Bất nhất các quyết định
Theo tài liệu PV có được, năm 2006, khi dự án mở Khu công nghiệp Hòa Khánh giai đoạn 1 (Cụm công nghiệp Thanh Vinh, quận Liên Chiểu) được thực hiện, chính quyền Đà Nẵng kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào. Trước lời kêu gọi đó, hai Công ty thép Dana Ý và Dana Úc xin được đầu tư xây dựng nhà máy và đã được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ký quyết định bố trí nhà máy lên Cụm Công nghiệp theo Giấy chứng nhận đầu tư số 32121000074 ngày 19/9/2008.
Nói rõ thêm, cụm công nghiệp Thanh Vinh được UBND TP Đà Nẵng ra Quyết định phê duyệt nằm chung trong Quy hoạch các cụm công nghiệp nhỏ của địa phương tại Quyết định số 138/2000/QĐ-UB ngày 27/12/2000.
Khi đó, Cụm công nghiệp Thanh Vinh là một giải pháp nhằm thực hiện chính sách di dời các doanh nghiệp sản xuất ra khỏi địa bàn trung tâm thành phố, về tập trung tại quận Liên Chiểu theo hướng phát triển nơi này trở thành quận công nghiệp của thành phố, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp cơ khí- luyện kim.
Đáng chú ý, thời điểm đầu tư xây dựng nhà máy tại khu vực này, dân cư thưa thớt, chỉ có khoảng 40 hộ. Chủ đầu tư Cụm công nghiệp khi đó là Công ty Cổ phần Đầu tư Đà Nẵng Miền Trung cùng chính quyền thành phố cam kết sẽ di dời người dân xung quanh nhà máy. Cụ thể, tính từ bờ rào đến khu dân cư với khoảng đệm dài 30m cây xanh, đảm bảo không ảnh hưởng đời sống dân cư. Nhưng về sau, chủ đầu tư cụm công nghiệp lại thay đổi quy mô hoạt động của khu vực này.
Đặc biệt, xung quanh khu vực 2 nhà máy, đất đai được chính quyền sở tại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó có cả loại “giấy 3 lá” (đất nông nghiệp chưa được Nhà nước cho phép xây dựng- PV) mới. Dân ùn ùn đổ về, đến năm 2016 đã tăng lên thành 400 hộ dân và hiện có khoảng 1.200 hồ sơ đất được tách thửa. Một cán bộ tại UBND TP Đà Nẵng từng cảm thán, chính công tác quản lý của chính quyền quá lỏng lẻo trong việc mua bán, tách thuở mới đẩy sự việc đi vào bế tắc.
Suốt quá trình các nhà máy hoạt động, người dân xung quanh bị ảnh hưởng bởi khói bụi, tiếng ồn và kêu cứu. Theo thông báo đầu tiên của UBND TP Đà Nẵng ngày 29/12/2016, sau khi kiểm tra thực tế tình hình ô nhiễm môi trường tại hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo các sở ban ngành liên quan lập dự toán kinh phí đền bù, giải tỏa, di dời các hộ dân tại khu vực sát nhà máy để nhà máy tiếp tục hoạt động trong thời gian khấu hao tài sản.
Đồng thời ngày 22/2/2017, UBND TP Đà Nẵng cũng đã có thông báo triển khai ý kiến chỉ đạo của Thành ủy Đà Nẵng cho phép nhà máy tồn tại một thời gian để thực hiện lộ trình di dời.
Người dân phản đối nhà máy thép gây ô nhiễm. |
Đối với công tác giải tỏa đền bù do Công ty thép Dana Ý và Công ty thép Dana Úc chịu kinh phí đền bù theo quy định của thành phố đã được hai đơn vị đồng ý và thống nhất theo phương án chỉ đạo của chính quyền.
Thế nhưng, ngày 2/3/2018, UBND thành phố lại gửi công văn thông báo chỉ đạo của Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng thống nhất, không để hai nhà thép Dana Ý và Dana Úc tiếp tục hoạt động. Đồng thời thu hồi, hủy bỏ những chủ trương trước đây thành phố ban hành.
Chỉ vài ngày sau, UBND thành phố lại ra thông báo, kể từ ngày 26/3, 2 nhà máy thép được phép hoạt động trở lại trong thời gian 6 tháng để giảm thiểu thiệt hại. Sau đó UBND TP lại ra Công văn số 5402/UBND-STP ký ngày 13/7 xác nhận, không giới hạn hoạt động của 2 Công ty Dana Ý và Dana Úc trong thời gian 6 tháng. Dư luận cho rằng, trước những chủ trương ban hành trước sau không thống nhất và đột ngột đã đẩy doanh nghiệp vào tình huống khó khăn, không chỉ có nguy cơ phá sản mà gần 1.500 lao động có thể mất việc làm.
Chờ giải pháp
Trở lại câu chuyện hoạt động hai nhà máy, nếu nói rằng do quá trình sản xuất gây ô nhiễm nên buộc phải dừng hoạt động, thì một nguồn tin cho thấy, Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng (Quatest) 2 thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ tiến hành đánh giá độc lập quá trình giám sát môi trường cho kết quả đợt 1, khối lượng khói bụi phát thải rất ít.
Đối với xỉ lò luyện, đây không phải chất thải rắn nguy hại mà là chất thải rắn thông thường và được sử dụng làm vật liệu xây dựng. Các chỉ số thể hiện, Nhà máy thép không gây ảnh hưởng về môi trường đối với khu vực xung quanh như không khí, đất, nước ngầm…
Ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dana Ý bày tỏ: “Chúng tôi bỏ tiền túi đầu tư nhà máy, thiết bị nên không dại gì hoạt động sản xuất ô nhiễm để tự “giết” mình. Chúng tôi hơn ai hết cũng chính là người con của Đà Nẵng. Trong 10 năm nay, công ty luôn tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường, mọi chỉ số đo đạc đều nằm trong giới hạn cho phép.
Điều này thể hiện qua việc, hàng năm có rất nhiều cơ quan môi trường đến kiểm tra, quan trắc”. Ông Tân cho biết hiện có hơn 1.000 lao động của nhà máy đang thấp thỏm chờ đợi kết luận chuẩn xác. Theo ông Tân, việc ngừng hoạt động sản xuất thời gian vừa qua đã gây thiệt hại cho công ty hơn 100 tỷ đồng.
Về phía Công ty Dana Úc cũng cho rằng đã nhiều lần gửi văn bản lên chính quyền đề nghị có phương án giải quyết sớm cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn An, Phó Tổng GĐ Công ty CP thép Dana Úc chia sẻ, đến nay vẫn chưa có phản hồi phương án nào cho số phận của hai nhà máy.
Ngay cả việc dừng sản xuất không phải do lỗi của doanh nghiệp, làm thiệt hại nặng hàng trăm tỷ của doanh nghiệp, nhưng đến nay vẫn không ai chịu trách nhiệm. “2 doanh nghiệp sẵn sàng thực hiện theo chủ trương của thành phố. Phương án đi hay ở lại cần phải được giải quyết một cách hợp lý và thỏa đáng”, ông An nói.