Cá chết khiến người dân không dám ăn cá kéo theo nhiều khu chợ, hàng cá trở nên đìu hiu, ế ẩm, ngư dân không dám ra khơi, thuyền xếp nằm dài trên bờ chờ thu lưới...
Gác chèo, treo lưới, xếp quầy…
Khoảng hơn 30 tấn cá được người dân vớt được trong gần 1 tuần qua là con số mà Chi Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị đưa ra. Việc cá chết trắng bờ biển đã khiến người dân hoang mang lo lắng, cuộc sống ngư dân lao đao. Tại các chợ đầu mối trên địa bàn, các loại cá biển được bày bán hầu như ế ẩm, nhiều ngày trôi qua người dân hoang mang trước thông tin cá chết do nhiễm độc nên không dám mua về ăn. Tiểu thương bán không được hàng nên không dám nhập cá về bán.
Dạo một vòng quanh các chợ đầu mối trên địa bàn, hầu hết đều gặp phải tình trạng tương tự. Không bán được hàng, nhiều người phải nghỉ bán ở chợ. Tại chợ Đông Hà, chợ đầu mối lớn nhất của tỉnh dù đã hơn 12 giờ trưa tại các sạp bán thịt gia cầm, gia súc đã bán hết từ sớm, thế nhưng tại các hàng bán cá vẫn còn nguyên, không có người hỏi mua dù những người bán hàng đã nhiệt tình mời gọi. Cá ế bán không được, nhiều người nản lòng chất cá lên xe chở về nhà.
Tình trạng cá chết kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của những người dân đang ngày đêm bám biển cũng như đời sống kinh tế-xã hội của địa phương. Các ngành chức năng cần sớm đưa ra kết luận chính thức cũng như biện pháp xử lý và hỗ trợ cuộc sống, sản xuất của ngư dân được ổn định…
Bà Nguyễn Thị Bướm (73 tuổi, tiểu thương ở chợ Đông Hà) cho biết: “Đã nhiều ngày liền không chỉ riêng tôi mà hầu hết các tiểu thương bán cá ở chợ Đông Hà đều không bán được hàng. Người dân sợ không dám mua, chúng tôi mang cá lên bán, bán không được lại mang về muối hoặc phơi khô. Ở trong chợ trước đây có 50 người bán cá bây giờ chỉ còn lại 20 người, nếu tình trạng này kéo dài chắc tôi cũng phải nghỉ bán vì lỗ mất thôi...”.
Tại cảng cá Nam Cửa Việt, Thị trấn Cửa Việt, khác với không khí tấp nập những ngày trước đó, giờ đây mỗi khi có tàu cập bến hầu như không thấy bóng dáng các thương lái thu mua cá đâu nữa.
Ngư dân Hoàng Hải (45 tuổi), thị trấn Cửa Việt cho biết: “Gần 1 tuần nay từ khi có hiện tượng cá chết, người dân nghe tin hoang mang không dám ăn cá biển nữa. Vì vậy, chúng tôi đánh bắt về thương lái cũng không muốn thu mua, bởi mua cũng chẳng biết cho ai. Giá cả bây giờ rẻ như cho thế mà ngư dân chúng tôi vẫn không bán được cá, đành mang về xay làm thức ăn cho gia súc hoặc đem muối. Tình hình này mà kéo dài chắc những ngư dân như chúng tôi chỉ biết cách ôm lưới ở nhà khóc ròng..”
Tại các cảng cá, rất ít thương lái đến thu mua cá. Theo lời các lái buôn cho biết thì hiện tại họ không thu mua cá nữa bởi mua về không biết bán cho ai. Các loại cá thu mua được giờ chủ yếu là cá nục, cá trích, các loại cá nhỏ về để hấp sấy làm cá khô. Cá có giá trị kinh tế cao khác cũng chỉ còn lại khoảng 10-20% giá trị nhưng vẫn không có người mua như: Cá mú giảm từ 200.000 đồng xuống còn 30.000 đồng/kg; cá thiều giảm từ 80.000 đồng xuống còn 20.000 đồng/kg; cá hanh giảm từ 100.000 đồng xuống 15.000 đồng/kg; cá bớp từ 200.000 đồng xuống còn 50.000 đồng/kg…
Theo những ngư dân đi biển cho biết,chi phí cho mỗi chuyến đi biển rất cao, thế nhưng sau chuyến đánh bắt dài ngày trở về cá lại không bán được khiến nhiều người nghĩ đến việc nghỉ đánh bắt trong thời gian trước mắt.
Ông Võ Dũng, khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, chủ tàu QT 93647 cho biết: “Bây giờ đánh bắt về cũng không có người mua, biết bán cá cho ai. Mấy lần đi về không bán được nên đành phải muối hoặc xay làm thức ăn cho gia súc. Chi phí thì cao mà bán không được nên tàu tôi nghỉ gần 1 tuần rồi không ra biển nữa. Mong các cơ quan chức năng sớm đưa ra kết luận để người dân yên tâm sản xuất chứ nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây khó khăn rất lớn cho cuộc sống những ngư dân đang ngày ngày bám biển vươn khơi như chúng tôi…”.
Vắng bóng khách du lịch
Tháng 4 là tháng có nhiều ngày lễ lớn của đất nước, du lịch biển được xem là thế mạnh đặc biệt bởi Quảng Trị có các bãi tắm nổi tiếng như Cửa Tùng, Cửa Việt. Mùa hè được xem là mùa bội thu của các hàng quán, thế nhưng trong thời gian gần đây từ khi có tình trạng cá chết trôi dọc bờ biển kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch.
Khác với khung cảnh tấp nập, đông đúc người về nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi như trước đây bây giờ đập vào mắt chúng tôi là khung cảnh hiu hắt, vắng tanh không một bóng người tại các hàng quán dọc bờ biển Gio Linh và Vĩnh Linh. Rất dễ dàng để nhận ra nhiều hàng quán phải nghỉ đóng cửa vì ế ẩm.
Ông Đào Văn Kỳ, chủ quán Hiếu Giang, thị trấn Cửa Việt cho biết: “Trong thời gian gần đây lượng khách đến bãi tắm Cửa Việt rất ít. Hàng quán của chúng tôi ở đây chủ yếu bày bán các loại hải sản như: cá mú, mực, tôm, ghẹ, cua, cá bớp… thế nhưng giờ đây chẳng ai ăn những loại này nữa. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh buôn bán của chúng tôi đặc biệt là khi dịp Lễ 30/4 sắp đến. Mong rằng các ngành chức năng sớm vào cuộc đưa ra kết luận cuối cùng để ổn định cuộc sống và sản xuất của bà con để chúng tôi có thể yên tâm buôn bán…”.