Quanh năm ngửi mùi, dùng nước từ… bãi rác!
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng (tổ 70 phường Hòa Khánh Nam) cho biết, bãi rác Khánh Sơn được xây dựng cách đây hơn 25 năm. Cũng từng ấy thời gian hàng ngàn người dân nơi đây phải sống chung với ô nhiễm môi trường, nguồn nước và bệnh tật. Nước rỉ từ bãi rác Khánh Sơn theo khe suối từ trên núi cao men theo kênh mương đổ về, ngấm vào lòng đất, ruộng đồng. Thành phố đã triển khai nhiều biện pháp, thế nhưng vào những ngày nắng nóng nhà nào cũng cửa đóng, then cài để ngăn mùi hôi thối xộc vào nhà. Nước sinh hoạt cũng không thể dùng được. Cây cối trồng dưới ruộng chết hết.
Thành phố dự kiến đóng cửa bãi rác này vào năm 2019. Người dân chưa kịp mừng thì hay tin, dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) vẫn còn ì ạch khiến thành phố lại lùi thời gian đóng cửa bãi rác Khánh Sơn đến năm 2021.
Ông Nguyễn Tựa (Tổ trưởng Tổ dân số 70) bức xúc: “Thành phố gia hạn thêm 4, 5 năm nữa, như vậy bãi rác này sẽ quá tải. Dân tha thiết kêu gọi thành phố di dời bãi rác để trả lại môi trường cho bà con ở đây”.
Ông Võ Minh Đức, Phó Tổng Giám đốc Cty Môi trường Đô thị TP Đà Nẵng (Cty TM-ĐT) thông tin, mỗi ngày bãi rác Khánh Sơn tiếp nhận xử lý hơn 900 tấn rác thải và từ 500 đến 600m3 nước rỉ rác. Năm 2010, Công ty TNHH Quốc Việt được TP Đà Nẵng chấp thuận đầu tư hệ thống xử lý nước rỉ tại bãi rác Khánh Sơn, công suất 1.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, qua thời gian vận hành, hệ thống này xuống cấp. Tháng 9/2016, TP Đà Nẵng giao Cty MT-ĐT tiếp nhận, cải tạo và vận hành hệ thống xử lý nước rỉ rác và dự kiến tháng 10/2018 sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành.
Đi không được ở không xong!
Gần bãi rác Khánh Sơn, Dự án Ga đường sắt mới (tại phường Hòa Khánh Nam và phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) vẫn “án binh bất động” suốt 15 năm liền. Người dân vùng dự án đang khốn đốn bởi quy định không được xây dựng, cơi nới nhà ở.
Gia đình ông Lê Văn Hai (60 tuổi, Hòa Khánh Nam) với 10 khẩu gồm, con cháu, dâu rể chen chúc trong ngồi nhà cấp 4 chật chội, xuống cấp. Những ngày tháng 5 nóng hầm hập, ông Hai chỉ mong các cháu nghỉ hè để… gửi bớt về quê cho người quen chăm hộ.
“Năm 2003, khi công bố quy hoạch Ga đường sắt Đà Nẵng mới chỉ có hơn 400 hộ dân trong vùng dự án như ông. Nay số hộ đã lên tới 2.000, tăng gấp 5 lần. Nhiều gia đình, hai đến ba thế hệ sống chen chúc trong căn nhà chật chội. Ngày biết có dự án, 2 đứa con của tôi vẫn còn nhỏ. Nay cả 2 đã lấy vợ, lấy chồng; các con ông sinh thêm 4 cháu nữa. Tính ra 3 thế hệ không đủ chỗ ở. Vì toàn bộ đất nằm trong dự án bị cấm xây dựng, cơi nới nhà cửa, bí quá ông đành liều xây thêm căn phòng nhỏ bên cạnh cho vợ chồng đứa con trai. Ở chưa được bao lâu thì bị buộc phải tháo dỡ” - ông Hai than thở.
Ông Lê Tấn Bường, Tổ trưởng Tổ dân phố 42 (phường Hòa Khánh Nam) xác nhận, việc dân có đất mà không thể tách thửa cho con cái khi có vợ, chồng ra ở riêng nên bức xúc. Thời gian qua, UBND TP Đà Nẵng cho phép xây mới nhưng không quá 50m2 nhưng người dân mong muốn ổn định cuộc sống”.
Trao đổi với phóng viên PLVN, ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu thông tin, “do yếu tố về quy hoạch cho nên hạn chế việc sử dụng đất và tách thửa, cũng có khó khăn nhất định cho người dân. Hiện tại, chúng tôi đang rà soát từng trường hợp, đề xuất với UBND thành phố để có giải pháp xử lý nhằm bảo đảm quyền lợi sử dụng đất của dân. Còn trường hợp cố tình xây dựng trái phép, chúng tôi xử lý triệt để”, ông Hưng biện bạch.