đất, DN nguy cơ phá sản': Áp dụng quy định pháp luật thế nào?

Liên quan vụ việc được nêu trong các bài “Đà Nẵng: Doanh nghiệp (DN) nguy cơ phá sản – ai chịu trách nhiệm?”“Bộ Tư pháp vào cuộc, kiến nghị TP Đà Nẵng xử lý việc chậm giao đất cho doanh nghiệp trúng đấu giá”, các Chuyên gia pháp lý, Luật sư khẳng định, việc áp dụng pháp luật phải trên cơ sở “văn bản quy phạm pháp luật” chứ không phải “văn bản áp dụng pháp luật”.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật Nguyễn Duy Lãm.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật Nguyễn Duy Lãm.

Chuyên viên cao cấp Nguyễn Duy Lãm (nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp) cho rằng: Căn cứ vào Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước để hủy hết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất của doanh nghiệp thì cần phải nghiên cứu thận trọng, vì doanh nghiệp đã trúng đấu giá quyền sử dụng đất, đã nộp 100% tiền trúng đấu giá và tiền phạt chậm nộp lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Các Nghị định của Chính phủ đã quy định về những trường hợp chậm nộp và nộp tiền phạt chậm nộp thì vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản trả lời TP. Đà Nẵng về vấn đề này) thì Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng cần căn cứ vào quy định của văn bản quy phạm pháp luật. Trong trường hợp này là các Nghị định của Chính phủ để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Cổ phần Vipico thực hiện dự án khu đất A20.

"Đây sẽ được xem là một ví dụ sinh động cho việc thực hiện chủ trương Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp", nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật nói.

Quy phạm pháp luật được giải thích là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện (khoản 1 Điều 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015).

Như vậy, việc áp dụng pháp luật phải căn cứ vào các quy định pháp luật quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Trường hợp của Công ty Cổ phần Vipico cùng một nội dung nhưng ý kiến của Kiểm toán Nhà nước với quy định của văn bản quy phạm pháp luật (trong trường hợp của TP. Đà Nẵng là Nghị định của Chính phủ) là khác nhau thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật vì văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.

Ngày 11/10/2018, Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp – Bộ Tư pháp đã có Văn bản số 47/CV-PCDN gửi Kiểm toán Nhà nước đề nghị sớm giải thích rõ Công văn số 425/KTNN-TH ngày 4/9/2018 của Kiểm toán Nhà nước trong đó kết luận Công ty Cổ phần Vipico đã chậm nộp tiền trúng đấu giá, vi phạm quy định pháp luật về bán đấu giá nhưng có thể áp dụng chế tài nộp tiền chậm nộp theo quy định của Nghị định Chính phủ đang có hiệu lực và hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã gửi các cơ quan có liên quan. Động thái này rất cần được sự vào cuộc sớm của các cơ quan để hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết 35 của Chính phủ.

Luật sư Trương Thanh Đức
Luật sư Trương Thanh Đức

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, “văn bản quy phạm pháp luật” và “văn bản áp dụng pháp luật” là khác nhau, nhiều người nhầm lẫn trong việc áp dụng các quy định pháp luật cũng như các nguyên tắc áp dụng pháp luật cơ bản. Việc áp dụng pháp luật phải trên cơ sở các quy định của văn bản quy phạm pháp luật.

Trong trường hợp trúng đấu giá của Công ty Cổ phần Vipico tại TP. Đà Nẵng, căn cứ vào các Nghị định của Chính phủ như: Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất; Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; Nghị định số 123/2017/NĐ-CP ngày 14/11/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê  đất, thuê mặt nước, thì Công ty Cổ phần Vipico thuộc trường hợp chậm nộp tiền theo hướng dẫn của Bộ Tài chính nêu tại Công văn 1712/BTC-TCT ngày 9/2/2018 và có thể áp dụng chế tài nộp tiền chậm nộp theo định mức quy định của pháp luật về quản lý thuế.

"Không thể căn cứ vào Báo cáo Kiểm toán Nhà nước (nhưng chưa rõ kết luận có hủy kết quả bán đấu giá hay không, Báo cáo Kiểm toán chỉ nêu có vi phạm nghĩa vụ chậm nộp) và trái với quy định của Nghị định để hủy kết quả đấu giá của doanh nghiệp được, trường hợp nào hủy kết quả đấu giá, Nghị định Chính phủ đã quy định, vì vậy, phải áp dụng Nghị định của Chính phủ", Chủ tịch Công ty Luật Basico nêu quan điểm.

Bộ Tư pháp (trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành) cũng đã có Văn bản gửi Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng về vấn đề này, vì vậy, Đà Nẵng không thể trì hoãn việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp được, việc trì hoãn (gần 01 năm nay) đang đẩy doanh nghiệp vào bước đường cùng và có thể giết chết doanh nghiệp. Dư luận đang cho rằng, như vậy chính quyền đang “lãnh cảm” với sự sống còn của doanh nghiệp.

Đọc thêm