Đà Nẵng khó xử lý công trình trái phép ở bán đảo Sơn Trà

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhiều năm trước, Kết luận 792 ngày 18/10/2016 của Thanh tra TP Đà Nẵng đã chỉ rõ, có 68 công trình xây dựng trái phép ở bán đảo Sơn Trà (từ 1997 - 2010) phải tháo dỡ, hoàn trả hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, 6 năm qua, mới có 10 trường hợp bị xử lý.
 Một số công trình trái phép hoạt động trên bán đảo Sơn Trà.
Một số công trình trái phép hoạt động trên bán đảo Sơn Trà.

Quanh bán đảo Sơn Trà tại khu vực bãi Bắc, suối Đá, tiểu khu 62,63, đường lên trạm phát sóng DRT, đường Yết Kiêu… vẫn tồn tại hàng loạt công trình không đúng quy định.

Điển hình các công trình xây trái phép trên đất rừng như: Khu du lịch Suối Rạng có 22 sạp xây dựng bằng bê tông, lợp tôn, nền xi măng; 4 nhà kho; hệ thống nhà vệ sinh, hồ cá, hòn non bộ, lối đi lại, bể nước… kiên cố. Toàn bộ khu du lịch Suối Rạng có diện tích hơn 1,2ha được BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà giao khoán cho hộ gia đình ông Lê Đức Long từ 1998. Việc xây dựng công trình trái phép diễn ra từ 2003.

Theo UBND quận Sơn Trà, “khu du lịch” này xây dựng kinh doanh trái phép trên đất giao khoán trồng rừng; giấy phép kinh doanh không đúng với địa điểm.

Bãi Nam cũng là khu vực tồn tại nhiều công trình xây dựng trái phép. Quán Vườn Tôi dù đã được xử lý các công trình kiên cố, nhưng vẫn đón khách. Nhà hàng Bãi Nam đã ngừng hoạt động nhưng vẫn chưa tháo dỡ, dãy công trình bằng gỗ vẫn tồn tại trên đất rừng. Còn nhà hàng Bảy Ban và Khu du lịch Suối Rạng liền kề nhau luôn đông nghịt khách, nhất là vào dịp cuối tuần, lễ, Tết.

Theo hồ sơ, nhà hàng Bảy Ban được xây dựng trên diện tích hơn 1ha tại tiểu khu 64 bán đảo Sơn Trà. Diện tích này trước đây được BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (cũ) giao khoán cho gia đình bà Hoàng Thị Lệ và ông Nguyễn Văn Ban (đã chết). Từ 2002, khu vực này mọc lên các công trình tạm bợ, đến 2006 sửa chữa, cơi nới. Đến nay, tại đây đã hình thành một chuỗi nhà hàng, hơn 10 chòi, sạp lớn bằng bê tông, cốt thép cùng hệ thống nhà kho, nhà bếp quy mô, cầu bê tông, hồ cá…

Ông Hoàng Sơn Trà, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết, quận đã nghiên cứu kỹ về căn cứ pháp lý để làm cơ sở xử lý vi phạm hành chính theo quy định và nhiều lần tham vấn ý kiến của các sở, ban, ngành. UBND quận nhận thấy, trên cơ sở quy định hiện tại không xác định được thời điểm vi phạm là thời điểm cá nhân chuyển mục đích SDĐ, cũng như giá đất tại khu vực bán đảo Sơn Trà. Các hộ xây dựng công trình trái phép trong khoảng thời gian dài, trên diện tích đất trồng rừng rộng lớn nên số lợi nhuận thu được rất lớn. Tuy nhiên, khó xác định được chính xác nguồn lợi nhuận này nên việc thu hồi sẽ không khả thi.

Ngoài ra, đa số trường hợp nhận giao khoán đất trồng rừng đã chuyển nhượng, cho thuê, hiến tặng trái quy định. Nhiều người đã đi khỏi địa phương nên khó xác định được người có hành vi vi phạm xây dựng công trình trái phép để lập biên bản xử lý và buộc khắc phục hậu quả, khôi phục hiện trạng ban đầu.

Bên cạnh đó, hồ sơ bàn giao không đảm bảo quy định, thiếu tính chính xác dẫn đến không thể xác định chính xác thời điểm, vị trí, diện tích sai phạm để xử lý. Vì các vướng mắc trên mà UBND quận Sơn Trà không hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ xử lý trong năm 2022 theo chỉ đạo của UBND TP. Trong năm 2022, quận chỉ xử lý được 10/68 trường hợp vi phạm.

Đọc thêm