Đặc sản mực nhảy Vũng Áng “chết yểu”, tiểu thương 'kêu trời'

(PLO) - Cả chục nhà hàng kinh doanh đặc sản “mực nhảy” Vũng Áng vắng teo, ế ẩm vì khách không dám mua ăn… Thực trạng buồn đang diễn ra tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh.
Ngư dân buồn bã vớt cá để tiêu hủy
Ngư dân buồn bã vớt cá để tiêu hủy

Đặc sản “mực nhảy”… vắng khách

Cơ quan chức năng đã thông tin tuyền truyền, trấn an dư luận để người dân yên tâm tiêu thụ sản phẩm từ biển. Tại Hà Tĩnh, ông Đăng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch tỉnh này cũng tuyên bố hàng ngày ông và gia đình vẫn ăn cá tươi, tắm biển Vũng Áng bình thường. Tuy nhiên, tâm lý lo sợ bị nhiễm độc vẫn khiến nhiều người “tẩy chay” hải sản.

Cảng Vũng Áng xưa nay vốn nổi tiếng khắp cả nước với món mực tươi ngon “có một không hai”, hương vị không thể lẫn vào đâu. Du khách gần xa khi ghé qua Hà Tĩnh ít ai bỏ qua món “mực nhảy”, thế nhưng, khi có thông tin cá chết bất thường lan truyền thì việc kinh doanh của bè thuyền, nhà hàng nổi trở nên ngừng trệ, các chủ kinh doanh như ngồi trên đống lửa.

Chị Trần Thị Trang, chủ một bè nổi cho biết: “Những ngay qua việc buôn bán ế ẩm lắm! Nếu trước khách xuống ăn đông thì giờ đây vắng hoe, mỗi ngày chỉ “lác đác” ít bàn khách. Trước giờ món “mực nhảy” là món chủ lực được du khách ưa chuộng thì giờ đây ít người dám ăn, cứ đà nay dễ phá sản lắm…”

Ông Chu Văn Tiến, một hộ kinh doanh “mực nhảy” cho biết : “Cách đây mấy ngày có hiện tượng cá chết ở vùng biển này, sau đó có nhiều thông tin về việc cá bị ngộ độc nên việc kinh doanh của chúng tôi ở đây cũng gặp nhiều khó khăn do tâm lý hoang mang của người dân. Bình thường vào thời điểm này, mỗi ngày gia đình ông 20 – 30 Kg mực thế nhưng giờ không ai đến ăn”. 

 

Ông Tiến nói thêm, trước đó ở khu vực này xảy ra tình trạng cá nuôi trong lồng bị chết không rõ nguyên nhân, nhưng sau đó ít ngày bình thường trở lại. Các bè nuôi mực, cá vẫn sống bình thường không có vấn đề gì cả.

Không riêng gì những hộ trên, những ngày qua hàng chục hộ kinh doanh, bè nổi, nhà hàng tại cảng Vũng Áng lâm cảnh tương tự, lo việc kinh doanh “chết yểu” vì du khách sợ không dám ăn “mực nhảy”, hải sản…

Tàu thuyền “phơi mình”, chợ hải sản... “đìu hiu”

Không chỉ người tiêu dùng lo lắng, bất an, hiện tượng cá chết bất thường còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đánh bắt và tiêu thụ thủy hải sản của bà con ngư dân. Dường như nhiều người dân đã “tẩy chay” các mặt hàng từ biển sau khi có thông tin cá chết bất thường.

Tại làng chài Ba Đồng (Kỳ Phương – Thị xã Kỳ Anh) vốn là một trong những làng chài nổi tiếng, có lượng ngư dân đi biển đông nhưng giờ đây mọi việc đã “chững” lại. Tại đây, hàng trăm chiếc ghe, thuyền của bà con ngư dân nằm dài, “phơi mình” trên bãi biển.

Ngư dân Lê Hoài Lai, trú tại thôn Ba Đồng, phường Kỳ Phương, ngước mắt nhìn ra biển, mặt buồn thiu nói: “Nhiều ngày nay, mặc dù biển không động nhưng tụi tui vẫn không thể ra khơi đánh bắt cá như mọi lần. Việc cá chết hàng loạt nhưng chưa rõ nguyên nhân khiến người dân lo lắng, không mua cá nên chúng tôi “gác mái”, cất thuyền ngừng ra khơi”.

Theo ngư dân này, cả làng chài hiện có khoảng vài trăm ghe, thuyền các loại đánh bắt thủy hải sản nhưng hiện chẳng ai ra biển cả. 

Thời tiết "đẹp" nhưng thuyền của ngư dân "phơi mình", không ra khơi.
Thời tiết "đẹp" nhưng thuyền của ngư dân "phơi mình", không ra khơi.

Dù đang là vụ đánh bắt chính nhưng hình ảnh trên bến dưới thuyền tấp nập cảnh mua bán, tiếng hò nhau kéo thuyền ra biển vắng hẳn. Những câu hát quen thuộc của các ngư dân như: “Thuyền anh ra khơi khi chân mây ửng hồng, thuyền anh ra đâu có ngại chi mưa nắng…” giờ đây đã không còn vang lên dưới ánh bình minh.

Các chợ hải sản cũng rơi vào cảnh “đìu hìu” vì người dân không dám mua ăn. Một vài điểm đầu mối tiêu thụ hải sản tại Thị xã Kỳ Anh vắng vẻ, ế ẩm theo.

Thuyền nằm chỏng chơ, bến cá đìu hiu, không còn cảnh buôn bán tập nập như trước
Thuyền nằm chỏng chơ, bến cá đìu hiu, không còn cảnh buôn bán tập nập như trước

Chị Nguyễn Thị Thanh, tiểu thương tại chợ Kỳ Anh cho biết thêm, người tiêu dùng hiện chọn mua cá nuôi hoặc cá sông…

“Người dân không dám mua cá biển về ăn, việc buôn bán của chúng tôi ảnh hưởng rất nhiều. Có thể cá rất tươi nhưng họ vẫn sợ nhiễm độc không mua. Cuộc sống vốn dĩ đã chật vật nay lại khốn khó hơn, chỉ mong các cấp sớm tìm ra nguyên nhân và có cách hỗ trợ cho chúng tôi", chị Nguyễn Thị Huyền, chuyên thu mua cá tại phường Kỳ Phương, than thở. 

Đọc thêm