Đại án AIC: Cựu Giám đốc Sở Y tế mong được xét xử 1 tội để sớm trở về với gia đình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại tòa, cựu Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai và nhiều bị cáo khác thừa nhận sai phạm của mình. Quá trình khai báo, cựu Giám đốc Sở Y tế mong HĐXX xét xử mình 1 tội thôi để ông có cơ hội sớm trở về với gia đình. 
Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.

Chiều 22/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty cổ phần Tiến bộ (Cty AIC) và 35 bị cáo khác.

Tại tòa, bị cáo Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai) thừa nhận sai phạm của mình. Ông Vũ bị xét xử về tội “Nhận hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo phân trần của ông Vũ, ông rất suy nghĩ về việc bản thân mình bị truy tố về 2 tội danh trên. Ông Vũ liên tưởng đến những đồng nghiệp của ông, trong đó có người cũng làm giám đốc bệnh viện, giám đốc trung tâm kiểm soát bệnh tật. Những người bạn đó của ông Vũ cũng “nhận quà” nhưng chỉ bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Do đó, ông Vũ mong HĐXX xét xử ông 1 tội thôi, để ông có cơ hội trở về với gia đình, xã hội.

Bị cáo này khẳng định mình không, trao đổi, bàn bạc thống nhất với AIC để được nhận vật chất. “Tôi chưa bao giờ gặp cô Nhàn, cô Nga. Sau khi bệnh viện đưa vào hoạt động được 3 tháng tôi mới nhận được quà của AIC”, ông Vũ nói và cho biết bản thân ông rất thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác, giúp đỡ cơ quan điều tra nhanh chóng kết thúc vụ án. Bị cáo Vũ hi vọng mình sẽ nhận được chính sách khoan hồng của pháp luật, có cơ hội sớm trở về với gia đình.

Bị cáo Nguyễn Thị Dung (TGĐ Cty Mediconsult Việt Nam) cũng thừa nhận sai phạm của mình. Theo cáo trạng, quá trình lập hồ sơ điều chỉnh danh mục thiết bị y tế, giữa Bệnh viện, Cty AIC và Cty Mediconsut đã có sự thông đồng trong việc cung cấp cấu hình kỹ thuật và giá thiết bị y tế để trình UBND tỉnh phê duyệt. Căn cứ vào danh mục thiết bị, cấu hình kỹ thuật, dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt từ giai đoạn lập dự toán điều chỉnh danh mục trang thiết bị y tế ban đầu, Tổ tư vấn đấu thầu đã đưa luôn vào nội dung phần kỹ thuật của HSMT các gói thầu số 52, từ 64 đến gói 77 (trừ gói 66), tạo lợi thế để Cty AIC trúng thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 140 tỷ đồng.

Sau bục khai báo, bị cáo Dung nói mình không biết rõ, chi tiết những việc mà Ngọc làm việc với cán bộ AIC. “Bị cáo khẳng định lại là anh Ngọc không báo cáo. Anh Ngọc chỉ nói AIC sẽ là 1 cơ quan mà chủ đầu tư đề nghị đưa cấu hình vào”, bị cáo Dung phân trần và cho biết, đến khi Ngọc trình ký báo cáo thì bà mới biết AIC trúng thầu rất nhiều. “Lúc đó, bị cáo không biết 1 tí nào về “quân xanh”, “quân đỏ” cho tới khi có kết luận điều tra”, bị cáo Dung phân trần.

“Việc nhà thầu liên hệ với tư vấn có đúng không? Anh vì lợi ích của chủ đầu tư nhưng nhà thầu lại thông với mình”, VKS truy vấn. Sau đó, đại diện VKS nói: “Còn gì mà bào chữa nữa ngoài việc thành khẩn nhận tội để được hưởng tình tiết giảm nhẹ”.

Tiếp đó, đại diện VKS cho biết, các bị cáo ở đây, trừ 8 bị cáo xét xử vắng mặt và bị cáo Nga, còn lại đều được nêu tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo.

Quá trình xét hỏi, bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Phó tổng giám đốc Cty AIC) có nguyện vọng khắc phục hậu quả. Theo bị cáo Nga, bà đã có đơn đề nghị gia đình nộp giúp số tiền khắc phục hậu quả. “Bị cáo cũng đề nghị gia đình, bạn bè giúp đỡ khắc phục thiệt hại cho các nhân viên, bởi tôi thương nhân viên của mình, các bạn có vi phạm nên mới phải khắc phục”, cựu Phó tổng AIC nói.

Sau lời khai này, VKS cho biết đã nhận đơn của gia đình bị cáo Nga về việc nộp 1 tỷ đồng.

Đọc thêm